Nếu như quý IV/2015, DIC Corp vẫn chìm trong thua lỗ hơn 18 tỷ đồng, thì một năm sau đó, công ty này đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 47 tỷ đồng. Sự đảo ngược đó đã khiến “đại gia” này có được một năm 2016 bội thu, ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới gần 86 tỷ đồng, tăng vọt so với con số hơn 19 tỷ đồng của năm 2015.
Hiện tại, DIC Corp đã có những động thái “tăng ga” trong hoạt động đầu tư và tái cơ cấu các công ty con. Mới đây, DIC Corp cho biết đã giải ngân 90% vốn thu được từ đợt phát hành riêng lẻ trong năm 2015.
Cụ thể, Công ty đã dành 110,5 tỷ đồng cho Dự án Chung cư DIC Phonix; 60,25 tỷ đồng cho Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên. Ngoài ra, DIC Corp cũng đã giải ngân 19 tỷ đồng cho Dự án Khu đô thị An Thới. Tổng số tiền đã giải ngân là 189,75 tỷ đồng. Số tiền đầu tư cho các dự án trên được sử dụng từ nguồn vốn huy động thông qua đợt phát hành riêng lẻ hồi tháng 8/2015. Theo đó, DIC Corp đã phát hành 19,9 triệu cổ phần, tổng thu ròng 209,25 tỷ đồng.
Chưa dừng ở đây, hoạt động đầu tư của DIC Corp dự báo sẽ còn tiếp tục được đẩy mạnh, bởi lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, trong giai đoạn 2017 - 2020, DIC Corp kỳ vọng đưa tổng mức đầu tư giải ngân lên 20.000 tỷ đồng.
Trong nỗ lực “dọn dẹp” lại bộ máy, vừa qua, DIC Corp đã thoái vốn tại Công ty cổ phần Xi măng FICO Tây Ninh bằng việc thực hiện bán thỏa thuận cổ phần cả lô đang nắm giữ tại công ty này. Trong năm nay, DIC Corp cũng dự kiến thoái vốn tại một loạt công ty khác. Một số công ty nằm trong danh sách DIC Corp dự kiến thoái vốn gồm Ngân hàng TMCP Quân đội, Công ty cổ phần Sông Đà Hà Nội, Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Hội An, Công ty cổ phần Xây dựng Đầu tư Phát triển Thanh Bình.
Chưa hết, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DIC Corp cho biết, Công ty cũng sẽ thoái vốn tại các công ty liên kết có vốn góp lớn như Công ty cổ phần Vina Đại Phước (liên doanh với VinaCapital), Công ty cổ phần Đầu tư Việt Thiên Lâm…
Với việc thoái vốn, công ty kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu lớn để tái đầu tư. “Đây là chiến lược quan trọng để DIC Corp hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 tăng trưởng 15 - 30% so với năm 2016”, ông Tuấn nói.
Tuy bức tranh kinh doanh mở ra trước thềm năm 2017 đối với DIC Corp khá sáng màu, nhưng hành trình đại gia ngành xây dựng này vẫn còn nhiều “sỏi đá” cản đường và nếu chỉ một chút sẩy chân cũng có làm trôi tuột toàn bộ thành quả mong manh vừa tích lũy được.
Với các công ty liên kết, dù đã có lộ trình thoái vốn toàn diện, nhưng để hiện thực hóa việc này cũng không dễ trong một sớm một chiều, trong khi nhiều công ty liên kết vẫn đang là những gánh nặng kìm hãm bước tiến của DIC Corp. Trong năm 2016, lẽ ra DIC Corp có thể có được lợi nhuận tốt hơn nếu không phải gánh khoản lỗ lên tới hơn 25 tỷ đồng từ các công ty liên kết.
Ngoài ra, sự nghi ngại của giới đầu tư về tính bền vững trong dài hạn của DIC Corp còn nằm ở chỗ, dòng tiền thu về trong kinh doanh chưa tương xứng với sự bùng nổ về lợi nhuận ghi trên sổ sách.
Cụ thể, tuy lợi nhuận năm 2016 tăng gấp 4,5 lần so với năm 2015, nhưng nhiều khoản doanh thu lớn được ghi nhận, song tiền thực chưa về, trong đó, riêng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đã lên tới 713 tỷ đồng. Trong năm 2016, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DIC Corp vẫn bị âm tới gần 298 tỷ đồng.
Để bù đắp cho dòng tiền trong ngắn hạn, Công ty vẫn phải dựa những nguồn thu không thường xuyên, trong đó riêng tiền thu từ thoái vốn tại các đơn vị khác đã “gánh” cho DIC Corp tới 89 tỷ đồng.
Ngoài ra, một nguồn tiền lớn khác tăng vọt trong năm 2016 là tiền đi vay từ các chủ nợ lên tới gần 870 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm 2015. Hoạt động vay nợ nhiều trong năm 2016 đã khiến chi phí tài chính của DIC Corp tăng mạnh, từ mức chỉ hơn 7,9 tỷ đồng năm 2015, lên gần 45 tỷ đồng trong năm 2016.