Sức khỏe doanh nghiệp
ĐHĐCĐ Masan: Lợi nhuận dự kiến 4.000-5.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu quốc tế
Duy Bắc - 24/04/2023 12:57
Sáng ngày 24/4, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án chia cổ tức, kế hoạch huy động vốn.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group chia sẻ: “Năm 2022, Masan đã thay đổi tư duy cả về những điều chúng tôi đang làm và cách định vị chính mình. Đó là trở thành một công ty dịch vụ, trải nghiệm và thấu hiểu người tiêu dùng".

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2023 với tỷ đề "Kết nối vạn nhu cầu"

Ông Danny Lê, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, chia sẻ thêm: “Chúng tôi sẽ phát triển nền tảng đa kênh, cung cấp thông tin, sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm, từ đó, đáp ứng vạn nhu cầu của khách hàng”.

Ông Danny Lê, Tổng gám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ tại ĐHDCĐ năm 2023 với chủ đề “Kết nối vạn nhu cầu”

Ông chỉ ra mô hình tăng trưởng của Masan gắn liền với việc hợp nhất mạng lưới và người tiêu dùng offline, số hóa và “trực tuyến hóa” người tiêu dùng tại các điểm chạm offline. Từ đó giúp mở rộng danh mục sản phẩm & dịch vụ để phục vụ người tiêu dùng. Nói cách khác, động cơ tăng trưởng chiến lược của công ty dựa trên ba trụ cột chính: Tăng trưởng mạng lưới, Tăng trưởng hội viên và Tăng trưởng thị phần chi tiêu. Ba trụ cột này được củng cố bởi dịch vụ hậu cần xuyên suốt trên toàn quốc (Supra) để giao hàng hóa cho người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi một cách kịp thời, tiết kiệm chi phí nhất. Trí tuệ nhân tạo (“AI”) và Công nghệ là nền tảng giúp vận hành mạng lưới thương mại thông minh hơn, và tự động hơn với quy mô ngày càng lớn.

Về triển vọng giai đoạn 2023-2025, Tập đoàn tiếp tục tập trung vào ba động lực tăng trưởng cốt lõi như tăng trưởng mạng lưới với việc chiếm lĩnh thị phần bán lẻ hiện đại MT & Hợp tác với bán lẻ truyền thống GT để phục vụ 30 - 50 triệu hội viên WIN; tăng trưởng hội viên bằng việc tăng quy mô hội viên WIN ở cả offline và online lên 30-50 triệu. Tận dụng mạng lưới online to offline, Masan đặt mục tiêu có 10 triệu thành viên vào năm 2023 và 30 triệu thành viên vào năm 2025; và cuối cùng, tăng trưởng thị phần chi tiêu bằng việc mở rộng và đào sâu thêm các mong muốn ngoài nhu cầu cơ bản. Masan đặt mục tiêu cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho 5 triệu người tiêu dùng chưa được phục vụ đầy đủ trong vài năm tới.


Các động lực tăng trưởng trên sẽ được hỗ trợ bởi khả năng vận hành bởi bộ phận logistics nội bộ - The Supra và Công nghệ AI & ML. Năm 2023, Masan sẽ ra mắt Winnie, AI – Smart PoS tự động hóa quản lý tồn kho tăng cường bởi AI.

Lợi nhuận dự kiến 4.000 đến 5.000 tỷ đồng

Về kế hoạch năm 2023, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 18% và 31% so với mức 76.189 tỷ đồng vào năm 2022. The CrownX (TCX) vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính với tỷ trọng đóng góp hơn 70% vào doanh thu thuần năm 2023. Lợi nhuận sau thuế cốt lõi Pre-MI (không bao gồm chi phí một lần) dự kiến nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng vào năm 2022. Kịch bản tiêu cực, trong đó các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt tiêu dùng vẫn tồn tại, ban điều hành dự kiến lợi nhuận các mảng hàng đầu sẽ tăng từ 10% đến 15%.

Wincommere (WCM) kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận gộp và tăng cường đòn bẩy hoạt động để cải thiện lợi nhuận, còn MCH sẽ dần khôi phục lại mức biên lợi nhuận gộp khi giá hàng hóa giảm và lạm phát giảm dần.

Trong năm 2023, WCM cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp đầu tư vào sản phẩm dịch vụ dành cho người tiêu dùng, đảm bảo cung cấp sản phẩm mang tính cạnh tranh về giá và tăng cường chương trình hội viên WIN để tăng mức độ trung thành của người tiêu dùng, từ đó giúp doanh thu cửa hàng LFL dự kiến tăng trưởng từ 5-10%. Ban điều hành đặt mục tiêu mở rộng thêm khoảng 800-1,200 số lượng địa điểm minimart vào năm 2023.


Đối với Masan Consumer Holdings (MCH), trong năm 2023, MCH sẽ phục hồi doanh thu của các sản phẩm mới và tập trung giành thị phần ở những khu vực đạt hiệu quả thấp hơn trung bình của hệ thống. Thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc cá nhân & gia đình dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính của MCH, chiếm ~2/3 tổng tăng trưởng doanh thu vào năm 2023. Phát triển mô hình hoạt động chuyên biệt hơn theo ngành hàng và kênh bán hàng.

Phúc Long Heritage (PLH) đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể, đứng thứ 2 về doanh thu và đứng thứ nhất về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa. PLH dự kiến sẽ trở thành thương hiệu đứng thứ 2 về số lượng cửa hàng vào quý 2 năm 2023. Trong năm 2023, PLH đặt mục tiêu mở 75-90 cửa hàng đại diện thương hiệu mới. Trong nửa cuối năm 2023, PLH sẽ tăng cường đổi mới thực đơn để mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn những sản phẩm mới, thú vị.


Masan MEATLife (MML), năm 2023, Ban điều hành đặt mục tiêu tăng cường phân phối qua mạng lưới của WCM và duy trì chênh lệch giá ở mức thấp đối với chợ bán đồ tươi sống cho hội viên WIN. MML hướng đến mục tiêu mở rộng danh mục sản phẩm bằng cách đầu tư vào hoạt động R&D cho cả sản phẩm tươi sống và đã qua chế biến. Lợi nhuận dự kiến sẽ tăng cao nhờ tỷ lệ tiêu thụ cao hơn, tăng trưởng doanh số bán thịt chế biến và kiểm soát chi phí.

Trong năm tài chính 2023, Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 16.500 - 18.200 tỷ đồng, tăng 6-17% do các yếu tố cơ bản về thị trường vonfram tiếp tục được cải thiện và động lực của thị trường hàng hóa nói chung.

Phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế

Masan thông qua kế hoạch phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Số trái phiếu này là trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền. Thời hạn trái phiếu là 5 năm kể từ ngày phát hành.

Mệnh giá trái phiếu dự kiến 100.000 USD/trái phiếu và là bội số của 1.000 USD hoặc mệnh giá khác được HĐQT xác định phù hợp với thông lệ thị trường. Giá phát hành bằng 100% mệnh giá.

Số trái phiếu này được phát hành cho các nhà đầu tư tại thị trường quốc tế theo Quy tắc S hoặc Quy tắc 144A (sửa đổi), Đạo luật Chứng khoán Hoa Kỳ hoặc theo phương thức khác do HĐQT quyết định phù hợp với quy định của pháp luật được áp dụng.

Thời hạn chuyển đổi cũng giao cho HĐQT quyết định thời hạn chuyển đổi với điều kiện là việc chuyển đổi trái phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật. Giá chuyển đổi không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo BCTC hợp nhất gần nhất của Công ty đã được kiểm toán hoặc soát xét.

Thời hạn phát hành được dự kiến trong năm 2023 hoặc 2024 sau khi có các xác nhận và chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trái phiếu sẽ được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX-ST).

Masan dự kiến sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành để thực hiện các chương trình đầu tư và dự án đầu tư và kinh doanh, trong đó bao gồm việc góp hoặc mua cổ phần tại các công ty con; bổ sung vốn hoạt động cho các hoạt động chung của Công ty (bao gồm cả vốn hoạt động cho mục đích thanh toán các khoản phí và chi phí liên quan đến việc phát hành trái phiếu); cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài.

Dự kiến phát hành cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi

Masan thông qua việc chào bán riêng lẻ với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm gần nhất của Masan. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, một cổ phần Masan có giá trị sổ sách 25.733 đồng.

Số lượng chào bán dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán. Cổ phiếu có thể được chào bán một lần hoặc nhiều lần, thời điểm chào bán dự kiến trong năm 2023 hoặc cho đến trước Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.


Cổ phần được chào bán cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Bên cạnh đó, Masan cũng đưa ra thêm phương án chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức. Số lượng chào bán dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán.

Mức cổ tức cố định của một cổ phần ưu đãi là 0% trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi tối đa là 10%/năm. Đại hội sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán.

Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức tương đương với mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.

Mỗi cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành trên cơ sở yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.

Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi tại bất kỳ thời điểm nào sau khi tròn một năm kể từ ngày phát hành. Giá mua lại một cổ phần ưu đãi không thấp hơn giá phát hành và không cao hơn 300.000 đồng/cp.

Giá mua lại sẽ được điều chỉnh cho các khoản chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và các khoản phân phối bằng cổ phiếu mà công ty đã trả, cũng như các sự kiện gộp hay chia tách cổ phiếu, chi trả cổ tức bằng tiền và các sự kiện tương tự.

Cổ tức 2022 tỷ lệ 8%

Công ty thông qua mức chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ chi trả 8% (800 đồng/cp) đã được tạm ứng cho cổ đông. Tổng số tiền chi trả là gần 1.139 tỷ đồng đã thanh toán vào ngày 13/07/2022.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Tin liên quan
Tin khác