Điểm nóng
Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trên 62/63 tỉnh, thành phố
Thu Phương - 11/07/2019 10:41
Đây là thông tin được đưa ra tại "Hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 11/7.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sau khi bùng phát tại tỉnh Hưng Yên hồi tháng 2/2019, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố. Hiện, cả nước chỉ còn tỉnh Ninh Thuận là chưa phát hiện có dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ là 3.306.038 con, chiếm khoảng 11% tổng đàn lợn cả nước.

Ngay từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ ngành, tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan. Nhờ đó, đến nay, đã có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày chưa phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Thiệt hại do dịch bệnh gây ra được giảm thiểu, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ sản xuất, nhất là tại các địa phương chưa có dịch bệnh.

Ở các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện; tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng được 821 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh....

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh, nên thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan, phát tán đến các xã, huyện chưa có dịch. Tái phát ở các ổ dịch cũ qua 30 ngày. Đặc biệt là khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn.

Chính vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền từ Trung ương đến các địa phương cần xây dựng và tổ chức kế hoạch tổng thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm sớm khống chế dịch tả lợn châu Phi trên tinh thần của Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, cũng như các Chỉ thị, Công điện, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến hiện tại, chưa đại dịch nào gây tác hại lớn và khó khăn, cũng chưa có một loại dịch bệnh gì mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một các đồng bộ, sáng tạo, có các biện pháp từ kế hoạch ngay từ đầu và linh hoạt thay đổi như dịch tả lợn châu Phi. Song, đến nay dịch tả lợn châu Phi vẫn lan rộng, 175.000 tấn thịt đã bị tiêu hủy, thiệt hại rất lớn chủ yếu vào hộ nhỏ lẻ,liên quan đến sinh kế người dân và liên quan đến kinh phí hỗ trợ...

"Để đàm bảo thiệt hại nhỏ nhất, nhóm giải pháp thời gian tới đó là biện pháp an toàn sinh học ở mức độ cao nhất  kể cả hai nhóm hộ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nhóm hộ trang trại chăn nuôi lớn. Thực tiễn đã chứng minh cứ làm an toàn sinh học tốt thì bệnh dịch khó có thể thâm nhập vào đàn lợn, tổng số đàn lợn chết vừa qua chủ yếu là các hỗ nhỏ lẻ nơi khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, còn những hộ lớn vẫn giữ nguyên được. Điều đó chứng minh rằng, nếu làm tốt an toàn sinh học ở tất cả từng khâu từng công đoạn thì chúng ta sẽ chủ động ngăn chặn được dịch bệnh này. Đồng thời, thúc đẩy các biện pháp khác như nghiên cứu vacxin, bước đầu cũng có kết quả. Ngoài ra, ứng dụng các chế phẩm khác phối hợp với giải pháp an toàn sinh học làm hiệu quả hơn trong công tác phòng dịch", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay. 

Tin liên quan
Tin khác