Ông Trần Trung Hưng - Tổng gíám đốc Viettel Post báo cáo tại Đại hội. |
Tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tham vọng, quý I không đạt mục tiêu lợi nhuận do chi phí đầu vào tăng
Ngày 23/4, ĐHĐCĐ của Tổng công ty Bưu chính Viettel Post (VTP) có 74 cổ đông tham dự đại diện cho 73,12% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại Đại hội, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT năm 2021 và kế hoạch năm 2022. Theo đó, lĩnh vực chuyển phát, giao vận của Viettel Post chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Tình hình kinh doanh bị tác động nghiêm trọng trong 6 tháng ngừng trệ kinh doanh do nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Tuy nhiên, đến quý 4/2021, Tổng công ty phục hồi mạnh mẽ với doanh thu bán hàng tăng 58% so với quý liền trước.
“Mặc dù chưa đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra do nhiều nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan, nhưng bằng tất cả sự nỗ lực, Viettel Post vẫn vượt qua một năm khó khăn nhất kể từ khi được cổ phần hóa. Đồng thời, Tổng công ty là một trong số doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển phát hoạt động hiệu quả với tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu trên 20%, đảm bảo cam kết chi trả cổ tức tiền mặt tối thiểu 15%”, lãnh đạo Viettel Post nhấn mạnh.
Năm 2021, tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty đạt 21.555 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 24% và cán đích mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 296 tỷ đồng, giảm gần 23% kế hoạch và hoàn thành chưa đầy 60% mục tiêu đề ra.
Theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, Viettel Post sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 9,33%. Tổng tỷ lệ cổ tức năm 2021 là 24,33%. Công ty trích gần 41 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng phúc lợi và không trích quỹ thưởng Ban Điều hành, BKS và thành viên HĐQT năm nay.
Sau khi tăng vốn qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, quy mô vốn điều lệ sẽ tăng lên 1.132 tỷ đồng. Năm trước, bên cạnh cổ tức tiền mặt 15%, Tổng công ty cũng hoàn tất chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 24,7%, tăng vốn từ 830 tỷ đồng lên 1.035 tỷ đồng.
Sau năm 2021 chưa hoàn thành kế hoạch về nhiều chỉ tiêu, Viettel Post tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy tham vọng với mức tăng trưởng cao. Trong đó, tổng doanh thu và thu nhập khác tăng 19,34% lên 25.723 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu là 498,4 tỷ đồng, tăng 68,4% so với năm 2021.
Viettel Post đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm 2022 |
Cập nhật con số sơ bộ về kết quả kinh doanh quý I, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết doanh thu bán hàng tăng trưởng 25,6%. Do chi phí xăng xe và việc điều chỉnh mô hình với việc đẩy hoạt động tại tuyến huyện, lợi nhuận của Viettel Post thấp hơn so với kế hoạch 8,1 tỷ đồng.
Tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng do chiếc lược theo đuổi zero Covid tại Trung Quốc khiến nguồn dự trữ hàng của các nhà bán (khách hàng của Viettel Post) cạn kiệt. Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận. Tuy nhiên, gần đây, Viettel Post đã ký hợp đồng với JD để vận chuyển hàng hoá của JD về Việt Nam từ tháng 5.
JD.com là doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến theo mô hình B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) hàng đầu tại Trung Quốc và là đối thủ của Tmall.com (website thuộc sở hữu của Alibaba). Sự hợp tác này được ban lãnh đạo công ty kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng doanh thu, góp phần đảm bảo hoàn thành kế hoạch doanh thu đề ra.
Dự kiến chuyển sàn HoSE trong quý III, đầu tư 8 - 10 trung tâm kho vận
Về kế hoạch đầu tư, Viettel Post đặt ra mục tiêu phát triển hạ tầng mạng lưới, đưa vào vận hành 8 - 10 trung tâm kho vận ứng dụng công nghệ cao trong năm 2022 và tiếp tục đầu tư Robot, băng chuyền và phần mềm vận hành trong kho phù hợp với quy mô tại từng khu vực.
Chia sẻ thêm về kế hoạch đầu tư kho, lãnh đạo công ty cho biết tiến độ đầu tư còn phụ thuộc vào việc tìm kiếm quỹ đất. Tuy nhiên, tổng công ty phấn đấu đầu tư mạnh trong giai đoạn năm 2022-2023. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.400 - 3.500 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2022 là 1.200 tỷ đồng. Với nguồn lực hiện tại, Viettel Post vẫn có thể cân đối đầu tư với tỷ lệ 50% vốn tự có/50% vốn vay. Trong trường hợp cần thêm, công ty có thể phát hành thêm cổ phiếu, sẽ cân nhắc giữa chào bán cho cổ đông hiện hữu hay cho cổ đông chiến lược.
Việc phát triển mạng lưới trung tâm kho vận được kỳ vọng sẽ tối ưu hoạt động khai thác chia chọn hàng hóa, giảm tải thời gian vận chuyển giữa các khu vực, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ đến khách hàng.
Cập nhật tại Đại hội, Tổng công ty cho biết sẽ thực hiện nộp hồ sơ đến Hose trong tháng 5/2022 sau khi có Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2021 và dự kiến thời gian giao dịch trên HoSE là quý III/2022. Phương án đưa cổ phiếu chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE đã trình cổ đông thực hiện trong năm 2021 nhưng là nội dung chưa được hoàn thành năm qua, một phần do tình hình dịch Covid.
Cũng tại Đại hội năm nay, HĐQT trình ĐHĐCĐ xem xét sửa đổi ngành nghề kinh doanh để duy trì lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Viettel Post là 49%, nhằm đa dạng hóa hình thức sở hữu và tìm kiếm cổ đông chiến lược trong tương lai. Lãnh đạo công ty cũng cho biết các ngành nghề sửa đổi/ loại bỏ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của Viettel Post.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tiêu chuẩn lựa chọn cùng tiến độ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Thành Nam cho biết Tổng công ty sẽ không quá quan tâm về vốn, nhưng kỳ vọng tận dụng được lợi thế về kinh nghiệm, nền tảng ứng dụng (platform), khách hàng toàn cầu của đối tác. Viettel Post đã làm việc với một số đối tác nhưng hiện chưa đạt được các thoả thuận cuối cùng.