Thành Công vừa cập nhật kết quả hoạt động kinh doanh tháng 9/2021 với doanh thu đạt hơn 7,9 triệu USD, trong đó sản phẩm may chiếm 75%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 10% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế trong tháng 9/2021 là âm 603.245 USD.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty này thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức3 tại chỗ cao, chi phí xét nghiệm cho công nhân 2 lần/tuần… dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm và lỗ 603.245 USD (tương đương hơn 13,7 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, Thành Công ghi nhận doanh thu đạt hơn 114 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 63,5% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận lũy kế sau thuế đạt xấp xỉ 4,9 triệu USD, hoàn thành 39,5% kế hoạch.
Công ty này xuất khẩu hàng dệt may đi nhiều nước trên thế giới. Trong đó, trong tháng 9/2021 thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 36.6 % tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm khoảng 31.8 %, Nhật và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo chiếm khoảng trên 9%.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, đã nhận đơn hàng đến cuối năm nay và quý I/2022.
Việc đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 được kỳ vọng sẽ giúp Thành Công kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022 mang lại doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.
Hiện, Eland Asia Holding Pte.Ltd sở hữu 41,1% vốn Thành Công; ông Nguyễn Văn Nghĩa nắm 15,67%.
Kết quả kinh doanh tháng 9/2021 so với cùng kỳ năm ngoái của Thành Công. |
Đại dịch Covid-19 bùng phát sau gần 2 năm đã khiến hàng loạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng đảo lộn. Đặc biệt nhất phải kể đến ngành công nghiệp "tỷ USD" của Việt Nam là dệt may và da giày.
Hiện tại, khi nhiều địa phương đã dần mở cửa để phục hồi, việc sản xuất thế nào vẫn tiếp tục là nỗi lo của các doanh nghiệp dệt may, da giày khi hàng trăm ngàn lao động vẫn chưa thể quay lại.
9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020.
Song, nếu tính từng tháng, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm 15,9% so với tháng trước đó, đến tháng 9 đạt 3 tỷ USD, tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8.
Như vậy có thể thấy, xuất khẩu của ngành đang giảm dần trong từng quý.
Quý đầu năm, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp ký được đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí là đến hết năm bởi các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc hay EU khi ấy đã nới lỏng giãn cách, nhu cầu dần tăng mạnh.
Tuy nhiên, sang quý II, dịch bùng phát tại các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi đến quý 3, dịch lại kéo dài tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã buộc hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất, hoặc có sản xuất thì cũng cầm chừng, không thực hiện đơn hàng, giao hàng chậm...
Tất cả yếu tố đó đã khiến doanh nghiệp dệt may, da giày đối mặt với việc đối tác hủy đơn hàng.
Dù cố gắng bố trí sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" hoặc phương án sản xuất "4 xanh", nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10-30% số lao động, bởi chi phí cao.