Sức khỏe doanh nghiệp
ĐHĐCĐ Lộc Trời: Nỗ lực để tích luỹ cho hai quỹ “tích cốc phòng cơ”
Duy Bắc - 14/04/2023 21:50
Chiều ngày 14/4, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG – sàn UPCoM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp, duy trì và phát huy vị thế của Tập đoàn trong ngành vật tư, dịch vụ nông nghiệp, chế biến, phân phối và xuất khẩu lúa gạo, Ban lãnh đạo Lộc Trời sẽ tiếp đầu tư phát triển, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất nông sản quy mô lớn, đồng bộ và liên tục thông qua các hợp tác xã, ứng dụng tri thức nông nghiệp vào quản lý mùa vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp theo các giải pháp cân bằng hoá học, sinh học và hữu cơ tiến đến giảm hoá chất trong nông nghiệp, triển khai cơ giới hoá đồng bộ và drone trong tất cả các khâu canh tác nhằm tăng hiệu quả và tiết giảm chi phí, hướng đến sản xuất với giá thành ổn định và đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài cho nông dân tham gia liên kết, tạo ra các sản phẩm lúa, gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng những tiêu chí ngày càng chặt chẽ của thị trường thế giới".

Năm 2023 lợi nhuận tối thiểu 400 tỷ đồng

Trong năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,8% so với thực hiện trong năm 2022.  Trong đó, Tập đoàn nỗ lực đạt lợi nhuận vượt kế hoạch để tích lũy vào quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên theo định hướng phát triển bền vững.

Tập đoàn chia sẻ, năm 2023, Lộc Trời và các đơn vị thành viên tiếp tục thúc đẩy các dự án, chương trình và sáng kiến hướng đến phát triển bền vững, nhằm góp phần thiết thực cùng ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa carbon thấp, góp phần giữ cho môi trường nông thôn xanh sạch, đáng sống; tối ưu lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư trong dài hạn; chia sẻ lợi ích với đối tác trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời và bà con nông dân; đảm bảo cuộc sống ổn định cho người lao động. Ban lãnh đạo tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng; chia cổ tức năm 2022 ở mức 25% (năm 2023 là 30%); và nỗ lực đạt được kết quả cao hơn để tích luỹ cho hai quỹ “tích cốc phòng cơ” cho nông dân và cho nhân viên.

Để khuyến khích trong sản xuất, Tập đoàn dự kiến thông qua kế hoạch thưởng dựa trên thành tích kinh doanh. Trong đó, nếu tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 từ 0% đến dưới 10%, tiền thưởng của HĐQT, lãnh đạo chủ chốt sẽ là 10% của mức chênh lệch lợi nhuận sau thuế; nếu tăng trưởng lợi nhuận từ 10% đến 20% so với cùng kỳ, mức thưởng này sẽ tăng lên 15% chênh lệch lợi nhuận sau thuế; và nếu tăng trưởng lợi nhuận từ 20% trở lên, mức thưởng cao nhất là 20% chênh lệch lợi nhuận sau thuế.

Và trong giai đoạn 2023-2025, tất cả các hoạt động trong hệ sinh thái Lộc Trời sẽ tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất nông sản quy mô lớn, đồng bộ và liên tục thông qua các hợp tác xã có diện tích ít nhất 1.000 ha, ứng dụng tri thức nông nghiệp vào quản lý mùa vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp theo các giải pháp cân bằng hóa học, sinh học và hữu cơ tiến đến giảm hóa trong nông nghiệp, triển khai cơ giới đồng bộ và drone trong tất cả các khâu canh tác nhằm tăng hiệu quả và tiết giảm chi phí, hướng đến sản xuất với giá thành ổn định và đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài cho nông dân tham gia liên kết, tạo ra các sản phẩm lúa, gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng những tiêu chí ngày càng chặt chẽ của thị trường thế giới.

Định hướng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2024, đạt 1 triệu ha đất canh tác theo mô hình sản xuất Lộc Trời 123 – sản xuất quy mô lớn và cơ giới hoá đồng bộ, giảm 1 triệu lít hoá chất rải xuống đồng ruộng.

Về chính sách cổ tức, năm 2022, Lộc Trời thông qua kế hoạch cổ tức 25% bằng cổ phiếu và bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến nâng lên 30%.

Tập đoàn dự kiến phát hành thêm hơn 20,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2022 cho cổ đông. Nguồn vốn để trả cổ tức bằng cổ phiếu lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên BCTC kiểm toán của Công ty.

Vốn điều lệ của Tập đoàn dự kiến sau khi hoàn thành sẽ tăng lên hơn 1.007 tỷ đồng. Thời điểm phát hành tùy theo chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, Tập đoàn sẽ trích lập 20 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới. Trong đó, đối tượng sử dụng là các phòng, ban, đơn vị, bộ phận, viện nghiên cứu, công ty con, chi nhánh thuộc Lộc Trời và thời gian giải ngân từ ngày 1/1/2023.

Phát triển quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên và nông dân

Tập đoàn chia sẻ hai quỹ “tích cốc phòng cơ” cho nông dân và cho nhân viên.

Cụ thể, Lộc Trời tiếp tục ban hành Quy chế quản lý và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên. Trong đó, mục đích hỗ trợ tiền lương cho nhân viên trong trường hợp xảy ra thiên tai, hoản hoạn, dịch bệnh nguy hiểm … dẫn đến nhân viên không nhận được bất cứ khoản tiền lương nào từ Lộc Trời. Ngoài ra, quỹ còn sử dụng để bảo lãnh cho Lộc Trời trong trường hợp Công ty mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Đồng thời, Lộc Trời cũng ban hành quy chế quản lý và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân. Trong đó, quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ nông dân trong trường hợp xảy ra thiên tai trên diện rộng với diện tích bị ảnh hưởng tối thiểu 500ha, liền kề trong phạm vi bán kính 2km, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân. Ngoài ra, quỹ còn sử dụng để bảo lãnh cho Lộc Trời trong trường hợp Công ty mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Tin liên quan
Tin khác