Thời sự
Diễn biến mới nhất của bão số 11 đang vào miền Trung
Hữu Tuấn - 14/10/2013 09:29
Thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và phòng chống cơn bão từ các địa phương. Nghệ An thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng do bão số 10 (Độc giả nhấn F5 để cập nhật diễn biến mới nhất của cơn bão số 11)

Tại đảo Lý Sơn, hoàn lưu cơn bão 11 đã đổ vào gây sập nhiều nhà cửa, cây cối, phá hủy hoa màu của người dân.

Thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 19m/s (cấp 8), giật 28m/s (cấp 10).

Hồi 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Ảnh mây vệ tinh vệ tinh của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương


Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 01 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 13 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 01 giờ ngày 16/10 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Lào – Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (14/10) còn có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Từ chiều tối nay (14/10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

Bão sẽ đổ bộ vào Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh

Hiện Hà Tĩnh đã liên lạc được với hơn 4.000 tàu thuyền. Hiện nay, Hà Tĩnh có 49 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng, an toàn bị đe dọa, địa phương này kiến nghị được hỗ trợ để xử lý vì nguồn địa phương đang rất khó khăn.

Tỉnh Quảng Trị đã xả lũ sớm vào ngày hôm nay để chủ động điều hòa mực nước, đón bão số 11. Dự kiến tâm bão sẽ đổ bộ vào khu vực này nên việc sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm và công tác chằng chống nhà cửa phải xong trước 7 giờ tối nay.

Thừa Thiên - Huế được xác định là nơi cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp nên UBND tỉnh đã lên kế hoạch di dời 3.643 hộ ở khu vực không an toàn, đến 17h chiều nay sẽ di dời xong. Hiện toàn bộ tàu thuyền ở Huế đã vào bờ an toàn. Các hồ đập thủy điện cũng đã xả nước từ ngày hôm qua cho đến sáng nay để điều tiết nước như thủy điện Hương Điền, thủy điện A Lưới. Riêng thủy điện Hương Điền đang gần lên đến cao trình hiện đang xả về hạ lưu với tốc độ 200m3/s. Mực nước các sông đang lên do thủy điện xả nước.

Công ty cây xanh đang chặt các nhánh ở hàng cây cổ thụ trên đường Lê Lợi, TP Huế Ảnh: Dân Trí

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ngày 14/10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số gần 44.350 tàu với hơn 180.730 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động trú tránh.

Các tỉnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã lên phương án chủ động triển khai sơ tán, di dời dân, tổng cộng hơn 38.380 hộ với gần 155.550 người của 35 huyện, thị từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Theo dự kiến, tỉnh Quảng Bình có 7 huyện, thị với 6.111 hộ với trên 27.140 người sẽ phải di dời. Tỉnh Quảng Trị có 10 huyện, thị với hơn 13.120 hộ, 43.680 người. Tỉnh Thừa Thiên-Huế có 6 huyện, thị với 3.463 hộ dân. Thành phố Đà Nẵng có 7 huyện, thị với 11.000 hộ dân và tỉnh Quảng Nam có 5 huyện, thị với 4.686 hộ dân.

Hiện nay, mực nước các sông các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. Dự báo chiều và đêm 14/10, mực nước các sông ở Tây Nguyên có dao động nhỏ, các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm. Từ đêm 14 đến ngày 16-10, trên hầu hết trên các sông khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện lũ ở mức báo động 2, một số sông từ Quảng Bình-Thừa Thiên-Huế có khả năng đạt mức báo động 3.

Các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn trong khu vực đang vận hành bình thường, dung tích hồ các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng phổ biến ở mức từ 60-80% so với thiết kế.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương chống bão số 11

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Công điện số 1616/CĐ-TTg về việc chỉ đạo đối phó với bão số 11.

Nội dung công điện nêu rõ bão số 11 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và đất liền Việt Nam. Dự báo khi đổ bộ vào đất liền sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp14 và có mưa to đến rất to.

Để chủ động đối phó với bão và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động các lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, chống bão số 11 nhằm hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra, nhất là thiệt hại về người và tài sản.

Các tỉnh, thành đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho công tác phòng, chống bão. Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển và bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão; tổ chức, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn, kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; có các phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, những nơi có khả năng ngập sâu và có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; cử người canh gác tại các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho đi qua những khu vực nguy hiểm; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ; khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng công trình; cắt tỉa cành cây bao gồm cả khu vực miền núi; chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của bão.

Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục chỉ đạo việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo và phương án sơ tán nhân dân vùng hạ du trước khi xả lũ; thực hiện đóng biển thông báo vùng xả lũ và tiến hành thường xuyên hàng năm trước mùa mưa lũ.

Các tỉnh, thành tổ chức các đoàn, phân công cụ thể lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành phụ trách địa bàn từng huyện, xã để thực hiện kiểm tra đôn đốc công tác chuẩn bị đối phó với bão, lũ theo phương châm 4 tại chỗ; công tác chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực có khả năng bị chia cắt.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp nêu trên, đặc biệt đối với các tỉnh đã bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 11, cần rà soát triển khai ngay và kiên quyết không để dân bị đói, rét.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với các cơ quan chức năng có trách nhiệm triển khai ngay việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão; rà soát ngay các phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện tìm kiếm cứu nạn và xử lý các tình huống khẩn cấp do bão số 11 gây ra...

Bão cấp 13, giật cấp 15, 16

Thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 07 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa. Cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 07 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 07 giờ này 16/10 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Nam Lào – Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Từ chiều tối nay (14/10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

Đường đi của cơn bão số 11 Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Các địa phương khẩn trương chống bão

Thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cơn bão số 11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng tập trung kiểm soát và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu trật tự, an toàn.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi tỉnh Bình Định: Đến chiều tối 13/10, tổng số tàu thuyền di chuyển đánh bắt trên các ngư trường là 7.348 tàu, với 42.150 người; trong đó neo đậu, hoạt động ven bờ trong tỉnh là 4.536 tàu với 21.200 người; khu vực Quãng Ngãi đến Quảng Ninh 189 tàu với 1.327 người; khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang 2.033 tàu với 15.067 người...

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng tập trung kiểm soát và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu trật tự, an toàn; nghiêm cấm các tàu thuyền và những người nuôi trồng hải sản ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi hải sản.

Tại Quảng Nam, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã lên phương án di dời hàng ngàn hộ dân sinh sống ở các vùng thấp trũng tại 5 huyện, thành phố gồm huyệnNúi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An.

Theo Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh, đến chiều 13/10, có 145 tàu cá (3.233 lao động) của tỉnh Quảng Nam đang hoạt động trên biển. Bộ đội biên phòng tỉnh đang tìm cách kêu gọi, cung cấp thông tin cho ngư dân trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh và cấm mọi tàu thuyền ra khơi.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn đề nghị các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước đón lũ. Hiện 32/73 hồ chứa nước thủy lợi tại Quảng Nam đã đầy nước.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân ven biển đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh bão, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.

Trong ngày 13/10, các trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi liên tục thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các chủ phương tiện chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn.

Tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, đến chiều 13/10, Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ đã hướng dẫn cho gần 800 phương tiện tàu thuyền với hơn 3.500 ngư dân vào bờ neo đậu, trú tránh bão; vận động ngư dân không ra khơi vào thời điểm này.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ sơ tán khoảng 11.000 hộ với 55.000 dân trước 12 giờ trưa nay ngày 14/10, trong đó phương châm sơ tán tại chỗ là chính, trước khi bão số 11 đổ vào thành phố.

Đà Nẵng hiện còn 52 phương tiện tàu thuyền với 511 lao động đang di chuyển vào bờ. Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan không được chủ quan với bão số 11, tăng cường kiểm tra các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”.

Tin liên quan
Tin khác