Giảm cho vay bất động sản, tăng gấp đôi cho vay xây dựng
Theo tờ trình, năm 2021, MSB đặt mục tiêu tăng 8% tổng tài sản lên 190 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên hơn 106.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 15% đạt hơn 114.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30%. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 (trả vào năm 2022) thấp nhất là 15%.
Kế hoạch tăng trưởng này, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB là khả thi vì lợi nhuận quý I/2021 của MSB rất tốt. Dự kiến đến cuối quý I, tiền gửi của MSB đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tăng trên 9%. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của MSB đạt khoảng 1.200 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 290 tỷ đồng). ROE và ROA đạt lần lượt 1,5% và 10,3%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 9,9% và nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Vừa qua, ngân hàng đã hoàn tất ký thoả thuận hợp tác độc quyền với bảo hiểm Prudential và dự kiến bắt đầu triển khai từ 1/4/2021.
Năm 2020, MSB cũng tăng trưởng dư nợ tín dụng gần 25%, huy động vốn tăng 10,4%, tổng tài sản đạt gần 176.700 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 96% so với năm 2019 và bằng 175% kế hoạch năm.
Lợi nhuận của MSB năm 2020 vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Riêng thu nhập lãi thuần của ngân hàng năm 2020 tăng tới 57,5%. Đáng chú ý, dư nợ cho vay bất động sản và cơ sở hạ tầng trong tổng danh mục cho vay của MSB giảm mạnh tỷ trọng từ 23,65% năm 2019 xuống còn 11,36% so với năm 2020.
Mặc dù cho vay bất động sản giảm, song theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, dư nợ cho vay mảng xây dựng của MSB năm 2020 lại tăng gần gấp đôi, hiện chiếm tỷ trọng gần 10% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay, năm 2021, MSB sẽ tập trung vào mảng năng lượng sạch và, các ngành nghề ít ảnh hưởng bởi dịch Covid, hạn chế tăng trưởng tín dụng bất động sản theo chỉ đạo của NHNN. Cuối tháng 3/2021, tỷ trọng cho vay bất động sản của MSB gần như ko thay đổi so với cuối năm 2020.
Chia cổ tức 30% để tăng vốn
Tại ĐHĐCĐ sáng nay, MSB trình cổ đông phượng án tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho các cổ đông. Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành 352,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương với tỷ lệ tối đa là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành. Thời gian thực hiện là sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động và không quá 6 tháng kể từ ngày ĐHĐCĐ năm 2021 kết thúc. Lãnh đạo ngân hàng cho hay đang hoàn tất tiến hành các thủ tục cần thiết.
Với số vốn điều lệ tăng thêm là 3.525 tỷ đồng, MSB dự kiến sử dụng vào việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống các điểm giao dịch; nâng cao năng lực tài chính để thích ứng với biến động của thị trường.
Phủ nhận phương án sáp nhập PGBank
Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm là việc sáp nhập PG Bank vào MSB. Tin đồn sáp nhập giữa hai ngân hàng rộ lên từ năm ngoái sau khi một số cổ đông lớn của MSB vùng tiền gom cổ PG Bank, đồng thời, hai nhân sự kỳ cựu cấp cao của MSB sang nắm giữ vị trí Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc PG Bank.
Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh phủ nhận phương án sáp nhập giữa hai ngân hàng. Theo ông Linh, một số lãnh đạo MSB sang làm việc tại PG Bank là do kết thúc hợp đồng lao động tại MSB, không liên quan đến sáp nhập.