Có thể nhận diện CPI 9 tháng và dự báo cả năm 2016 thông qua các góc độ so sánh như sau.
Thứ nhất, nếu thời kỳ 2004-2013, CPI 9 tháng và cả năm đã tăng rất cao, lặp đi lặp lại có tính chu kỳ và kéo dài, thì năm nay đã thấp hơn nhiều. Đây là điểm nhấn quan trọng, bởi lạm phát có liên quan đến tất cả chủ thể trên thị trường. Lạm phát cao đã tác động tiêu cực đến nhiều bất ổn vĩ mô khác, từ tăng trưởng GDP, lãi suất, tỷ giá, mức sống, công nợ... và quan trọng là làm cho lòng tin vào đồng tiền quốc gia bị giảm sút.
. |
Nếu 2 năm trước, lạm phát được coi là quá thấp, tuy chưa đến mức thiểu phát, nhưng làm cho tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm, thậm chí dễ dẫn đến trì trệ, tiêu thụ sản phẩm gặp khó..., thì nay lạm phát đã cao lên. Điều quan trọng là về mặt tư duy, đã có sự chuyển đổi từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, chính sách tài chính, tiền tệ, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhưng vừa phải góp phần hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, năm nay, theo nghị quyết của Quốc hội, CPI tăng dưới 5%. Qua 9 tháng, CPI đã tăng 3,14%, vì vậy 3 tháng còn lại, CPI được tăng 1,83%, bình quân 1 tháng được tăng 0,59%. Khả năng CPI cả năm sẽ thấp hơn mục tiêu, tức là sẽ vượt mục tiêu đề ra. Việc vượt mục tiêu về lạm phát ở mức sát như vậy trong nhiều năm qua không phải năm nào cũng đạt được, bởi trong cơ chế thị trường, CPI phụ thuộc vào quy luật khách quan, nhưng dự báo được sát là cố gắng của các nhà hoạch định chính sách vĩ mô.
Thứ ba, cho đến bây giờ, sau 3/4 thời gian của năm, có thể gần như chắc chắn tốc độ tăng của CPI thấp hơn tốc độ tăng GDP. Đây là điểm nhấn không phải năm nào cũng đạt được trong hàng chục năm qua. “Thông số” này cần được quan tâm trong các kế hoạch thời gian tới và cũng là “thông số” tham khảo về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, lãi suất huy động, lãi suất...
Có nhiều yếu tố tác động đến diễn biến CPI trong 9 tháng cũng như những tháng còn lại của năm 2016. Trong đó, yếu tố quan trọng là giá xuất khẩu, giá nhập khẩu tính bằng USD đã giảm tương đối sâu và tương đối dài trong thời gian qua. Cụ thể, giá cà phê xuất khẩu 8 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước giảm 13,3%, chè giảm 6,2%, hạt tiêu giảm 13,6%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 14,2%, quặng và khoáng sản khác giảm 64,6%, clinker và xi măng giảm 12,3%...
Giá nhập khẩu 8 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước cũng giảm: lúa mì giảm 20,2%, ngô giảm 13,3%, đậu tương giảm 9%, quặng và khoáng sản khác giảm 20,6%, than đá giảm 28,7%, xăng dầu giảm 32%, khí đốt hóa lỏng giảm 24,3%, phân bón các loại giảm 10,7%, bông các loại giảm 3,1%... Giá nhập khẩu giảm một mặt kéo giá cả trong nước giảm theo, mặt khác lượng nhập khẩu đã tăng khá, làm tăng cung ở trong nước; cả 2 mặt này đã giảm sức ép tăng giá ở trong nước. Dự báo giá thế giới tính bằng USD sẽ tăng khi Fed tăng lãi suất USD, nhưng mức tăng nhẹ và tính chung cả năm giá thế giới vẫn giảm so với năm trước.
Một yếu tố cơ bản tác động đến lạm phát là quan hệ cung - cầu vẫn ở trạng thái cầu thấp hơn cung, biểu hiện ở chỗ nhập khẩu tăng thấp so với cùng kỳ (tăng 0,3% so với tăng 16,5%), nhập siêu do cầu trong nước còn thấp. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại giá) tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (7,3% so với 9,2%).
Ngoài ra, tài chính, tiền tệ - yếu tố trực tiếp của lạm phát đã có những cải thiện. Tỷ lệ so với dự toán cả năm của tổng thu cao hơn của tổng chi; của bội chi thấp hơn của tổng thu và tổng chi; việc bù đắp bội chi bằng vay trong nước và nước ngoài tuy tác động làm tăng nợ công, nợ nước ngoài, nhưng không trực tiếp gây sức ép lớn đối với lạm phát. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng tiền gửi (nhất là tiền gửi bằng VND) cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng, nên cũng không gây sức ép đối với lạm phát.