Đại hội đồng cổ đông thường niên TPBank năm 2021 |
Lợi nhuận tăng 32% năm 2021, không loại trừ chia cổ tức
Các cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 32%, đạt 5.800 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác cũng tăng trưởng rất mạnh: tổng tài sản tăng 21%, huy động vốn tăng 20%, dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 25%.
Như vậy, mục tiêu lợi nhuận mà ĐHĐCĐ chính thức thông qua tăng mạnh so với con số mà ngân hàng này dự kiến đầu năm (lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25%). Lãnh đạo TPBank cho hay, sở dĩ HĐQT và ban điều hành điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là do kết quả kinh doanh quý I/2021 rất khả quan.
Thông thường quý I hàng năm, do ảnh hưởng của tính chu kỳ, kết quả kinh doanh thường đạt thấp. Tuy nhiên, năm nay, lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của TPBank tăng tới hơn 40%, đạt 1.422 tỷ đồng, tín dụng tăng tín dụng tăng gần 5%. Tính tới thời điểm này, tín dụng đã tăng gần 7%, tức đã sử dụng hết 2/3 chỉ tiêu mà NHNN cấp. Tín dụng tăng mạnh nhưng chủ yếu rót vào những ngành ưu tiên và cho vay bán lẻ (mua nhà, mua xe…). Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay không tăng nhiều, thậm chí năm nay có thể giảm.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank khẳng định, không chỉ năm 2021 mà những năm tới, TPBank sẽ tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Mục tiêu của TPBank là phấn đấu đến năm 2025, lợi nhuận trước thuế đạt 14.000 tỷ đồng, đến năm 2030, tổng tài sản đạt 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35.000 tỷ đồng.
Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận năm nay rất tốt, song tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng nay, lãnh đạo TPBank không đưa ra phương án chia cổ tức để lấy ý kiến cổ đông.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank. |
Trả lời chất vấn của cổ đông tại Đại hội, ông Đỗ Minh Phú cho hay, năm nay TPBank có tính tới việc khả năng chia cổ tức, không phải bằng tiền mà bằng cổ phiếu.
“Năm 2020, TPBank đã chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng. Hiện tại, chưa tính lợi nhuận của năm 2021 thì TPBank đã có 6.000 tỷ lợi nhuận chưa phân phối, bất cứ thời điểm nào đều có thể chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Tính cả lợi nhuận 5.800 tỷ đồng của năm 2021 thì TPBank sẽ có nguồn vốn chủ sở hữu an toàn để phục vụ tăng trưởng. Quan điểm cá nhân tôi mong muốn chia cho cổ đông, bất cứ thời điểm nào đủ điều kiện thì chúng ta sẽ chia”, ông Đỗ Minh Phú khẳng định.
Tuy vậy, lãnh đạo TPBank cho biết, hiện ngân hàng chưa cụ thể hóa kế hoạch chia cổ tức bởi đang có một số hạng mục cần thiết để tăng trưởng kinh doanh. Được biết, ngân hàng này đang trong quá trình xem xét mua lại một Công ty tài chính tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank đánh giá, tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực rủi ro cao và lợi nhuận cao. So với tổng dư nợ chung, tín dụng tiêu dùng không chiếm tỷ trọng quá lớn. Quan điểm của TPBank về triển khai tín dụng tiêu dùng là phải đảm bảo hiệu quả tốt nhất, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu…Tất nhiên, việc ngân hàng có được một công ty tài chính trong thời gian tới vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phê phải có sự phê duyệt từ NHNN…
Mặc dù tạm thời chưa có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu năm nay, song Chủ tịch TPBank khẳng định, cổ phiếu TPBank rất lành mạnh, xứng đáng để đầu tư vì phản ánh đúng bản chất ngân hàng.
"Chúng tôi chưa biết tới biện pháp kỹ thuật nào làm tăng giá trị cổ phiếu. Nếu các cổ đông tin tưởng vào TPBank, thì giá trị cổ phiếu TPB bây giờ là giá trị thật”.
Sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho ngân hàng số
Một trong những trọng tâm quan trọng nữa của TPBank trong năm nay cũng sẽ được Đại hội thông qua là tiếp tục xác định chuyển đổi số là mục tiêu phát triển lâu dài của ngân hàng, tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng số hàng đầu Việt Nam.
Theo lãnh đạo TPBank, dù là ngân hàng trung bình lớn của hệ thống, song hiện TPBank mới có hơn 4 triệu khách hàng, do tuổi đời tương đối trẻ. Do đó, ngân hàng đang thực hiện mở rộng thị phần, tăng khách hàng. Chiến lược ngân hàng số thời gian qua đã giúp TPBank khắc phục được hạn chế trong vấn đề chi nhánh. Đặc biệt, mạng lưới Livebank riêng có đã mang lại nhiều lợi thế cho TPBank, vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng số lượng khách tiếp cận.
Năm nay, TPBank sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược ngân hàng số, đầu tư mạnh trên các công nghệ mới. Ví dụ ứng dụng 75 con robot được sử dụng trong năm ngoái, loại bỏ lao động con người. Áp dụng Robot thay thế 180 nhân viên tòa thời gian. Dự kiến năm nay là triển khai 5 con robot/tuần, dự kiến mang lại lợi ích lớn, tiết kiệm chi phí nhân sự tuyển thêm còn tránh dc rủi ro an toàn, rủi ro đạo đức. Năm nay dự kiến có thêm 140 con robot trong nhiều lĩnh vực. .
Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank khẳng định, ngân hàng số TPBank đã đi trước các ngân hàng khác một năm, xét về ngân hàng số, không có ngân hàng nào đầy đủ như TPBank.
“Ở Việt Nam, nếu TPBank là ngân hàng số thứ 2 thì không có ngân hàng số nào thứ nhất cả”, ông Tú tự tin.
Nhờ nền tảng công nghệ vững chắc, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng khách hàng 30-40%/năm, đồng thời nâng tỷ lệ khách hàng sử dụng thường xuyên lên 75% trong vòng 3-5 năm tới.
Phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu, tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng
Tại ĐHĐCĐ sáng nay, TPBank cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng vốn điều lệ. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên gần 11.717 tỷ đồng.
Số cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. HĐQT ngân hàng muốn được ủy quyền toàn bộ việc lên phương án cụ thể và triển khai.
Với số vốn tăng thêm, TPBank dự kiến đầu tư vào cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ và mở rộng mạng lưới; đồng thời bổ sung nguồn vốn hoạt động, vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn...