Các doanh nghiệp có hoạt động thương mại với thị trường Hàn Quốc đã có thể “thở phào” bởi từ nay, mọi khúc mắc về thủ tục xuất nhập khẩu với thị trường này đã có địa chỉ hỗ trợ.
Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã chính thức thành lập Trung tâm hỗ trợ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trực thuộc Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc (KOTRA). Trung tâm ra đời với mục đích giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc cũng như Việt Nam có thể vận dụng Hiệp định này hiệu quả.
. |
Có nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam muốn tận dụng các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong VKFTA, chẳng hạn như lộ trình cắt giảm thuế của từng sản phẩm cụ thể, hướng dẫn về chứng nhận xuất xứ, hai Trung tâm này sẽ hướng dẫn cách vận dụng và các nghiệp vụ thực tế cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ tư vấn 1-1 (tức một chuyên gia tư vấn trực tiếp cho một doanh nghiệp) do chuyên gia thuế quan hỗ trợ để giải quyết khó khăn về thuế quan.
Ông Lee Ho Dong, Cục trưởng thuộc Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) cho biết, rào cản đang khiến doanh nghiệp Việt Nam phải tốn nhiều chi phí và công sức nhất trong xuất nhập khẩu là các hàng rào phi thuế quan, như kiểm nghiệm,… Do đó, Trung tâm này cũng cung cấp thông tin nhanh chóng về việc kiểm nghiệm để hỗ trợ việc xuất khẩu.
VKFTA đã có hiệu lực từ cuối tháng 12/2015, nhưng tác động từ Hiệp định tới các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn độ trễ rất lớn. Tuy nhiên, thực tế này không phải là vấn đề quan ngại, điều doanh nghiệp cần hơn là có được sự hướng dẫn cụ thể đối với từng mặt hàng xuất khẩu để có sự chuẩn bị, gia tăng xuất khẩu bền vững, tận dụng tối đa cơ hội giảm thuế từ VKFTA.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh đánh giá, VKFTA có đem lại giá trị gia tăng, nhưng không giúp gia tăng xuất khẩu một cách đột biến. Giá trị lớn nhất của Hiệp định mới này là thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, nhưng tác động này có thể phải đến sau năm 2016 mới thấy rõ.
Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao sang Hàn Quốc, với 2,6 tỷ USD trong năm 2015. Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc, Tổng công ty cổ phần May Bắc Giang là một trong những doanh nghiệp có tăng trưởng xuất khẩu nhanh sang thị trường này nhờ đã nghiên cứu kỹ và chuẩn bị sản xuất sản phẩm theo đúng nhu cầu từ nhiều năm trước.
Ông Nguyễn Hữu Phải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần - Tổng công ty May Bắc Giang cho biết, với quy mô hơn 13.000 lao động ở 4 nhà máy tại Bắc Giang, Hàn Quốc là thị trường chủ đạo được Công ty quan tâm và đầu tư lớn những năm gần đây.
Với quy tắc xuất khẩu sang Hàn Quốc từ khâu cắt và may trở đi, những doanh nghiệp có sự chuẩn bị hiệu quả trong khâu này đều có cơ hội gia tăng xuất khẩu và giảm thuế, tùy thuộc từng mặt hàng.
“Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Để làm ăn lâu dài, đón cơ hội từ VKFTA, đầu năm 2015, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng mở rộng thêm 4,5 ha nhà xưởng ở chi nhánh Lục Nam, gần 300 tỷ đồng xây dựng chi nhánh ở huyện Yên Dũng, với kế hoạch hoạt động trong năm 2016”, ông Phải cho biết.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, do sự chuẩn bị chưa tốt, chưa đầy đủ nên một số FTA Việt Nam đã ký kết trước đây các doanh nghiệp mới chỉ tận dụng được 25-30% những ưu đãi về thuế quan. Bởi vậy, doanh nghiệp càng nghiên cứu và chuẩn bị dày công bao nhiêu thì danh sách sản phẩm được giảm thuế sẽ cao lên bấy nhiêu. Bởi vậy sự trợ giúp của Trung tâm hỗ trợ VKFTA sẽ giúp doanh nghiệp rành rẽ thông tin về lộ trình cắt giảm thuế của từng sản phẩm cụ thể, hướng dẫn về chứng nhận xuất xứ để có hiệu quả cao trong quá trình xuất khẩu.
Thông tin từ Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương cho biết, quản lý xuất xứ là vấn đề trở ngại lớn nhất trong việc vận dụng FTA, bởi điều này quyết định hàng hóa có được miễn thuế hay không. Tuy nhiên đây cũng là khó khăn nhất của các doanh nghiệp khi tận dụng FTA trong xuất khẩu.
Thống kê Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 giữa Việt Nam – Hàn Quốc đạt 36,6 tỷ USD, nhưng xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn, mới dừng ở 8,93 tỷ USD, dù so với 2014 đã tăng hơn 25%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 27,63 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,1% của năm 2014.
Dẫu vậy, tín hiệu vui là 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc đã tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2015, đạt trên 1,47 tỷ USD, chiếm 6,22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Đây được xem là khởi đầu tốt đẹp của năm 2016 để xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể tăng tốc, tận dụng cơ hội giảm thuế từ VKFTA.