Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công vừa công bố bản tin nhà đầu tư tháng 11/2021.
Cụ thể, Thành Công ghi nhận doanh thu tháng 10 đạt xấp xỉ 11,6 triệu USD (tương đương 262,2 tỷ đồng), tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 46% so với tháng 9 vừa qua.
Trong tổng doanh thu, sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 12% và sợi chiếm 11%.
Công ty này báo lãi ròng tháng 10/2021 đạt 79.034 USD (tương đương xấp xỉ 1,8 tỷ đồng)
Doanh thu thuần và lãi ròng trong 3 tháng gần nhất của Thành Công (Đvt: USD). |
Từ đầu tháng 10, công ty này đã dần bỏ hình thức làm việc “3 tại chỗ”, doanh thu được cải thiện.
Song, chi phí sản xuất và quản lý vẫn còn cao so với cùng kỳ do các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 10 được sản xuất từ tháng 9/2021.
Tháng 9 năm nay là thời điểm Thành Công vẫn còn làm việc theo phương thức 3 tại chỗ, cộng với số công nhân quay lại làm việc trong 2 tuần đầu tháng 10 chỉ đạt khoảng 86% nên năng suất chưa hồi phục so với trước đại dịch, dẫn tới biên lợi nhuận của mảng sản phẩm may chưa đạt kỳ vọng.
Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công ghi nhận doanh thu lũy kế 10 tháng đầu năm nay đạt 125,6 triệu USD (khoảng 2,845 tỷ đồng) và lãi ròng xấp xỉ 5 triệu USD (đạt 112,2 tỷ đồng); hoàn thành lần lượt 70% và 40,2% kế hoạch cả năm.
Doanh thu thuần và lãi ròng luỹ kế 10 tháng đầu năm nay của Thành Công so với cùng kỳ năm ngoái (Đvt: USD). |
Về thị trường, có gần 29,2% tổng lượng hàng của Thành Công được xuất khẩu đến Mỹ, theo sau đó là Hàn Quốc (chiếm 28,5 %), Nhật (chiếm 15,3%) và Trung Quốc (khoảng 10%).
Công ty này đã nhận đơn hàng đến quý II/2022 và đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 với kỳ vọng đưa vào hoạt động từ đầu tháng 3/2022 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022.
Ngoài ra, Thành Công vừa hoàn tất việc đánh giá (audit) nhà máy và ký kết hợp đồng với một đối tác của Mỹ - là thương hiệu thời trang lớn, kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại đơn hàng lớn cho công ty trong thời gian tới.
Về cơ cấu cổ đông, Eland Asia Holding Pte.Ltd (Hàn Quốc) nắm 43,23% vốn Thành Công và ông Nguyễn Văn Nghĩa nắm 15,67%.
Sản phẩm may chiếm 76% doanh thu của Thành Công trong tháng 10/2021 (Nguồn: TCM). |
Căn cứ theo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng các yếu tố tác động, ban lãnh đạo Thành Công đưa ra 3 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam năm 2022.
Kịch bản lạc quan nhất là có trên 80% lao động trở lại nhà máy để sản xuất từ quý cuối năm nay đến quý đầu tiên năm 2022 thì kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 40 tỷ USD, vượt kết quả năm 2019 ở mức 39 tỷ USD.
Kịch bản trung bình là khoảng 70% lao động trở lại nhà máy từ quý cuối năm nay đến quý đầu tiên năm 2022 và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động thì kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 38 tỷ USD.
Kịch bản không được mong đợi nhất là hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn chưa ổn định hoàn toàn từ đầu năm sau và chỉ huy động được dưới 60% lao động. Dù mỗi quý sau đó, lượng lao động tăng thêm 10% thì kim ngạch xuất khẩu có thể chỉ đạt 36 tỷ USD.