Doanh nghiệp
Dệt may thích ứng với đơn hàng nhỏ
Thế Hải - 09/02/2021 10:34
Năm 2021, ngành dệt may sẽ linh hoạt, thích ứng với các đơn hàng nhỏ, hoàn thành các yêu cầu từ nhà đặt hàng để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.
Xuất khẩu dệt may tiếp tục đối mặt với năm 2021 đầy khó khăn vì dịch bệnh, buộc doanh nghiệp phải thích ứng với các điều kiện kinh doanh mới.

Năm 2020, tình hình kinh tế khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh và phức tạp, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới ngành dệt may Việt Nam khi chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào các trạng thái đứt gãy, thiếu hụt thậm chí bị đình trệ, đóng cửa.

Thành thử, xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 35,2 tỷ USD, giảm gần 4 tỷ USD so với kết quả của năm 2019 và không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VItas) dự báo, khó khăn, thử thách sẽ còn tiếp diễn với ngành dệt may, đặc biệt là các DN xuất khẩu, khi năm 2021 được nhận định sẽ là năm chuyển giao đầy thách thức khi nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn vẫn còn ẩn chứa nhiều bấp bênh, nhà máy buộc phải điều chỉnh linh hoạt theo các đơn hàng nhỏ.

"Ngay đầu năm 2021, không chỉ cước phí tàu biển tăng phi mã, nhiều chi phí đầu vào cho sản xuất cũng tăng chóng mặt theo gây áp lực to lớn cho doanh nghiệp", ông Giang dẫn chứng.

Dù vậy, với một số thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, các nhà xuất khẩu cũng tạm thở phào khi Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã không đề cập, hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong báo cáo kết luận về điều tra Việt Nam theo điều khoản 301. Đây là một minh chứng cho sức mạnh kết nối, vai trò của liên minh Hiệp hội trong công tác vận động chính sách ở cả trong và ngoài nước đã có kết quả tích cực.

Báo cáo của Mc Kenzy hôm 4/12/2020 xác nhận, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu trong năm 2020 đã giảm 93%, hơn 10 thương hiệu và chuỗi cung ứng thời trang lớn phá sản, khoảng 200.000 lao động trong chuỗi cung ứng thời trang Mỹ mất việc làm. Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất nên thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó có nhiều tháng đứng vị trí số 1 về thị phần.

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ 2016 đến năm 2019. Năm 2016 đạt 28,12 tỷ USD, năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng kép bình quân hàng năm 9,55%. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương -9,29%.

Đại diện Vitas khẳng định, mức sụt giảm này  thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%. Dự liệu thị trường còn khó, năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu với 2 kịch bản, cao là 39 tỷ USD và kịch bản trung bình là 38 tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác