Ngân hàng - Bảo hiểm
ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận đứng thứ 3 toàn hệ thống, tiếp tục không chia cổ tức
T.L - 23/04/2022 10:03
Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - TCB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022. Lợi nhuận và cổ tức là vấn đề cổ đông quan tâm nhất.

Trình bày tại Đại hội, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho hay, năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021.

Kế hoạch lợi nhuận này được đặt ra trên cơ sở hạn mức tín dụng tăng 15% hoặc hơn  trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, dự kiến đạt tối thiểu 446.554 tỷ đồng vào cuối năm. Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 9% song thực tế tăng hơn 22%.

Về huy động vốn, Techcombank cho biết sẽ quản lý phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn vốn huy động. Về nợ xấu, ngân hàng đặt mục tiêu kiểu soát nợ xấu ở mức dưới 1,5% tổng dư nợ năm nay.

Với mục tiêu lợi nhuận nêu trên, năm nay, Techcombank tụt xuống vị trí thứ 3 về lợi nhuận toàn hệ thống, đứng sau Vietcombank và VPBank.

Tuy vậy, ngân hàng cũng đệ trình cổ đông chấp thuận cho HĐQT xem xét, quyết định thực hiện, bao gồm cả việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh trên nhằm phù hợp với giới hạn tăng trưởng tín dụng được phê duyệt và quy định của NHNN.

Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ năm nay Techcombank tiếp tục trình phương án không chia cổ tức. Tính đến cuối năm 2021, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của ngân hàng hiện lên tới hơn 40.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, HĐQT Techcombank vẫn tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức năm 2021, toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối được giữ lại nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Như vậy, suốt 11 năm qua (tính cả năm nay), năm 2018 là năm duy nhất Techcombank chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trước thềm niêm yết lên sàn HoSE.

Mặc dù không chia cổ tức cho cổ đông, nhưng hầu như năm nào ngân hàng nào cũng miệt mài phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.

Tại ĐHĐCĐ lần này, ngân hàng tiếp tục trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu TCB với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động. Sau giao dịch, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 63 tỷ đồng, đạt trên 35.172 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2021, Techcombank đã phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng.Năm 2020, 2019 và 2018, ngân hàng đã phát hành lần lượt 4,76 triệu cp, 3,5 triệu cp và 17 triệu cp cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp theo chương trình ESOP.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết đối tượng tham gia chương trình ESOP năm nay sẽ bao gồm lao động nước ngoài, dẫn tới sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng. Do đó, Techcombank đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% lên 22,4595%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Techcombank cũng dự kiến trình cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Đỗ Tuấn Anh với lý do cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng.

Trước đó, ông Tuấn Anh đã có đơn từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng. Hiện ông đang là Tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings, doah nghiệp do cựu chủ tịch Sacombank - ông Kiều Hữu Dũng - thành lập và làm chủ tịch. KDI Holdings gần đây cũng chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản với 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang và Quảng Ninh.

Trên thị trường, cổ phiếu TCB của Techcombank đã giảm 13,4% kể từ đầu năm và giảm hơn 18% kể từ giữa tháng 2/2022. Ông Jens Lottner thừa nhận: "Nhiều cổ đông sẽ đặt câu hỏi với kết quả kinh doanh như vậy thì giá cổ phiếu đã được phản ánh đầy đủ hay chưa. Tôi cho rằng chưa phản ánh đầy đủ".

Tin liên quan
Tin khác