“Cầm cự” qua đại dịch, bỏ ngỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận
Hơn 25,2 triệu USD là giá trị hàng hóa mà Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) xuất khẩu trong năm 2020. Con số này chỉ bằng1/4 kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD doanh nghiệp này đạt được trong năm trước đó. Cơn bão Covid-19 bất ngờ xảy đến, trở thành “thiên nga đen” càn quét hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề cũng như nhiều doanh nghiệp, trong đó có Hapro.
Báo cáo tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 diễn ra vào sáng nay (7/5), Tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn cho biết Hapro vẫn cầm cự được và có lãi sau khi trừ đi các khoản chi phí.
“Lãnh đạo và nhân viên trong công ty tự động viên cố gắng và vẫn may mắn nếu so với các doanh nghiệp khác hay các lĩnh vực ngành nghề khác như hàng không, du lịch hay các công ty chuyên kinh doanh nhà hàng ăn uống. Mục tiêu của tổng công ty là cố gắng giữ được thị trường và thương hiệu để đón giai đoạn phục hồi sau này”, ông Sơn cho hay.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Hapro được tổ chức an toàn với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ khi tình hình dịch Covid-19 đang ghi nhận những diễn biến phức tạp |
Ba mảng kinh doanh chính của Hapro là xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến; kinh doanh siêu thị và cho thuê khai thác mạng lưới các địa điểm. “Hoạt động kinh doanh của Hapro được cứu lại được ở mảng kinh doanh siêu thị”, Tổng giám đốc Hapro cũng nêu. Công ty định hướng kinh doanh mảng siêu thị để phát huy tốt hạ tầng thương mại, chia sẻ gánh nặng mảng xuất khẩu. Riêng trong năm 2020, Hapro mở mới 43 cửa hàng Haprofood/BRG Mart.
Tuy nhiên, vì dịch Covid-19, mảng xuất khẩu vốn là mảng chủ lực chính lại chịu tác động tiêu cực, dịch vụ kinh doanh ăn uống cũng giảm nghiêm trọng. Để đạt mục tiêu phát triển thị trường, thời gian tới, Hapro dự kiến sẽ cử một đoàn công tác sang châu Phi để thu mua hạt điều thô để chế biến. Xác định điều kiện hiện khó khăn và nguy hiểm, công ty đã có phương án chủ động tiêm vắc-xin cho đoàn công tác này.
Trong năm 2020, doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng của Hapro đạt 900 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng thu hẹp do không còn ghi nhận phần thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần như năm 2019 dù nguồn thu lãi tiền gửi, cho vay tăng. Lợi nhuận trước thuế do vậy chỉ đạt 12,2 tỷ đồng, tương đương 8,99% so với năm trước và vượt 22% kế hoạch. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh năm 2020 đã được điều chỉnh so với phương án ban đầu đề ra.
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 đề ra tại cuộc họp lần này đều đặt ra mức tăng trưởng cao. Trong đó, doanh thu kế hoạch là gần 1.110 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu mục tiêu là 33,2 triệu USD. Còn kế hoạch lợi nhuận là 38,45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cũng thừa nhận chỉ tiêu đặt ra tương đối lạc quan. Nguyên nhân là bởi công ty đặt mục tiêu cao để cả đội ngũ phải cố gắng. Tuy nhiên, tương tự như tại đại hội năm trước, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể khiến ban điều hành chưa định lượng được hết yếu tố ảnh hưởng, HĐQT đề nghị được ủy quyền để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch nếu cần thiết.
Theo báo cáo tài chính quý I/2021 công bố hồi cuối tháng 4/2021, Hapro chỉ thu về 500 triệu đồng lợi nhuận trước thuế. Trả lời câu hỏi của cổ đông về sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của quý đầu năm, nguyên nhân chính được lãnh đạo công ty chỉ ra vẫn là ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
“Cả mảng xuất khẩu và kinh doanh thương mại nội địa đều gặp khó khăn. Trước dịp Tết nguyên đán, tình hình dịch trong nước cũng rất căng thẳng nhưng rất may xử lý được. Doanh thu không đạt được mong muốn vẫn từ nguyên nhân chính từ dịch Covid-19 mặc dù tổng công ty đã có cố gắng”, ông Sơn cho hay. Để đạt mục tiêu đề ra, nhiệm vụ cho ba quý cuối năm còn rất nặng nề nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch tại Việt Nam đang trở nên phức tạp trong những ngày đầu tháng 5 này.
Bổ sung mảng xây dựng nhà, chuẩn bị cho hoạt động đầu tư dự án
Tại kỳ đại hội này, bên cạnh các báo cáo về hoạt động kinh doanh năm 2020 và kế hoạch cho năm nay cùng loạt sửa đổi liên quan đến điều lệ, quy chế quản trị… Hapro còn trình cổ đông nội dung bổ sung ngành nghề kinh doanh. Cụ thể là ba ngành kinh doanh: kiến trúc và tư vấn kỹ thuật (khảo sát xây dựng, lập quy hoạch xây dựng, thiết kế, quản lý dự án đầu tư, thi công xây dựng công trình…), xây dựng nhà để ở và xây dựng nhà không để ở.
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Hapro trước đây không có ngành nghề này bởi quan điểm của tổng công ty là tập trung hoạt động thương mại, xuất khẩu. Sau cổ phần hóa, đối với hệ thống hạ tầng thương mại, công ty có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư ở ngay tại công ty mẹ và các công ty thành viên. Do đó, việc bổ sung ngành nghề mới trên nhằm chuẩn bị thời gian tới Hapro trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án của tổng công ty và có thể tư vấn giúp cho các công ty thành viên để trực tiếp quản lý dự án nhằm đảm bảo hiệu quả dự án.
Thời gian qua, khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng là khoảng lặng để Hapro rà soát các dự án để chuẩn bị đầu tư. Ba mục tiêu đầu tư được tổng công ty đề ra là xây dựng chuỗi bán lẻ nhằm phát huy thế mạnh của Hapro; xây dựng chuỗi cửa hàng chuyên doanh khác như nhà hàng, kem có thể tận dụng được lợi thế từ công ty thành viên CTCP Thủy Tạ. Mục tiêu thứ ba là chuẩn bị cho hoạt động đầu tư dự án hạ tầng thương mại. Các dự án này gồm trung tâm thương mại, siêu thị kết hợp văn phòng cho thuê. Ngoài ra, nếu địa điểm phù hợp, Hapro cố gắng báo cáo thành phố để xin được công năng nhà để ở.
“Thời điểm hiện tại, ban lãnh đạo công ty chưa báo cáo cổ đông vì chờ văn bản chấp thuận của thành phố về việc có thể kết hợp công năng hỗn hợp gồm nhà ở hay không. Nếu có công văn chấp thuận, tổng công ty sẽ báo cáo với cổ đông”, Tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn khẳng định.
Về một số dự án của Hapro và công ty thành viên đã thực hiện trong năm 2020, ông Sơn cho biết Trung tâm thương mại Trương Định đã xây sắp xong, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2021. Dự án Cao Thắng cạnh chợ Đồng Xuân đã hoàn thành nhưng khai thác gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dự án của công ty trung tâm thương mại tại Bắc Qua kỳ vọng có thể khởi động trở lại vào cuối năm 2021.