Ngân hàng - Bảo hiểm
FE Credit: Người đến sau thống lĩnh thị trường
Trần Mạnh - 23/03/2021 08:33
Dù ra đời sau, FE Credit nhanh chóng vượt nhiều đối thủ ngoại, không chỉ chiếm hơn 50% thị phần cho vay tiêu dùng, mà còn góp phần thay đổi toàn bộ bức tranh thị trường tài chính tiêu dùng.
FE Credit hiện có 11 triệu khách hàng, với dư nợ trên 66.000 tỷ đồng 

Tiên phong khai phá thị trường, giúp người dân từ bỏ thói quen “vay nóng”

Trước năm 2010, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam phát triển khá èo uột. Ngân hàng hầu như chỉ quan tâm cho vay khách hàng các khách hàng lớn, công ty tài chính tiêu dùng thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước kém phát triển. Giai đoạn đó, để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách, người dân thu nhập thấp chỉ có thể lựa chọn: vay tiền người quen hoặc vay nóng với lãi suất cắt cổ.

Năm 2007-2008, thị trường tài chính bắt đầu sôi động hơn, khi xuất hiện một số doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, các công ty này chủ yếu cho vay mua xe máy hoặc điện tử, điện lạnh, đồ dùng gia đình… Với nhu cầu vay tiền mặt, đa số người dân phải phải tìm đến tín dụng đen.

Thế nhưng, bức tranh thị trường đã dần thay đổi khi FE Credit (tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gia nhập cuộc chơi (năm 2010) và bắt đầu cho vay tiền mặt từ năm 2012. Kể từ đó, thị trường tài chính tiêu dùng được thổi vào luồng gió mới.

Giai đoạn sau đó, với sự dẫn đầu của FE Credit, thị trường cho vay tiêu dùng phát triển bùng nổ. Riêng trong giai đoạn 2015-2019, cho vay tiêu dùng luôn tăng trưởng trên 20%/năm và hiện chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Ngay từ khi thành lập, FE Credit đã tập trung vào phân khúc khách hàng chính là người có thu nhập thấp - những khách hàng được coi là “dưới chuẩn” và không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Vừa tạo lập thói quen vay tiêu dùng mới cho người dân, giúp họ nhận thức được lợi ích của hình thức cho vay tiêu dùng, tránh xa bẫy tín dụng đen, vừa giúp họ khả năng quản lý tài chính, thanh toán đúng hạn…, FE Credit đã tạo dựng được sự tin tưởng của khách hàng. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, Công ty đã có tới hơn 11 triệu khách hàng, không thua kém bất kỳ ngân hàng lớn nào.

Tính đến cuối năm 2020, FE Credit đã có quy mô tổng dư nợ trên 66.000 tỷ đồng, chiếm trên 50% thị phần toàn ngành, bỏ xa các đối thủ khác, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.700 tỷ đồng.

Với 9.500 đối tác chiến lược tại hơn 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc, FE Credit đã “phủ sóng” hàng ngàn hệ thống cửa hàng điện tử, điện lạnh, hệ thống cửa hàng xe máy, đồ gia dụng, đồ điện tử... Hàng triệu tiểu thương, công nhân, lao động phổ thông… nhờ vốn vay tại FE Credit có thể hiện thực hóa ước mơ, cải thiện cuộc sống một cách dễ dàng, nhanh chóng. Hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ của FE Credit cũng phát triển đa dạng, như vay tiền mặt, vay mua xe máy, mua điện thoại - điện máy, thẻ tín dụng, bảo hiểm...

Không chỉ dẫn đầu thị trường về thị phần, FE Credit cũng là doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số. Chỉ cần tải ứng dụng $NAP, khách hàng hoàn toàn có thể dễ dàng vay vốn và quản lý khoản vay.

Vay tiêu dùng đã trở thành thói quen của người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới. Ở một số nước phát triển, tỷ lệ này lên tới 30-40%. Ở nước ta, sự xuất hiện của nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã góp phần hình thành một phong cách chi tiêu, văn hóa tiêu dùng mới. Tuy nhiên, tỷ lệ vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn khá thấp so với khu vực, nên thị trường còn nhiều dư địa phát triển.

Để thị trường phát triển lành mạnh

Năm 2020, ngành tài chính tiêu dùng toàn cầu thiệt hại nặng nề do Covid-19, trong đó có Việt Nam. Riêng tại FE Credit, ước có tới 70% khách hàng bị ảnh hưởng tới thu nhập. Tuy nhiên, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn rất tiềm năng.

Mục tiêu mà vị Giám đốc này đưa ra là phát triển thị trường an toàn, lành mạnh. Chính vì vậy, trong khó khăn, lãnh đạo FE Credit đặt mục tiêu hàng đầu là ổn định thanh khoản, chứ không phải lợi nhuận. Công ty cũng đẩy mạnh đồng hành, giúp đỡ khách hàng vượt qua khó khăn. Tính đến ngày 15/3/2021, đã có hơn 259.000 khách hàng được FE Credit hỗ trợ thành công, với tổng giá trị khoản vay lên tới 4.000 tỷ đồng.

Ông Kalidas Ghose kỳ vọng, đến năm 2024, FE Credit sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất hợp lý và trải nghiệm thuận tiện, an toàn cho 18-20 triệu khách hàng, thông qua những nền tảng công nghệ hiện đại. Với việc áp dụng công nghệ số, FE Credit kỳ vọng sẽ cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhất là khách hàng trẻ, ưa thích công nghệ.

Năm 2020, dù gặp không ít khó khăn, song FE Credit vẫn hoàn thiện các mục tiêu chính của mình về chuyển đổi số, đang tăng tốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào dịch vụ khách hàng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi số sớm của các công ty tài chính như FE Credit là yêu cầu bắt buộc, song cũng mở ra cho các công ty này nhiều cơ hội.

“Ứng dụng công nghệ số đem lại cho các công ty tài chính nhiều cơ hội để mở rộng tệp khách hàng, tận dụng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro khách hàng tốt hơn, giảm chi phí kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, hoạt động an toàn, hiệu quả hơn”, ông Thịnh nói.

Tuy vậy, công nghệ phát triển cũng đang gây ra những hệ lụy. Đó là hiện tượng một số tổ chức, cá nhân ăn cắp thông tin, giả mạo hồ sơ để làm thủ tục vay vốn, chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng. Do đó, để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, lãnh đạo FE Credit cho rằng, cần có chế tài xử lý nghiêm hơn nữa.

“Cần hạn chế hoạt động của các tổ chức tín dụng phi pháp, các tổ chức không được cấp phép do những tổ chức này không chia sẻ dữ liệu với trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), từ đó làm gia tăng rủi ro cho hệ thống vay tiêu dùng”, ông Kalidas Ghose đề nghị.

Tọa đàm tài chính tiêu dùng

Ngày 25/3/2021, Tại trụ sở Báo Đầu tư sẽ diễn ra buổi Tọa đàm thường niên năm thứ 5 với chủ đề: “Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”.

Nội dung buổi tọa đàm tập trung đánh giá vai trò của tài chính tiêu dùng trong hỗ trợ tài chính cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng xã hội, đầy lùi tín dụng đen… trong giai đoạn bình thường mới hơn 1 năm qua, cũng như vai trò của tài chính tiêu dùng trong phát triển hệ thống tài chính toàn diện.

Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia tài chính như bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước); TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS. Cấn Văn Lực, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; PGS- TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính; LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI và lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng.

Tin liên quan
Tin khác