Trong năm 2023, PV Trans Pacific đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng, bằng 84,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 160 tỷ đồng, bằng 74% so với thực hiện trong năm 2022.
Được biết, trong năm 2022, PV Trans Pacific thực hiện tổng doanh thu 1.723,6 tỷ đồng, hoàn thành 119% kế hoạch doanh thu (kế hoạch 1.450 tỷ đồng doanh thu); và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 216,1 tỷ đồng, hoàn thành 126% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 172 tỷ đồng).
Trước đó, trong năm 2021, PV Trans Pacific cũng ghi nhận doanh thu 1.266 tỷ đồng và lợi nhuận 193 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 115,1% và 114,9% kế hoạch năm.
Có thể thấy, theo dữ liệu lịch sử, PV Trans Pacific luôn đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng và kết thúc năm tài chính sẽ vượt kế hoạch kinh doanh đầu năm.
PV Trans Pacific nhận định, thị trường vận tải dầu thô quốc tế và tàu tanker năm 2023 sẽ phục hồi về giá cước tàu dầu/tàu gas tuy nhiên vẫn tiếp tục khó khăn do mức độ phục hồi và thời gian phục hồi của thị trường được đánh giá phụ thuộc nhiều vào các yếu tố/diễn biến địa chính trị và còn nhiều biến động khó lường khác.
Trong đó, Công ty sẽ tiếp tục đảm bảo duy trì 100% thị trường vận tải dầu thô cho NMLD Dung Quất, đồng thời mở rộng hoạt động vận tải tại thị trường Quốc tế.
Thận trọng trong đầu tư khi giá tàu tăng cao
Về công tác đầu tư, trong năm 2022, PV Trans Pacific lên kế hoạch đầu tư 5 dự án gồm 3 dự án đầu tư chuyển tiếp (đầu tư 1 tàu VLCC/VLGC và 2 tàu Aframax 2&3) và 2 dự án đầu tư tàu MR. Tuy nhiên, do biến động về kinh tế thế giới, lạm phát và xung đột Nga – Ukraine làm cho tình hình thị trường mua bán tàu biển có nhiều diễn biến khó lường, giá các chủng loại tàu đã tăng cao vượt quá tổng mức đầu tư được phê duyệt và không đảm bảo hiệu quả của dự án.
Vì vậy, Công ty đã cập nhập lại hồ sơ đồng thời bám sát thị trường mua/bán tàu để gấp rút triển khai thực hiện đầu tư trong năm 2023.
Thêm nữa, năm 2023, Công ty xây dựng kế hoạch đầu tư thêm 1 tàu VLGC (chuyển tiếp), các tàu Aframax/tàu MR hoặc tàu VLCC trên cơ sở diễn biến thị trường để phát triển đội tàu, tăng quy mô sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư dự kiến 109 triệu USD, trong đó 50 triệu USD là dự án chuyển tiếp và 59 triệu USD là dự án Đầu tư mới 2023 (3 tàu bao gồm MR, Aframax và VLCC).
“Không phải lúc nào cũng đầu tư, không đầu tư bằng mọi giá. Công ty sẽ xem xét thời điểm đầu tư phải hiệu quả, cân nhắc đầu tư loại nào, thời điểm cụ thể, việc đầu tư là có kế hoạch, định hướng để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Công ty, cổ đông”, ông Hoàng Đức Chính nhấn mạnh về việc thận trọng quyết định đầu tư khi giá tàu đang tăng cao.
Ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PV Trans Pacific cho biết: “Hiện tại, Công ty đang tiến hành các thủ tục để đầu tư, đang lựa chọn tàu MR, các thủ tục ra thị trường đã tương đối hoàn thiện, sau đây chỉ cần tiến hành một số nội dung như thủ tục trình cổ đông HĐQT, đàm phán giá, hy vọng trong 6 tháng đầu năm sẽ đầu tư xong ít nhất 1 tàu. Năm 2023, ngay từ đầu năm đã chuẩn bị thủ tục để đầu tư, bám sát và theo kế hoạch, sẽ báo cáo nếu phù hợp sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư”.
Về cổ tức, năm 2022, Công ty trình cổ đông kế hoạch cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% vốn điều lệ, phần lớn lợi nhuận sau thuế còn lại Công ty bổ sung quỹ đầu tư phát triển để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển trong các năm sắp tới.
Bầu mới 1 thành viên HĐQT
Công ty trình cổ đông kế hoạch miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Bùi Văn Vinh. Đồng thời bầu mới 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 gồm ông Lê Mạnh Tuấn (bầu lại do hết nhiệm kỳ); ông Trần Duy Tân (bầu mới).
Trong đó, ông Mạnh Tuấn sinh năm 1968, trình độ Kỹ sư kinh tế - Đại học Bách khoa Hà Nội và ông Trần Duy Tân sinh năm 1987, trình độ Cử nhân Kinh tế Quốc tế.
Như vậy, sau bầu mới, HĐQT của PV Trans Pacific gồm 5 người là ông Lê Mạnh Tuấn, ông Hoàng Đức Chính, ông Nguyễn Thế Dân, bà Trần Thị Kim Khánh và ông Trần Duy Tân.
Về vấn đề khoá room ngoại, Chủ tịch Lê Mạnh Tuấn cho biết mặc dù có ngành nghề giống nhau với Công ty mẹ PVTrans (mã PVT – sàn HoSE), nhưng Công ty có ngành nghề là mua bán kinh doanh nhiên liệu, ngành này đang có khống chế của room nước ngoài. Chính vì ngành nghề này đã hạn chế room ngoại, sắp tới Công ty sẽ xem xét, cân đối ngành nghề để phù hợp.
Cũng trong đại hội, Tổng giám đốc Hoàng Đức Chính đã cập nhập tình hình kinh doanh trong giai đoạn đầu năm. Trong đó, quý I/2023, Công ty tận dụng được giá tốt của thị trường, doanh thu 323 tỷ đồng, 101% kế hoạch quý, lợi nhuận trước thuế gần 60 tỷ đồng, đạt 161% kế hoạch quý. Luỹ kế 4 tháng, lợi nhuận trước thuế là hơn 80 tỷ đồng.
“Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hoàn thành và vượt mức, Công ty phấn đấu vượt mức kế hoạch trình cổ đông” ông Hoàng Đức Chính cam kết với cổ đông.
“Hiện nay công ty đang tốt và tốt trong thời gian dài, cổ đông có thể nhìn cả hành trình từ năm 2015 tới nay. Công ty có khó khăn trong giai đoạn Covid và suy thoái kinh tế nhưng chỉ khó khăn trong đầu tư mới. Hiện nay đang triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư”, ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch nhấn mạnh về triển vọng tương lai Công ty.