Ngân hàng
ĐHĐCĐ MSB: Đợi bán FCCOM mới chia cổ tức, sáp nhập ngân hàng phải chờ NHNN phê duyệt
T.L - 21/04/2023 16:03
Chiều nay (21/4), MSB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. HĐQT đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2023 khiêm tốn, không chia cổ tức năm 2022 và trình kế hoạch sáp nhập một ngân hàng TMCP khác.

Lợi nhuận chỉ tăng 9%, không chia cổ tức

Năm nay, kế hoạch kinh doanh được MSB đề ra rất thận trọng: Tổng tài sản 230.000 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng tăng 9%; dư nợ tín dụng dự kiến 141.700 tỷ đồng, tăng 15% ( tùy theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ), huy động vốn tăng 10%,  nợ xấu duy trì dưới 3% theo quy định.

Đặc biệt, năm nay, MSB dự định không chia cổ tức (kể cả tiền mặt và cổ phiếu) cho lợi nhuận năm 2022. HĐQT đề xuất cổ đông giữ nguyên vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại, khi tình hình tích cực hơn sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp với lợi nhuận tạo ra năm 2023. Kết thúc năm 2023, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận còn lại của ngân hàng là 3.923 tỷ đồng.

Trước đó, MSB đã có 2 năm liên tiếp chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 30%. Hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của MSB theo thông tư 41 đạt 12,33%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL mảng ngân hàng) theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%.

Trong năm 2022, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.787 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2021 song chỉ đạt đạt 85% kế hoạch năm, do kế hoạch bán FCCOM bị ảnh hưởng trực tiếp từ bối cảnh thị trường biến động.

Chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2023, lãnh đạo MSB cho biết, năm nay, mục tiêu ưu tiên của ngân hàng là phát triển bền vững, tập trung công tác quản trị vững mạnh, tiếp tục gia tăng hàm lượng số hóa trong sản phẩm – dịch vụ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc không chia cổ tức năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho hay, không phải ngân hàng không chia cổ tức. Tuy nhiên, ngân hàng vừa tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh cũng kỳ vọng có thể thể bán FCCOM với mức lợi nhuận cao, lúc đó sẽ chia cổ tức cho cổ đông với mức tốt hơn. 

"Chúng ra sẽ thực hiện chia cổ tức nhưng ở thời điểm hiện tại chúng ta đang cân nhắc tỷ lệ cho nó thực sự hấp dẫn. Tôi vẫn khẳng định lợi nhuận để lại là thuộc quyền lợi và tài sản của cổ đông, không có lựa chọn nào khác", CEO MSB khẳng định.

Lùi kế hoạch thoái vốn FCCOM, cổ đông không đồng ý kế hoạch M&A một ngân hàng

Cũng tại tại ĐHĐCĐ chiều nay, HĐQT MSB cho biết thông tin cụ thể về lý do thoái vốn chưa thành công khỏi FCOM cũng như kế hoạch sáp nhập với một ngân hàng.

Cụ thể, năm vừa qua, Hội đồng điều hành MSB đã làm việc với nhiều đối tác là các định chế tài chính nước ngoài có kinh nghiệm trng lĩnh vực tài chính, ngân hàng về việc bán vốn cổ phần của MSB tại FCCOM. Các phương án đàm phán được lựa chọn bao gồm bán một phần hoặc 100% vốn tại FCCOM để MSB tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực cốt lõi.

Kế hoạch này bước đầu diễn ra khá thuận lợi với nhiều định chế tai chính quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam biến động theo chiều hướng tiêu cực ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư ra nước ngoài trên thế giới. Thêm vào đó, NHNN tăng lãi suất huy động kéo theo dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán khiến giá cổ phiếu toàn thị trường sụt giảm mạnh. Các yếu tố bất lợi này đã làm ảnh hưởng đến giá chào mua ban đầu của các đối tác, khiến cho việc đàm phán thoái vốn chưa thể hoàn thiện trong năm 2022.

Để đảm bảo bảo lợi ích cho cổ đông, Ban lãnh đạo MSB nghiên cứu lại các phương án mới, không loại trừ sẽ tìm ra định hướng chiến lược mới cho FCCOM. Dự kiến, kế hoạch thoái vốn này sẽ được nghiên cứu kỹ hơn và có khả năng khởi động lại, triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn trong năm 2023-2024 và sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua theo quy định.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ hôm nay, HĐQT ngân hàng đã trình cổ đông phương án sáp nhập thêm một ngân hàng. Trước đó, ngân hàng này đã có kinh nghiệm trong việc sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.  

Tổ chức tín dụng sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt. Tới thời điểm hiện tại, danh tính của đơn vị sẽ sáp nhập vẫn chưa được công bố.  

HĐQT sẽ được quyết định các nội dung liên quan đến việc nhận sáp nhập, gồm nhưng không giới hạn ở nội dung phương án sáp nhập, các điều kiện thực tế triển khai, thời hạn cụ thể nhận sáp nhập, phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu trái phiếu, chuyển đổi tài sản.

Nếu M&A thành công, 2 bên có thể khai thác được những lợi thế của nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới. 

Liên quan tới vấn đề sáp nhập ngân hàng khác, Chủ tịch HĐQT MSB Trần Anh Tuấn cho hay, vấn đề sáp nhập ngân hàng HĐQT không quyết mà đưa ra xin ý kiến cổ đông và việc này cuối cùng cũng phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của NHNN. 

Tuy vậy, tờ trình sáp nhập một ngân hàng của MSB không được ĐHĐCĐ thông qua khi chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập.

Tin liên quan
Tin khác