Thời sự
Dịch tả lợn châu Phi: Nắm chắc nguồn gốc thịt an toàn khi lựa chọn, sử dụng
Hồng Phúc - 12/03/2019 16:00
Lo ngại vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người tiêu dùng có tâm lý lựa chọn thực phẩm khác thay thế thịt lợn. Tuy nhiên, người có kinh nghiệm về tiết mổ cho hay, có thể nhận biết về thịt lợn an toàn để lựa chọn, sử dụng.

Năm 2018, chợ đầu mối Hóc Môn nhập bình quân mỗi ngày khoảng 5.200 con lợn đã giết mổ.

Còn từ đầu năm đến nay, đặc biệt từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, hiện chỉ nhập từ 4.800-5.000 con. Sức tiêu thụ thịt lợn trong nửa tháng gần đây cũng sụt giảm, và mỗi ngày giảm bình quân 200-400 con mỗi ngày.

Bà Hoàng Thị Đào, chủ sạp thịt lợn Hoà Phát tại chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, dù sức mua của thị trường giảm nhưng đã ký hợp đồng dài hạn với Tập đoàn Hoà Phát nên không thể đề nghị giảm giá hay số lượng nhập về mỗi ngày.

“Từ khi có thông tin về dịch tả đến thời điểm hiện tại (ngày 12/3-PV), sạp của tôi lỗ gần 600 triệu đồng. Mỗi ngày nhập về khoảng 300 con dù thịt đã được kiểm dịch qua 4 lần tại trạm thú y, cơ sở giết mổ,…cũng như có mã số truy xuất nguồn gốc nhưng không thể tiêu thụ hết”, bà Đào cho biết.

Trong khi đó, bà Trần Thị Ánh Tuyết có hơn 40 năm kinh nghiệm kinh doanh thịt lợn tự tin có thể nhìn cũng biệt độ tươi ngon của thịt và đảm bảo an toàn để bán ra thị trường hay không.  

Chủ sạp này cho rằng, ảnh hưởng từ tâm lý chung của người tiêu dùng trên cả nước nên nhiều người dân khu vực miền Nam, đặc biệt TP.HCM đã chọn loại thịt, cá khác thay thế cho thịt lợn.

“Người dân giờ cũng rất hoang mang. Nhưng sự thực thì dịch chỉ lan ở các tỉnh ngoài Bắc. Còn tại đây, thịt vừa đến cổng chợ thì đã có bên kiểm dịch kiểm tra rất gắt gao, từ mã vạch truy xuất nguồn gốc, đến kinh nghiệm cảm quan để quan sát của cán bộ thú y… Rồi đến tay tôi với kinh nghiệm bán thịt 40 năm thì hoàn toàn có thể tin tưởng vào thịt ở chợ đầu mối an toàn”, bà Tuyết chia sẻ.

Trong khi đó, bà Võ Thị Kim Dung, hộ kinh doanh thịt lợn Hai Hụi tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết, sau khi xuất hiện thông tin dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn bán ra tại sạp đã giảm từ 60.000 – 62.000 đồng còn khoảng 55.000 đồng/kg lợn mảnh.

“Khi dịch chưa phát tán thì có thể bán từ 50 – 60 con mỗi ngày, còn giờ chỉ bán chưa được 30 con. Người dân thì lo ngại, không dám ăn thịt lợn. Tiểu thương bán lẻ cũng ế ẩm. Các cơ quan chức năng mà không có giải pháp ngăn chặn dịch lây lan hay tuyên truyền thông tin về nguồn gốc thịt đảm bảo tại các chợ đầu mối thì các sạp như chúng tôi sẽ sống không nổi”, bà Kim Dung lo ngại.

Còn tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) có công suất tối đa 3.000 con/đêm, nhưng hiện chỉ khoảng 1.200 con/đêm, với 95% lượng thịt sẽ cung cấp đến chợ đầu mối Hooc Môn.

Số lượng mổ hàng đêm giảm sút, tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Hiệp, đại diện Xuyên Á cho rằng người dân sẽ tiêu thụ thịt lợn trở lại nếu được tuyên truyền tốt hơn về nguồn gốc thịt lợn luôn đảm bảo an toàn trong khu vực thành phố.

Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố lo ngại sau đợt dịch này, người chăn nuôi nhỏ lẻ đến các tiểu thương sẽ lao đao và thiếu nguồn cung.

“Thành phố đã có đề xuất với các Bộ, ngành, trước mắt là ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào khu vực miền Nam cũng như đưa ra lệnh cấm chính thức việc vận chuyển lợn từ miền Bắc vào. Việc di chuyển lợn bị dịch bệnh từ nơi có ổ bệnh đến vùng an toàn sẽ là một thảm họa kinh tế. Những người nuôi lợn tự phát nhỏ lẻ thì tỉ lệ thiệt hại lên đến 100%. Do đó, để họ có trách nhiệm với cộng đồng, không giấu dịch, phải tiêu hủy thì cần đưa ra mức hỗ trợ thiệt hại thỏa đáng”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Tin liên quan
Tin khác