Ngân hàng
ĐHĐCĐ VPBank 2021: Tăng gấp 3 vốn điều lệ, cổ đông VPBank nhận “mưa cổ tức” năm 2022?
T.L - 29/04/2021 19:09
Vừa bán 49% vốn FE Credit, lại sắp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại, VPBank sẽ thu về thặng dư vốn khổng lồ, dự định nâng gấp 3 vốn điều lệ vào năm 2022.

Sau bán FE Credit là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại

Chiều ngày 29/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Tại Đại hội, cổ đông đã thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ  tại công ty con FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản và 1 % vốn cho Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VPBank sẽ chỉ còn sở hữu 50% tại công ty tài chính này.

Trước đó, ngày 28/4, VBank đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn SMBC để bán 49% vốn điều lệ của FE Credit, mức định giá được hai bên thống nhất là 2,8 tỷ USD. Nếu hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit cho SMBC và 1% vốn cho VCSC, VPBank sẽ thu về 1,4 tỷ USD, tương đương hơn 32 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo VPBank cũng đã trình cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức năm 2020, để lại toàn bộ lợi nhuận 8.852 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, VPBank cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay, VPBank đang có hơn 75 triệu cổ phiếu quỹ, với thị giá cổ phiếu VPB hiện nay, nếu bán thời điểm này, VPBank sẽ thu về 4.000 tỷ đồng, sau khi trừ giá vốn sẽ thu về lợi nhuận 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, VPBank đang có kế hoạch dùng cổ phiếu quỹ để phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài, dự kiến hoàn tất cuối năm nay.  

“Tuy nhiên, chúng ta đang có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược. Khi đạt thoả thuận, số cổ phiếu quỹ sẽ được bán cùng với lượng cổ phiếu phát hành mới cho cổ đông nước ngoài, khi đó, lợi nhuận sẽ được ghi nhận vào quỹ thặng dư, tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng. Tôi nghĩ cổ đông sẽ thích phương án này hơn”, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết.

Ngoài những nguồn vốn khủng trên, lãnh đạo VPBank cho hay đang đàm phán lại với AIA về phương án hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm, khi đó, VPBank sẽ có thêm một nguồn thu lớn nữa.

ĐHĐCĐ thường niên VPBank năm 2021

Theo dự tính của lãnh đạo VPBank, tổng cộng các nguồn trên, tính đến cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPBank có thể lên đến 90.000 tỷ đồng. Mặc dù sở hữu lượng vốn khủng, song lãnh đạo VPBank cho biết, sở dĩ ngân hàng chưa thể trình kế hoạch tăng vốn điều lệ, chia cổ tức trong năm nay bởi nếu tăng vốn, ngân hàng phải có sẵn trong tay “tiền tươi thóc thật” thì mới có thể trình NHNN thông qua. Tuy nhiên, thời điểm này, các phương án bán 49% vốn cho SMBC và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đều chưa hoàn tất, “tiền tươi” chưa có nên chưa thể trình phương án tăng vốn điều lệ.

Dù vậy, lãnh đạo VPBank cho biết, cuối năm nay, ngân hàng sẽ xây dựng phương án tăng vốn điều lệ. Theo đó, năm 2022, dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng – tức ít nhất tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Như vậy, khả năng năm 2022, cổ đông VPBank sẽ nhận “mưa” cổ tức.

Lợi nhuận năm 2021 sẽ cao hơn mục tiêu trình cổ đông thông qua

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 17,4% đạt 491.886 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5% đạt 327.280 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 16.654 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2020. 

Tuy nhiên, ông Ngô Chí Dũng cho biết, HĐQT đang sức ép cho Ban điều hành phải đạt lợi nhuận cao hơn con số này. Việc thoái vốn khỏi FE Credit sẽ giúp VPBank có thêm nguồn vốn để đưa vào kinh doanh, tăng dư địa tăng trưởng.

Trên thực tế, kết quả kinh doanh quý I/2021 của VPBank đang rất tích cực với lợi nhuận tăng 38%, đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng riêng lẻ tăng tới hơn 55% so với cùng kỳ.

 Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho hay, hiện VPBank đang dẫn đầu khối ngân hàng TMCP tư nhân về doanh thu với cơ cấu đa dạng, hiệu quả vận hành tốt, tiếp tục là ngân hàng có NIM cao trên thị trường. 

Ngân hàng sẽ dành 80% nguồn lực để tập trung phát triển 2 phân khúc chiến lược gồm phân khúc khách hàng bán lẻ và phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong quý 1/2021, dù tín dụng chung của ngân hàng chỉ tăng 3,6% nhưng tín dụng bán lẻ tăng tới 7% trong khi tín dụng cho doanh nghiệp SME tăng tới 11%. Bán lẻ và SME mang về cho ngân hàng này 2.600 tỷ đồng lợi nhuận.  

Năm 2021, dự kiến mảng bán lẻ sẽ đem về cho VPBank 3.000 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi mảng SME dự kiến ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Ông Vinh cho biết đây mới chỉ là bước đầu trong chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của VPBank trong thời gian tới.

Mặc dù FE Credit tiếp tục là gà đẻ trứng vàng cho VPBank, song tỷ trọng đóng góp ngày càng giảm và chỉ còn khoảng 30% trong năm nay. Dự kiến, năm nay, FE Credit sẽ có lợi nhuận hơn 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng sẽ tập trung vào nửa cuối năm.   

Tin liên quan
Tin khác