Tại ĐHCĐ thường niên 2023 CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã chứng khoán ORS) diễn ra sáng nay (19/4/2023), lãnh đạo TPS đánh gía thị trường chứng khoán đã qua giai đoạn khó khăn nhất dù còn nhiều yếu tố bất lợi.
Các nhóm vấn đề được dự báo là ảnh hưởng lớn và dẫn dắt thị trường năm 2023 nổi bật là chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, chính sách tài khóa mở rộng với gói kích thích đầu tư công, đó sẽ là khung sườn hỗ trợ cho kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế 2023-2025.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trên đà tăng mạnh, cùng với việc 6,8 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới trong 2 năm qua cũng là nền tảng, hỗ trợ để thị trường phát triển giai đoạn tiếp theo.
Liên quan đến thị trường trái phiếu, trải qua giai đoạn trầm lắng trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất độn sản, cũng như thị trường trái phiếu nói chung, điều tiết được áp lực trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong vòng 2 năm tới. Các ngân hàng cũng đang giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Với nhìn nhận khả quan như trên, TPS đặt kế hoạch năm 2023 với doanh thu 2.831 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 184 tỷ đồng, tăng trưởng 35,62% so với mức đã thực hiện năm 2022.
Theo định hướng, TPS sẽ tập trung đa dạng hóa doanh thu với mảng hoạt động chính yếu là dịch vụ ngân hàng đầu tư, môi giới chứng khoán và tự doanh. Đồng thời, TPS mở rộng hoạt động kinh doanh, cung cấp thêm cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới để qua đó tăng nguồn thu.
Trong đó, TPS sẽ tiếp tục mở rộng thị phần môi giới cổ phiếu, duy trì vị thế dẫn đầu thị phần tư vấn phát hành trái phiếu khi thị trường hồi phục, tận dụng thế mạnh cạnh tranh từ chuyển đổi số và hệ sinh thái TPBank.
Do tình hình tài chính và thị trường chứng khoán không thuận lợi trong năm 2022, TPS đã tạm hoãn kế hoạch tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Kế hoạch này được HĐQT TPS trình cổ đông tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Phương thức thực hiện có thể bằng một trong 2 cách. Thứ nhất, phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với một trong 2 tỷ lệ thực hiện quyền, gồm 100 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) hoặc 200 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1). Giá phát hành dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thứ hai, chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến tối đa 200 triệu cổ phiếu, giá không thấp hơn mệnh giá. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt cháo bán. Đối tượng chào bán cần đáp ứng tiêu chí là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nội dung quan trọng khác là TPS trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023. Trái phiếu phát hành sẽ là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có hoặc không có bảo đảm.
ĐHCĐ TPS cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cụ thể, thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Trần Sơn Hải và miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm Soát đối với bà Trần Thanh Hương vì lý do cá nhân.
Đại hội cũng bầu bổ sung nhân sự. Kết quả bầu cử, bà Bùi Thị Thanh Trà được bầu vào vị trí thành viên HĐQT. Bà Trà hiện là Tổng giám đốc đương nhiệm của TPS.
Và bà Đinh Thị Ngọc Mai, sinh năm 1981, được bầu vào vị trí thành viên Ban kiểm soát. Bà Mai có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng…
Toàn bộ tờ trình được ĐHCĐ thông qua.