Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Công ty SCANSIA PACIFIC, cựu chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, lượng dăm gỗ hay còn gọi là phụ phẩm chủ yếu tác động đến kinh tế người trồng rừng.
Tuy nhiên quá trình tỉa thưa hay thu hoạch gỗ sớm để băm dăm thì có thể kéo dài hơn vài ba tháng nữa khi thị trường ngưng tiêu thụ vì dịch bệnh.
Mặt khác, định hướng của ngành là không muốn “bán lúa non” vì hiệu quả kinh tế thấp, khuyến khích người lâm dân giữ rừng cây gỗ lớn để có giá trị thương phẩm cao hơn.
Dù tác động từ dịch CovidD-19 có ảnh hưởng đến ngành gỗ nói chung, nhưng theo ông Thắng, trong nguy đó, lại có cơ hội.
Các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu củng cố lại nguồn lực để đón nhận những diễn biến của thị trường.
Theo kinh nghiệm từ dịch SARS, thời gian chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 này có thể trong 6 tháng đầu năm.
Quan hệ giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc hiện gặp khó bởi tác động từ dịch Covid -19 cũng dẫn đến thách thức cho doanh nghiệp chuyên nhập nguyên phụ liệu như bản lề, khóa, tay nắm, vải (sofa), hóa chất (sơn, dung môi)… từ quốc gia này.
Nhưng sự ảnh hưởng này là không quá lớn đối với ngành vì thực tế, đã có nhiều nhà máy (cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có thể tự sản xuất nguyên phụ liệu, hóa chất cho ngành chế biến gỗ tại Việt Nam và các doanh nghiệp còn nhập từ nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Công nghiệp ngành gỗ khác với may mặc, da giày ở chỗ, nguồn nguyên liệu không phải phụ thuộc nhiều bên ngoài.
Dù tác động từ dịch Covid -19 có ảnh hưởng đến ngành gỗ nói chung, nhưng theo cựu Chủ tịch HAWA, trong mối lo này lại có cơ hội. Các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu, củng cố lại nguồn lực để đón nhận những diễn biến của thị trường (Ảnh: AA). |
Việt Nam sử dụng hơn 70% nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước, phần gỗ còn lại nhập từ nhiều thị trường nên không bị động ở khâu nguyên liệu.
Có thể một số doanh nghiệp sản xuất sofa bị ảnh hưởng nguồn vải nhập chính từ thị trường Trung Quốc, nhưng nhìn chung toàn ngành không bị tác động nhiều trong giai đoạn hiện nay.
Trước diễn biến kinh tế thị trường như hiện nay, các nhà mua hàng có thể chọn hay thay đổi mẫu mã thiết kế có nguồn nguyên phụ liệu chủ động ở Việt Nam.
“Qua đây, cần xem là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất công nghiệp phụ trợ để hoàn thiện chuỗi cung ứng cho ngành gỗ và nội thất”, ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ.
Sắp tới, từ ngày 11-14/03/2020, HAWA sẽ phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam tại TP.HCM (VIFA-EXPO 2020).
Đặc biệt lần này có sự đồng hành của Chính phủ, trực tiếp Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ khai mạc và chủ trì “Hội nghị định hướng phát triển ngành Công nghiệp Chế biến lâm sản bền vững, hiệu quả năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Đây là vinh dự, một tín hiệu đáng mừng cho những bước phát triển của ngành trước sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Thủ Tướng Chính Phủ.
Đặc biệt trong lúc này như nguồn động viên tinh thần cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày hội chợ cũng như sự quyết tâm của chính phủ Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, tạo tâm lý an toàn cho khách hàng đến thăm viếng.
Chắn chắn, trước tác động của dịch Covid -19, việc tổ chức Hội chợ cũng bị ảnh hưởng ở một số công việc, tất cả hội chợ đầu năm ở Trung Quốc đều bị hủy bỏ, sẽ có những khách ngại đi hội chợ VIFA-EXPO vì dịch.
Nhưng, cũng sẽ có những nguồn khách cần hàng phải đến vì họ cần nguồn hàng thay thế khi chuỗi cung ứng đứt gãy, ông Thắng cũng như các doanh nghiệp trong ngành tin rằng, các hội chợ đồ gỗ khu vực Đông Nam Á sẽ có những khách mới.
Xét trên bình diện thị trường quốc tế sẽ có góc nhìn tích cực về các quốc gia có lợi thế trong ngành gỗ như Việt Nam.
Năm 2019, Trung Quốc đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu nội thất, với 54,3 tỷ USD. Theo sau đó là Ba Lan và Đức (mỗi quốc gia 11,2 tỷ USD), thứ tư là Ý với 10,9 tỷ USD và thứ năm là Việt Nam, với 10,.8 tỷ USD (chưa tính nguyên phụ liệu ngành gỗ).
“Như tôi đề cập phía trên, ước tính dịch Covid -19 tác động đến ngành gỗ Trung Quốc, làm ngành gỗ nước này có thể giảm 30% năng lực sản xuất trong 2 quý đầu năm, tương đương “hụt” khoảng 8 tỷ USD. Nếu chuỗi giá trị bị đứt gãy bởi hụt nguồn cung từ thị trường Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ lên phương án B, tìm ngay thị trường thay thế”, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Công ty SCANSIA PACIFIC đánh giá.
Cùng với đó, ngay từ khi xung đột thương mại Mỹ-Trung vừa xảy ra, các nhà mua hàng lớn tại Mỹ đã trữ hàng trước khi việc áp thuế chính thức có hiệu lực vào giữa năm 2019, thì đến nay lượng hàng đó cũng đã cạn dần.
Dù điều này đã được thực hiện trong 2 năm gần đây và nay họ càng quyết tâm “không để nặng trứng trong một giỏ”.
Đây là thời điểm cho các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế nhất khu vực để làm hàng nội thất có thể nỗ lực vươn lên, chớp lấy cơ hội.
Trong năm 2019, nguồn vốn đầu tư vào ngành gỗ cũng được gia tăng từ nhiều doanh nghiệp mở rộng trong nước và các công ty FDI dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Để các nhà máy đi vào hoạt động và ổn định công suất thì cần thời gian chứ không thể vài ba tháng vận hành.
Thế nên, vào năm 2020 lượng hàng được sản xuất từ các nhà máy mới này sẽ chính thức được ghi nhận và đóng góp đáng kể vào giá trị của ngành.
Đối với công nghiệp đồ gỗ xuất khẩu, từ khi tiếp cận các nhà mua hàng đến khi đặt hàng cũng mất một vài tháng, nếu nhận nhiều yêu cầu cùng một thời điểm thì các nhà máy cũng có thời gian để điều tiết cũng như chuẩn bị tổ chức sản xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khi nhận được đơn hàng lớn đều biết cách chia sẻ đơn hàng hay mở rộng các đơn vị chuyên môn khác trong hệ sinh thái gia công một phần hay toàn phần.
Do đó, không nên lo ngại nội lực doanh nghiệp trong đáp ứng đơn hàng.
“Nhìn lại quy mô sản xuất tại Trung Quốc gấp 5 lần khả năng sản xuất tại Việt Nam. Khi đứt nguồn hàng gấp 5 lần này, nguồn cầu sẽ tràn sang quốc gia khác như Việt Nam để tìm khả năng cung. Việt Nam dường như là thị trường có khả năng sản xuất tốt nhất Đông Nam Á để nhận lấy cơ hội này”, ông Nguyễn Chiến Thắng nói.
Năm 2019, có lẽ ngành gỗ Việt Nam đã tận dụng rất tốt các cơ hội giữa căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, với mức tăng trưởng hơn 18%.
Trong nguy có cơ, nếu Việt Nam kiểm soát dịch tốt, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam chủ động ứng phó và quyết liệt với thời cơ, sẽ là lời giải cho mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD của ngành vào năm 2025.