VPBank chính thức bán 49% vốn FE Credit cho đối tác ngoại |
FE Credit tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng của VPBank, thành lập năm 2010. Khối tiêu dùng này được chuyển sang công ty con (Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng) vào năm 2015, sau khi VPBank mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản. Thương FE Credit vẫn được giữ nguyên.
Nếu tính từ khi thành lập công ty con (từ năm 2015 đến nay), FE Credit đã mang lại cho VPBank gần 19.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Còn nếu tính từ khi thành lập, FE Credit đã mang về cho ngân hàng này trên dưới 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong giai đoạn 2016-2019, FE Credit thường đóng góp 45-50% trong tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank, được coi là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank.
Chính vì vậy, dù từng có kế hoạch bán và được nhiều đối tác ngoại hỏi mua, song năm 2017, VPBank tuyên bố hủy bỏ kế hoạch bán công ty này do thời điểm đó, FE Credit đóng góp một nửa lợi nhuận cho ngân hàng. Đây có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của VPBank.
Việc trì hoãn bán FE Credit năm 2017 không chỉ giúp ngân hàng này thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận, mà còn khiến giá trị thương vụ tăng lên nhiều lần. FE Credit đang là công ty tài chính có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, ước tính chiếm hơn 50% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn thị trường. Tại ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit là 66.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017-2019, lợi nhuận mà công ty này mang lại mỗi năm lên tới 4.000 - 4.500 tỷ đồng. Năm 2020, chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid 19, song công ty này vẫn lãi trước thuế hơn 3.700 tỷ đồng. Đây cũng là công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ sinh lời tốt nhất hệ thống công ty tài chính, ROAA và ROAE năm 2020 lần lượt đạt 4,1% và 23,4%.
Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, việc VPBank bán cổ phần FE Credit tại thời điểm này là hợp lý. Một đối tác chiến lược nước ngoài với FE Credit có thể cải thiện chi phí vốn của doanh nghiệp và giúp kiểm soát rủi ro. Thương vụ này sẽ kết hợp được nguồn lực giữa FE Credit và đối tác chiến lược, từ đó củng cố vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp.
Sau khi nghiên cứu các công ty tài chính tiêu dùng trong khu vực sở hữu hoạt động kinh doanh và phân khúc sản phẩm tương tự, VNDirect đánh giá FE Credit có thể đạt được mức P/BV mục tiêu 3,5 – 4,0 lần (mức thấp nhất trong các doanh nghiệp khu vực có ROE tương đương) cho thương vụ chiến lược này, tương đương định giá công ty đạt 2,3 – 2,6 tỷ USD.
Cổ phiếu VPB đang được giao dịch trên thị trường ở mức 53.700 đồng/CP, tăng 65% từ đầu năm. Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh, có những phiên giảm hơn 40 điểm nhưng cổ phiếu VPB vẫn tăng mạnh.
Chưa rõ, số tiền khủng thu về từ thương vụ bán vốn này có được ghi nhận vào lợi nhuận của VPBank. Theo phân tích của Công ty chứng khoán SSI, rất có thể lãi từ việc bán vốn nêu trên sẽ không được ghi nhận như một khoản thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh mà sẽ được ghi nhận tvào khoản mục lợi nhuận giữ lại trên bảng cân đối kế toán.
Số lợi nhuận giữ lại trên có thể được VPBank sử dụng để đưa vào kinh doanh, cũng có thể sẽ tiến hành thương vụ mua bán, sáp nhập một công ty con trong lĩnh vực khác. Những năm gần đây, lợi nhuận của ngân hàng riêng lẻ VPBank tăng mạnh, tỷ trọng đóng góp của FE Credit vào lợi nhuận hợp nhất ngày càng giảm. Năm 2020, FE Credit chỉ còn đóng góp 28% vào lợi nhuận hợp nhất của VPBank.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tổ chức ngày mai (29/4), VPBank sẽ trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT được thực hiện một số nội dung như: thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết khác để thực hiện các ngành nghề kinh doanh được phép theo quy định pháp luật; thông qua phương án bán vốn đầu tư của VPBank tại các công ty con; thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức pháp lý, tổ chức sắp xếp lại mô hình, chức năng hoạt động cua các công ty con của VPBank nếu cần thiết và có lợi cho ngân hàng…