85% số doanh nghiệp dệt may Việt Nam có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng, 15% có quy mô trên 50 tỷ đồng (trong số này chỉ có 3% quy mô 500 tỷ đồng), nên chưa đủ nguồn lực đầu tư nguyên liệu để hưởng ưu đãi trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Để được miễn thuế vào EU, dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi. |
Xoay nguyên liệu, tăng năng lực cung ứng
Giovanni Group đang có lợi hơn nhiều đơn vị khác trong ngành do nguồn nguyên liệu vải cho may sơ mi, quần âu, veston, đến da cho sản xuất cặp, túi xách cao cấp… đều được nhập từ EU và một phần cung ứng từ nội địa. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng thỏa mãn quy tắc xuất xứ từ vải trở đi để có ưu đãi thuế 0% mà EVFTA quy định.
Giám đốc thương hiệu Giovanni Group, ông Lương Hữu Lâm cho biết: “Để sản xuất dòng hàng thời trang cao cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu, nhiều loại vải đang được doanh nghiệp nhập khẩu từ Italia. Vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ dùng nguyên phụ liệu đến từ Italia để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao tại Việt Nam và sau đó mang sang thị trường EU tiêu thụ. Như vậy, doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế ở cả 2 chiều: nhập nguyên liệu vải và xuất khẩu hàng thời trang hoàn chỉnh.
Các doanh nghiệp tận dụng được EVFTA để tiếp cận nguồn nguyên phụ liệu từ châu Âu với mức giá và thuế cạnh tranh như trường hợp của Giovanni Group không nhiều, phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đang loay hoay tìm cách đáp ứng yêu cầu xuất xứ.
Đối với Tổng công ty cổ phần May 10, đơn hàng xuất khẩu sang EU chiếm đến 60% là gia công đơn thuần theo chỉ định của khách hàng và một phần còn lại là xuất khẩu hàng theo phương thức FOB (doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu). Trong cơ cấu mặt hàng sản xuất, May 10 không nhập vải từ EU, mà nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, đương nhiên, lượng vải có xuất xứ như trên sẽ không thuộc diện được hưởng ưu đãi.
Để đón bắt được cơ hội thị trường, tăng xuất khẩu, tiếp nhận đơn hàng, việc đầu tiên là năng lực sản xuất, nhà xưởng, nhân công, điều kiện làm việc phải đáp ứng được theo yêu cầu của các nhà đặt hàng, bởi khách hàng châu Âu có sự quan tâm lớn về quá trình, nơi sản xuất ra sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần về giá gia công, chất lượng sản phẩm.
Đó là lý do, giữa cao điểm Covid-19, May 10 vẫn đầu tư 462 tỷ đồng để triển khai Dự án mở rộng xí nghiệp may Bỉm Sơn (Thanh Hóa) với kỳ vọng năng lực sản xuất gia tăng, đón lõng được các đơn đặt hàng mới. Dự án này có công suất 10,75 triệu sản phẩm quần, jacket/năm (tăng gấp 5,6 lần so với hiện nay), tạo ra việc làm mới cho hơn 3.500 lao động vừa được khởi công trong những ngày cuối tháng 7/2020.
“Dù kinh doanh gặp khó, xuất khẩu giảm sút bởi sức mua tại Mỹ, EU giảm mạnh, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đầu tư mở rộng, bởi nếu không làm từ bây giờ, sẽ rất khó để đón bắt cơ hội khi dịch qua đi, sức cầu hàng dệt may tăng trở lại. Hơn thế, đây là bước chủ động tạo thời cơ cho chính doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường EU, khi EVFTA đã có hiệu lực”, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc điều hành May 10 chia sẻ.
EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với 250 tỷ USD/năm. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD, đứng sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan. EVFTA có hiệu lực sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn.
“Liệu cơm gắp mắm”
Theo cam kết của EVFTA, 42,5% số dòng thuế hàng dệt may vào EU được giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 47,5% số dòng thuế còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5 - 7 năm. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực gồm: đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse hoặc sơ mi dệt kim dành cho nữ hoặc trẻ em gái.
Để được miễn thuế, dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi, tức là, vải nguyên liệu được dùng để may quần áo xuất sang EU phải được dệt tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên EU, hoặc các nước đã có FTA với EU, mà vải sản xuất trong nước mới đủ đáp ứng 25-30% nhu cầu.
Tại Hội nghị triển khai thực hiện EVFTA do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với 63 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp giữa tuần qua, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex nêu bài toán hóc búa nhiều năm của ngành, đó là câu chuyện thiếu vải.
Suất đầu tư cho 1 nhà máy sản xuất vải quy mô khoảng 10 triệu mét/năm cần khoảng 30 triệu USD (gần 700 tỷ đồng). Với hiện trạng ngành dệt may hiện tại, trong tổng số 8.450 doanh nghiệp, có 85% số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng, 15% có quy mô trên 50 tỷ đồng (trong số này chỉ có 3% quy mô 500 tỷ đồng), nên chưa đủ nguồn lực làm nguyên liệu, chưa kể thị trường tiêu thụ chưa chắc chắn do chưa vào được chuỗi.
Ông Trường đề nghị, cần có chính sách đủ mạnh thu hút thêm nguồn lực từ khu vực FDI, có vốn và có chuỗi cung ứng đầu tư vào sản xuất vải. Đồng thời, Bộ Công thương cần triển khai tận dụng ngay linh hoạt cộng gộp vải của Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia có cùng FTA với EU và Việt Nam và cũng đang chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam (nhập vải Hàn Quốc khoảng 2 tỷ USD, chiếm 16% và từ Nhật Bản khoảng hơn 800 triệu USD, chiếm 7%).
Theo ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hòa Thọ, nhìn tích cực, quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA sẽ tạo ra động lực dài hạn thu hút đầu tư vào sản xuất vải và hình thành được chuỗi cung ứng trong nước. Còn trước mắt, Hòa Thọ đang lo nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định bằng các kênh vải trong nước, vải nhập từ các thị trường mà EU cho phép.
Từ đầu tháng 3/2020, khi nguyên liệu về chậm bởi dịch bệnh, lãnh đạo Công ty May 10 đã tới các nhà máy vải tại Nam Định, Hà Nam để kết nối mua nguyên liệu làm hàng xuất khẩu. Nguồn vải tuy không nhiều, nhưng cũng đáp ứng được một phần nguyên liệu cho doanh nghiệp và kênh cung ứng này vẫn đang được doanh nghiệp duy trì.