Tài chính - Chứng khoán
ĐHĐCĐ VNDirect: Lợi nhuận kế hoạch hơn 3.600 tỷ đồng trên giả định VN-Index khoảng 1.700 điểm
Thanh Thủy - 25/04/2022 22:21
Dù VN-Index tụt dốc không phanh xuống 1.300 điểm, kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng 32% dựa trên giả định VN-Index khoảng 1.700-1.750 điểm và thanh khoản tăng 10-15% vẫn tiếp tục được giữ nguyên.
ĐHĐCĐ thường niên của VNDriect diễn ra đúng phiên giảm sốc của chứng khoán Việt Nam

CEO VNDirect: Kế hoạch lợi nhuận 3.605 tỷ đồng có thể thực hiện, dư nợ margin vẫn đang tăng bất chấp giai đoạn điều chỉnh

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Chứng khoán VNDIRECT (VNDirect, mã VND) tổ chức vào chiều ngày 25/4 – phiên ghi nhận cú rơi “sốc” của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tiếp tục đặt ra mục tiêu tham vọng trong năm 2022, Hội đồng quản trị trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 3.605 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận kế hoạch tương ứng ở mức cao với ROE là 22%, ROA là 7%.

Kế hoạch trên được đề ra dựa trên kịch bản cơ sở với các tiêu chí tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết đạt 22-24%; P/E 16-16,5 lần; VN-Index dự báo khoảng 1.700-1.750 điểm và thanh khoản tăng khoảng 10-15% so với bình quân 2021, dư nợ margin cuối năm 2022 tăng 13-16%. Ở kịch bản xấu hơn, VNDirect cũng đặt trong giả định VN-Index giao dịch trong khoảng 1.600-1.650 điểm, thanh khoản tương đương năm 2022. Tuy nhiên, với cú lao dốc trong tháng 4 này, VN-Index đã giảm một mạch từ 1.530 điểm hôm 4/4 xuống 1.310 điểm kết phiên 25/4. Trong đó, riêng phiên hôm nay, chỉ số sàn HoSE từng có thời điểm giảm 80 điểm, dù hồi phục vẫn “bốc hơi” hơn 68 điểm, tương đương mức giảm 4,95%.

Tại Đại hội, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết đây là kế hoạch kinh doanh tương đối thách thức được đặt ra hồi tháng 1. Trong quý I, VNDirect báo lãi 960 tỷ đồng, hoàn thành 26,6% kế hoạch cả năm. Với biến động của quý II này, VNDirect vẫn mạnh dạn đưa ra kế hoạch trên, cũng là thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về tính khả thi của kế hoạch lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh VN-Index đang ngày càng xa hơn mốc 1.600 điểm trong kịch bản thấp nhất mà VNDirect đề ra, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VNDirect, cũng thừa nhận hoạt động kinh doanh không tránh khỏi việc phụ thuộc vào diễn biến thị trường, nhưng vẫn có 50% công ty có thể chủ động. Tuy nhiên, kế hoạch trên theo người đứng đầu ban điều hành là có thể thực hiện được.

“Như kết quả năm trước, diễn biến thị trường chỉ đóng góp 50% kết quả hoạt động của công ty nếu xét tương đối. Hiện chưa thể nói mốc 1.600 điểm có khả thi không bởi có thể thị trường vẫn trong giai đoạn điều chỉnh. Tăng trưởng của thị trường vẫn có thể đạt được. Dù có những bất ổn vĩ mô gần đây cần đánh giá lại, kế hoạch kinh doanh của công ty vẫn giữ nguyên”, ông Long cho hay.

Phần 50% không phụ thuộc vào thị trường có thể chủ động được. Phần 50% còn lại  như doanh thu phí môi giới hay mảng cho vay sẽ chịu ảnh hưởng. Lãnh đạo công ty cũng cho biết hoạt động cho vay sẽ chủ động hơn để không bị ảnh hưởng quá nhiều và khẳng định trong ngắn hạn vẫn chưa ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của thị trường.

Chia sẻ thêm về hoạt động cho vay ký quỹ, Tổng giám đốc VNDirec tiết lộ dư nợ margin của VNDirect giai đoạn vửa qua thậm chí còn tăng dù thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh. “Đúng là dư nợ cho vay margin thường biến động tương quan với thị trường cổ phiếu nhưng có độ trễ. Như giai đoạn năm 2018, cần vài tháng dư nợ cho vay ký quỹ mới giảm. Ngoải ra, theo tôi, tổng dư nợ margin dù đã tăng nhiều so với giai đoạn 2019-2020 nhưng tỷ lệ so với vốn hóa thị trường không quá cao”. Xét về góc độ nhu cầu, ông Long cho rằng dư địa tăng trưởng cho vay margin vẫn còn, dù không tăng ấn tượng như năm 2021.

Ngoài ra, theo ông Long, doanh thu môi giới cách đây 6 năm chiếm khoảng 80% tổng doanh thu của VNDirect. Tuy nhiên, cơ cấu doanh thu theo thời gian đã cân đối hơn, riêng doanh thu phí môi giới hiện chỉ còn đóng góp 30%. Các nghiệp vụ trên thị trường vốn và tiền tệ đang giúp đa dạng hoá nguồn thu. Tổng giám đốc VNDirect cho biết mục tiêu mà ban điều hành đề ra còn là duy trì ROE ổn định 20-25% và thừa nhận đây là bài toán tương đối thách thức bởi lợi nhuận các công ty chứng khoán thường bất ổn, phụ thuộc vào thị trường.

Năm 2021, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.383 nghìn tỷ đồng, tăng 244% so với lợi nhuận đạt được năm 2020 và vượt 48% so với kế hoạch kinh doanh được điều chỉnh tăng. ROE tương ứng là 32%, trong khi chỉ đạt 19% trong năm 2020.

Tình hình tài chính của VNDirect giai đoạn 2017-2021

Cũng trong năm trước, VNDirect có thêm hơn 300.000 tài khoản nhà đầu tư cá nhân, tăng trưởng 78% so với năm 2020 và chiếm 20% thị phần số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới toàn thị trường. Tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân hiện quản lý bởi VNDIRECT là hơn 697.000 tài khoản, chiếm gần 17% số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân toàn thị trường.

Thị phần môi giới chứng khoán có sự thay đổi đáng kể so với năm 2020, tại HSX đứng ở vị trí thứ 3 với mức là 7,46% (tăng so với mức 7,19% đứng ở vị trí thứ 5 của năm 2020), tại HNX đứng ở vị trí thứ 2, với mức là 9,86% (tăng so với mức 7,11% đứng ở vị trí thứ 3 của năm 2020).

Phát hành riêng lẻ 20% vốn, lên kế hoạch huy động vốn quốc tế dài hạn

VNDirect tiếp tục trình cổ đông phương án tăng vốn trong năm 2022. Khác với năm trước, phương án năm 2022 là chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 20% cho 1-5 nhà đầu tư. Đối tượng mua hướng đến là tổ chức có năng lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, tài chính, chứng khoán và/hoặc công nghệ.

Theo bà Phạm Minh Hương, công ty đã nhận được quan tâm từ các định chế đầu tư nhưng chưa có phương án cũng như chưa có giá mục tiêu. Phương án tăng vốn đang chờ cổ đông thông qua để phê duyệt chương trình.

VNDirect là một trong các công ty sớm thực hiện kế hoạch tăng vốn và hoàn thành tới 2 đợt tăng vốn trong vòng chưa đầy một năm. Hiện với quy mô 12.000 tỷ đồng, VNDirect là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường thời điểm hiện tại.

Cùng đó, công ty đã phát hành thành công 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, giá trị phát hành là 1.250 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh của Công ty

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Long, năm qua còn là lần đầu tiên VNDirect có khoản vay hợp vốn do nhiều định chế tài chính nước ngoài cùng tài trợ với hạn mức tổng là 200 triệu USD. Đây là tiền đề để đa dạng hoá huy động vốn vay, nhất là khi khả năng tiếp cận vốn với các ngân hàng trong nước gặp hạn chế do yêu cầu về hạn mức tín dụng. Lãnh đạo công ty chứng khoán này còn cho biết VNDirect đã đi đặt đầu bài với tổ chức quốc tế về huy động qua các đợt phát hành trái phiếu dài hạn - kênh huy động vốn đến nay chưa có công ty chứng khoán nào tiếp cận. Công ty kỳ vọng quy mô huy động năm 2022 là 300 triệu USD, chia ra 1-2 đợt.

Bầu nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới: Ông Đỗ Ngọc Quỳnh rời VNDirect, thêm chuyên gia công nghệ, kỳ vọng thêm nhân sự sau phát hành riêng lẻ

Tại Đại hội năm nay, VNDirect cũng tiến hành bầu nhân sự HĐQT và ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2022-2027. Danh sách ứng viên nhiệm kỳ mới vẫn có 5 nhân sự nhưng có tới 3/5 người mới. Ngoài bà Phạm Minh Hương cùng chống là ông Vũ Hiền tiếp tục nằm trong HĐQT, ba nhân sự mới được bầu vào nhiệm kỳ này là CEO Nguyễn Vũ Long, ông Vũ Việt Anh và ông Mai Hữu Đạt. Trong đó, bà Phạm Minh Hương cũng nhấn mạnh sự tham gia của chuyên gia công nghệ trong HĐQT là ông Vũ Việt Anh hiện là Giám đốc CTCP OTECH. Quy mô nhân sự của VNDirect vẫn đang giữ là 5 người. Tuy nhiên, Chủ tịch Phạm Minh Hương cũng kỳ vọng thêm nhân sự sau khi VNDirect có thêm đối tác chiến lược sau phát hành riêng lẻ.

Các nội dung trình đại hội đều đã được cổ đông thông qua. 

Tin liên quan
Tin khác