Dù M&A suy giảm vì đại dịch Covid-19...
Phát biểu khai mạc buổi Họp báo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn đánh giá, trong 11 năm qua, kể từ khi tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên vào năm 2009, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
"Có thể nói sau hơn một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào giai đoạn mới với nhiều cơ hội mới. Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu khiến thị trường M&A cũng chững lại, thậm chí suy giảm sâu", ông Lê Trọng Minh phát biểu.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A phát biểu khai mạc họp báo. Ảnh: Chí Cường |
Theo dữ liệu CMAC tổng hợp từ MergerMarket và HSF, tổng giá trị M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2020 là 901,7 tỷ USD, thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng công bố là 6.943 thương vụ, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Do sự tác động của Covid-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Trong 6 tháng cuối năm 2019 và năm 2020, thị trường vẫn chứng kiến những thương vụ đáng chú ý, đặc biệt là những thương vụ mua lại hoặc tái cấu trúc của các tập đoàn tư nhân. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam
Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020 tiếp tục trầm lắng và chưa thực hiện được theo kế hoạch. Thị trường kỳ vọng có thêm những thương vụ thoái vốn ở quy mô lớn, nhằm giúp gia tăng đáng kể giá trị M&A của Việt Nam
Covid- 19 và trạng thái bình thường mới có tác động đến hoạt động M&A trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam: các nhà đầu tư và doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, gia tăng các hoạt động tái cấu trúc, nhu cầu bán doanh nghiệp nhiều hơn nhưng việc thẩm định chi tiết và ra quyết định cũng khó khăn hơn.
Mặc dù vậy, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia hấp dẫn số 1 để gia nhập hoặc mở rộng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Bấp chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện là nước duy nhất có mức tăng trưởng dương cho đến nay cũng như dự báo cho năm 2020 , trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng âm.
Nhiều cơ hội mở ra khi sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn; các Hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA; việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng mới về đầu tư kinh doanh trong đó, có các quy định mới cởi mở hơn, minh bạch hơn cho hoạt động M&A; việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị…
Đại dịch Covid-19 với lệnh phong tỏa biên giới ở nhiều quốc gia đang làm chậm lại các hoạt động M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, dịch bệnh sẽ khiến thị trường bùng nổ với nhu cầu gia tăng cả bên bán và bên mua.
Giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo dự báo của CMAC, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo đó thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.
Đó chính là những lý do vì sao Ban Tổ chức Diễn đàn M&A thường niên chọn chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” cho năm 2020.
“Đây là Diễn đàn thường niên và duy nhất ở Việt Nam đã diễn ra liên tiếp trong 11 năm qua. Điều này cho thấy Ban Tổ chức Diễn đàn M&A đã và đang nỗ lực hết sức mình để thúc đẩy kênh đầu tư hiệu quả này cũng như góp phần tạo ra thị trường M&A minh bạch cả về chất và lượng, tạo ra giá trị cộng hưởng cho các bên liên quan”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam nhận xét.
Dự kiến Diễn đàn M&A 2020 sẽ thu hút khoảng 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, những người quyết định và tạo lập cho 85% giá trị các thương vụ diễn ra tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Chí Cường |
...Nhưng sẽ "trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới" hậu Covid-19
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra sự bất ổn lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu. Dự báo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm, trong khi căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến động chính trị tiếp tục gia tăng tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp; tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài; nguồn lực hạn hẹp, trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu về đầu tư phát triển, phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội… Chưa kể, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng…
Bối cảnh đó khiến năm 2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ xác định trong năm tới, tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh…
Tuy thách thức, khó khăn còn nhiều, nhưng đồng thời, chúng ta cũng có những thời cơ, thuận lợi không nhỏ: vai trò của các nền kinh tế mới nổi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng được nâng lên, tiếp tục là động lực phát triển của kinh tế toàn cầu; tình hình chính trị - xã hội ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của người dân, doanh nghiệp được củng cố; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao…
Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để mở rộng không gian kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư, hội nhập và tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi của các phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư… cũng mang tới nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam.
Năm 2021 là năm vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Bởi đây là năm chúng ta tổ chức Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Là năm khởi đầu cho nhiệm kỳ mới của Chính phủ và là năm khởi đầu cho chặng đường phát triển tiếp theo của Việt Nam.
Khi kinh tế Việt Nam “trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”, hoạt động M&A sẽ có nhiều khởi sắc. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...
Trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước đã rất tích cực trong công tác cải cách thể chế. Các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã được xây dựng, được Quốc hội thông qua. Các luật này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của khu vực tư nhân trong và ngoài nước, bao gồm cả các hoạt động đầu tư theo hình thức M&A.
Đó là những yếu tố kỳ vọng về một sự phục hồi tích cực của thị trường M&A hậu Covid-19. Nếu Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tưtiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và thời gian tới, thì Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội và có thể “trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”, như chủ đề của Diễn đàn M&A năm nay.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 12 - năm 2020, với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới/Upsurging in the new normal” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 24/11/2020.
Diễn đàn do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 sẽ thảo luận các cơ hội M&A trong giai đoạn bình thường mới khi Việt Nam đứng trước cơ hội lớn đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi các thị trường lớn; cơ hội từ các hiệp định thương mại mới, từ việc sửa đổi luật pháp về đầu tư kinh doanh, cơ hội từ việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị; chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo hàng đầu về M&A…
Diễn đàn có các hoạt động chính sau:
- Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế;
- Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2019 - 2020;
- Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 - 2020;
- Khóa đào tạo quốc tế về Chiến lược M&A.
Tham khảo thông tin tại http://mavietnamforum.com