Diễn đàn do Hội Nhà báo Việt Nam, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện. Tham dự sự kiện còn có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
Toàn cảnh Diễn đàn Báo chí – cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ |
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc, quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), báo chí càng cần sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua các rào cản để hội nhập thành công.
Thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Bên cạnh đó, báo chí cũng đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, phản biện những chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp và phản biện những cách làm của chính doanh nghiệp, vì sự phát triển và lợi ích chung của đất nước…
Tại diễn đàn, đại diện nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã bày tỏ mong muốn báo chí luôn đồng hành, nhất là chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, để từ đó các cơ quan báo chí hoàn thành vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ, người dân.
Đại diện các cơ quan nghiên cứu, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, CPTPP mang lại hiệu ích rất to lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở ra cơ hội kinh doanh… Vì vậy, báo chí nên tìm hiểu kỹ các nội dung trong hiệp định này, các xu hướng mới về thương mại đầu tư, dịch chuyển về công nghệ cao… để có thể truyền tải một cách cụ thể, chính xác đến công chúng, doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận hơn với CPTPP, nhanh chóng thích nghi với “sân chơi” này.
Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã xác định báo chí là cầu nối thì “cầu” phải chắc, bền vững, báo chí phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp mọi nơi, mọi lúc, phản ánh đầy đủ, toàn diện về các vấn đề của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Kiên dẫn ra việc từ năm 2017 đến nay, có không dưới 20.000 bài viết về trạm thu phí được đầu tư dưới hình thức BOT, trong đó chủ yếu mang cái nhìn tiêu cực về doanh nghiệp đầu tư. Điều này rất khó động viên doanh nghiệp đầu tư theo hình thức này dù trên thế giới, đầu tư trạm thu phí dưới hình thức BOT đã đạt được thành công đáng kể.
Trong khi đó, nhiều ý kiến trong giới làm báo đề nghị các doanh nghiệp không né tránh, chủ động tiếp cận báo chí và quan trọng là cung cấp thông tin minh bạch, khách quan, đa chiều tới độc giả. Các doanh nghiệp cũng cần coi trọng hơn vai trò của báo chí trong xử lý khủng hoảng truyền thông. Thực tế, báo chí luôn ủng hộ doanh nghiệp và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.
Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, diễn đàn lần này đã mang đến cái nhìn tích cực trong mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp. Qua đây, sự hợp tác giữa hai bên sẽ hiệu quả hơn để cùng hoàn thành nhiệm vụ của mình.