Về mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024, báo cáo của HĐQT và Ban Điều hành không đưa ra con số cụ thể mà cho biết sẽ thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Năm nay, BIDV được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 14,04%, mục tiêu nợ xấu kiểm soát dưới 1,4%.
Hết quý I/2024, BIDV đạt tổng tài sản trên 2,28 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng hơn 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; huy động vốn đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Một trong các tờ trình đáng chú ý nhất tại ĐHĐCĐ BIDV sáng nay là phương án tăng vốn. Năm nay, BIDV đề xuất phát hành tổng cộng hơn 1,36 tỷ cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng thông qua hai phương án.
Thứ nhất, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với số lượng gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 21%. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024-2025.
Thứ hai, chào bán gần 164,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng tỷ lệ 2.89% cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính hoặc cổ đông hiện hữu của Ngân hàng. Số lượng nhà đầu tư được chào bán là dưới 100, đồng thời đảm bảo giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.
Giá chào bán sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường, được cơ quan nhà nước phê duyệt. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế giao dịch trong 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2024-2025.
Với phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ của BIDV là hơn 15.491 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chi 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu (thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại của BIDV hơn 3.144 tỷ đồng.
Lý giải với cổ đông về kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% bất thành trước đó, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cho hay, từ nay đến cuối năm, ngân hàng tiếp tục tích cực làm việc với nhà đầu tư tiềm năng, đạt được kết quả sẽ báo cáo với cơ quan nhà nước trước khi xin ý kiến cổ đông. Trước mắt, ngân hàng chỉ trình cổ đông thông qua phát hành riêng lẻ 2,89%.
“Thời gian phát hành tùy theo điều kiện thị trường, nếu thị trường đánh giá năng lực, triển vọng của BIDV tốt có thể nhà đầu tư triển khai ngay phần 2.89%, còn nếu tốt đẹp hơn nữa từ nay cuối năm sẽ phát hành tiếp phần còn lại. Chúng tôi kỳ vọng thị trường hiện nay với tăng trưởng tín dụng, bất động sản ấm lên sẽ giúp kết quả kinh doanh BIDV khởi sắc hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát hành riêng lẻ”, ông Phương cho biết.
Về chiến lược phát triển, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết, nếu cách đây 10 năm, BIDV thiên về bán buôn, thì thời gian gần đây đã cơ cấu lại khách hàng, hiện tỷ lệ dư nợ khách hàng lớn chiếm 33%, khách hàng vừa và nhỏ là 23%, khách hàng cá nhân 43%. Cấu trúc này phù hợp với các ngân hàng thương mại và phù hợp với cấu trúc nền kinh tế.
Đến nay, BIDV đã xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030, với 7 chiến lược cấu phần phát triển từ bán buôn, bán lẻ, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, thương hiệu và kế hoạch kiểm soát hoạt động.
Tất cả chiến lược này tổng thể nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của BIDV cho đến giai đoạn 2025, tầm nhìn 2030. Hiện nay, Ngân hàng đang thực hiện đúng lộ trình, mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu các ngân hàng xây dựng phương án tái cơ cấu. Chúng tôi đã được Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến và ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1/2024 cũng đã thông qua. Do đó, BIDV đang thực hiện những biện pháp giải pháp để đạt mục tiêu. Chiến lược cạnh tranh của BIDV dựa trên những nghiên cứu thực tiễn và hoạt động kinh doanh của BIDV.