Thời sự
Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động
Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” chính thức diễn ra tại Hà Nội và kéo dài trong suốt cả ngày hôm nay, 19/9.
TIN LIÊN QUAN

Phiên toàn thể Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019

Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam đầu tiên năm 2018 (VRDF 2018) là sự tiếp nối và kế thừa Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trước đây nhưng nội dung mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách và các vấn đề về phát triển của Việt Nam, với sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước, khu vực tư nhân… và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên, trước mắt trong các năm 2018 - 2021.

Tiếp nối thành công của VRDF 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng cho phép phối hợp với WB và các đối tác phát triển của Việt Nam để tổ chức VRDF 2019.

Toàn cảnh VRDF 2019 (Ảnh: Hồng Hạnh)

Tham dự diễn đàn dự kiến có đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới; đại diện một số quốc gia trong khu vực và thế giới có kinh nghiệm liên quan đến chủ đề diễn đàn; đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước và nước ngoài; các chuyên gia, học giả và đại diện một số cơ quan nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không chỉ tham dự và phát biểu mà sẽ còn dành thời gian thảo luận trực tiếp với các đại biểu tham dự diễn đàn.

Đáng chú ý, VRDF 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - Xã hội 10 năm lần thứ ba của mình cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn.

Do đó, VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn VRDF 2018 nhằm mục đích thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 dự kiến trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khóa XII) vào tháng 10 tới.

Ảnh: Đức Thanh

Đồng thời, VRDF 2019 sẽ cung cấp đầu vào cho việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thông qua việc đề xuất các ưu tiên, các trọng tâm cải cách và phát triển cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.

Chủ đề và nội dung của VRDF 2019 được lựa chọn mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

 
09/19/2019 08:31
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đến từ rất sớm và tranh thủ trao đổi với các chuyên gia, đại biểu
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi với các chuyên gia tại Diễn đàn (Ảnh: Đức Thanh)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đến từ rất sớm và tranh thủ trao đổi với các chuyên gia, đại biểu (Ảnh: Hồng Hạnh)
 
09/19/2019 08:40

Chính thức khai mạc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019

(Ảnh: Đức Thanh)

Tham dự và đồng chủ trì Diễn đàn tại các phiên làm việc sáng nay là Ngài Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngài Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Diễn đàn cũng có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ban ngành của Đảng, Nhà nước, chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế...

Trong sáng nay, Diễn đàn sẽ có 2 phiên thảo luận với các chủ đề về "Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập" và "Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình".

Trong phiên toàn thể buổi chiều với chủ đề "Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì điều hành.

 
09/19/2019 08:54

Việt Nam thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đường - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại VRDF 2019 (Ảnh: Đức Thanh)

Thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.

Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Hồng Hạnh.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển.  

"Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại", Bộ trưởng Dũng nhận định.

Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách.

 
09/19/2019 09:06

Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi là rất rõ ràng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức. Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định một định hướng quan trọng về thể chế là: Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đức Thanh)

Định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất - kinh doanh, tổ chức xã hội. 

Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, trong đó ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3-D, Internet vạn vật (IoT), an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. 

Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra định hướng quan tâm đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh, tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu - phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. 

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường. Ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực, tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội.

"Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng", Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, các học giả gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam.  

Trong khuôn khổ nội dung Diễn đàn lần này, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ, giải đáp, trao đổi sâu sắc, toàn diện của các quý vị tham dự Diễn đàn với ba trọng tâm chính là: Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; và Ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 
09/19/2019 09:21

Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công của mình nhưng cần cải cách táo bạo

Tham gia Diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng.

Theo ông Ousmane Dione, những thay đổi công nghệ đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, ví dụ robot, tự động hóa, in 3D... "Những điều này hết sức quan trọng với Việt Nam", ông Ousmane Dione nói.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại VRDF 2019 (Ảnh: Hồng Hạnh)

Vị Giám đốc Quốc gia của WB cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với tỷ lệ già hóa nhanh, tỷ lệ vốn đầu tư thấp, vốn và nhân lực đều cần tăng cường. "Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công của mình nhưng cần cải cách táo bạo", ông Dione nhấn mạnh.

Ông Dione mong muốn các diễn giả hôm nay sẽ tập trung thảo luận 2 lĩnh vực quan trọng, đóng góp vào lộ trình phát triển của Việt Nam trong thập kỷ tới, đó là:

Thứ nhất là tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại.

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang có tiến triển nhanh chóng, Việt Nam có cơ hội lớn để tăng năng suất, tiến tới ngưỡng toàn cầu, ông Dione nói.

Thứ hai là vấn đề liên quan tới thể chế thị trường.

Theo ông Dione, mặc dù có những thành tựu ấn tượng, song Việt Nam vẫn chưa thành công trong tạo ra thể chế thị trường có hiệu lực, hiệu quả. Điều này cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước. Làm sao có thể hiện đại hóa thị trường, tạo ra môi trường thuận lợi, trong đó các DN tư nhân có thể phát triển trở thành động lực tăng trưởng quan trọng

Những ưu tiên hành động không chỉ phải xác định rõ ràng mà còn phải tính đến sự thực tế triển khai với các bên tham gia. Đây là những gì chúng ta muốn đạt được thông qua cuộc đối thoại hôm nay, Giám đốc Quốc gia của WB nhấn mạnh.

Ông Dione chia sẻ, "Chúng tôi muốn tập trung thảo luận cách thức Việt Nam có thể sắp xếp, xây dựng nghị trình cải cách để thực hiện hành động trong thập kỷ tới. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ đổi mới sáng tạo, cởi mở mạnh dạn, đặt ra tham vọng to lớn, thiết thực và cụ thể. Chúng ta phải đảm bảo, những biện pháp chúng ta đưa ra có thể thực hiện".

 
09/19/2019 09:28
Diễn đàn bước vào phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề "Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập" (Ảnh: Đức Thanh)
 
09/19/2019 10:23

Cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân

Trình bày diễn văn chính của Phiên 1, ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho rằng, Việt Nam cần lưu ý một số điểm chính trong thực hiện cải cách thể chế pháp quyền trong giai đoạn tiếp theo. So với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm.

TS. David Dollar (Ảnh: Đức Thanh)

Ông Dollar lưu ý Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo. So với các nước ASEAN và Trung Quốc, chỉ số thu nhập bình quân đầu người của VN khá tốt. Việc Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt so với các quốc gia cùng nhóm thu nhập bình quân đầu người có thể là cơ sở tốt để Việt Nam thu thú thêm đầu tư nước ngoài. Để cải thiện thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả tốt và để làm được điều này buộc Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ, ngay cả Mỹ muốn duy trì tăng trưởng tốt vẫn phải liên tục thực hiện cải cách.

So vơi các nước trong khu vực, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân trong nước còn thấp. Đây trở thành là nghịch lý trong phát triển ở Việt Nam, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển.

Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện những năm qua, nhưng vẫn còn những yếu kém, đơn cử quy trình phá sản còn phức tạp gây khó khăn để doanh nghiệp tuyên bố phá sản và tăng quy mô thông qua hợp nhất doanh nghiệp. Việt Nam có thể nghiên cứu kết quả phát triển toàn cầu để ứng dụng vào phát triển đất nước, chẳng hạn như kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc trong tăng cường giá trị xuất khẩu. Ngay nước láng giếng Trung Quốc cũng rất thành công trong việc tăng giá trị xuất khẩu của khu vực tư nhân, biến nó trở thành nguồn lực quan trọng đảm bảo thành công, tạo thêm nhiều việc làm.

Xét đến chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam là ví dụ điển hình trong mở cửa thị trường sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chế biến chế tạo và lâu nay chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm hữu hìn. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện xu hướng xuất khẩu ngày càng nhiều sản phẩm xuất khẩu thương mại và dịch vụ như tài chính, viễn thông, sản phẩm thông minh, phần mềm…

 
19/09/2019 10:33

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập ở Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra

Theo Chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với thông lệ quốc tế, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Chẳng hạn, thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh

Một số quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, nhanh bị thay đổi, và nhiều trường hợp có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến tình trạng khó thực hiện.

Bên cạnh đó là vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh còn hạn chế; hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao như: vấn đề sở hữu và quyền sở hữu tài sản chưa được bảo đảm thực thi nghiêm minh, đặc biệt vấn đề đất nông nghiệp/ quyền sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu trí tuệ...

Ngoài ra môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch; cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018): 45% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước; FDI được hưởng ưu đãi về thuế lớn.

Thị trường đất đai nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp tồn tại nhiều bất cập, như quy mô đất nông nghiệp của các hộ nông nghiệp ít thay đổi, nhỏ lẻ, manh mún, gây rất nhiều khó khăn cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển lớn.

Hiện còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cồn hạn chế; tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn thấp. Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm... Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Trung ương và tính năng động, chịu trách nhiệm của địa phương.

Từ đó, vị chuyên gia này nêu đề xuất một số định hướng hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trước hết, phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường. Nếu chúng ta không đi trước 1 bước trong xây dựng thể chế chính sách, thì vô hình chung trở thành rào cản cho phát triển.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội.

Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường đất, quyền sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận mua bán theo thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh.

Nhà nước tiếp tục chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước nên tập trung thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, khoáng sản, tài nguyên...) theo cơ chế thị trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nhà nước cần xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích (xung đột nhóm lợi ích, cục bộ giữa các bộ phận quản lý khá rõ trong thời gian qua), cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp.

 
19/09/2019 10:40

Đa dạng hóa nguồn vốn để “tiếp nhiên liệu” cho tăng trưởng kinh tế

Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có những nền tảng kinh tế khá vững chắc nên được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư.

Ông Alatabani (Ảnh: Đức Thanh)

Nói đến tự do hóa tài chính không phải là vấn đề đóng hay mở thị trường, mà nói đến quá trình giảm kiểm soát pháp lý với dòng vốn ra vào một quốc gia, đặc biệt là thu hút dòng vốn vào phát triển các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sản phẩm mới. Đổi lại, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý đảm bảo cho hoạt động thị trường.

Bài học kinh nghiệm thế giới cho thấy tự do hóa tài chính nhanh chóng thường không thành công, khi tự do hóa tài chính phải được xem xét thấu đáo về cách tiếp cận tự do hóa tài chính, như cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990.

Dẫn quan điểm của IMF, ông Alatabani cho rằng cần ưu tiên tự do hóa các dòng vốn ổn định hơn như FDI trước, cùng với đó là củng cố thể chế cho dòng vốn này, ban hành những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và chú trọng cải cách mạnh mẽ.

Việt Nam thu hút được nhiều FDI, đặc biệt kể từ 2015. Vấn đề đặt ra là làm sao liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước, tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước… mở cửa thị trường tài chính và chứng khoán hơn nữa. Trước đây Việt Nam thường phụ thuộc vào kênh ngân hàng để cung cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng nay cần đa dạng hóa nguồn vốn để “tiếp nhiên liệu” cho tăng trưởng kinh tế.

 
09/19/2019 10:50

Chúng ta nói nhiều về mô hình kiến tạo phát triển nhưng hành xử theo mô hình điều chỉnh

Trình bày tham luận với chủ đề "Một số vấn đề đặt ra về hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, về mặt chính trị, Việt Nam đã cải cách nhiều hơn Trung Quốc.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng (Ảnh: Đức Thanh)

"Vấn đề đặt ra là chọn một hệ chuẩn và vận hành phát triển bộ máy theo hệ chuẩn đó. Chúng ta dã lột xác một nửa thì nên lột xác tiếp", ông Dũng nói và khẳng định, Việt Nam đã bỏ mô hình kế hoạch hóa từ năm 1986.

Theo ông Dũng, có 2 mô hình có thể theo là mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kiến tạo phát triển. Chúng ta nói nhiều về mô hình kiến tạo phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng hành xử ngày càng theo mô hình điều chỉnh như Anh, Mỹ. "Nếu theo mô hình điều chỉnh, rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình", ông Dũng lưu ý.

Trong khi đó, văn hóa Đông Bắc Á là cơ sở để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển và Việt Nam có văn hóa này.

Một vấn đề nữa được ông Dũng nêu ra là hiện nay, không có sự phân định đủ rõ ràng giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ, ví dụ như Bộ trưởng làm tư lệnh ngành, công chức hành xử như chính khách..., tạo ra hệ lụy là mọi người đều bận, chuyên nghiệp hóa khó khăn, chính sách thực thi chậm.

Giải pháp cho tình trạng này, theo ông Dũng là cần phân định rõ ràng giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Theo đó, Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng là các chính trị gia chuyên làm chính sách; Bộ máy phía dưới là các công chức chuyên thực thi chính sách. Hình thành chức danh Tổng công vụ trưởng, các chức danh quốc vụ khanh. Một phương án khác là hình thành chức danh Tổng thư ký Chính phủ và Tổng thư ký các Bộ (Tổng thư ký Chính phủ đảm nhận vai trò Tổng công vụ trưởng).

Dẫn chứng vụ cháy Nhà máy Rạng Đông không rõ trách nhiệm là cấp nào, ông Dũng đề nghị phải phân quyền cho địa phương, ưu tiên địa phương, để cho địa phương xác lập. "Phân quyền cho địa phương thì đất nước sẽ thịnh vượng nhanh hơn rất nhiều", ông Dũng nói.

Nêu ra một số mô hình của các quốc gia trên thế giới như song trùng giám sát, song trùng trực thuộc, nhà nước điều chỉnh, nhà nước bổ trợ..., ông Dũng cho biết, ông thiên về theo mô hình bổ trợ, cấp dưới làm được thì phân quyền, cái gì cấp dưới không làm được thì mới đẩy lên cấp trên.

 
19/09/2019 10:59

Theo TS. Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali, cải cách thể chế thì không có bản sơ đồ, thiết kế nào, mà tất cả phụ thuộc vào cấu trúc lịch sử, xã hội, kinh tế của mỗi quốc gia và thể chế được điều chỉnh cho phù hợp.

TS. Jonathan Pincus (Ảnh: Đức Thanh)

Theo ông Pincus, có 3 vấn đề trong quá trình cải cách đã khiến cho việc thực thi chính sách tại Việt Nam trở nên khó khăn, đó là phân mảnh về quyền lực, các cơ quan nhà nước cùng muốn nắm giữ quyền lực trong các lĩnh vực chính sách. Thứ hai là thương mại hóa nhà nước, các cơ quan nhà nước có lợi ích vật chất trong việc quản lý, mua bán tài sản nhà nước. Thứ ba là tinh thần thực tài bị suy yếu, Chính phủ gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng được những cán bộ trẻ tài năng, được đào tạo tốt và có tinh thần cống hiến cho xã hội do cạnh tranh thu hút nhân lực ngày càng gia tăng.

Từ đó, ông Pincus đề xuất 3 phương thức tăng cường hiệu quả các thề chế chính quyền.

Thứ nhất là hợp lý hóa, bảo đảm tính tập trung trong công tác tổ chức, nhân sự.

Thứ hai là kỷ luật thị trường: Minh bạch hơn trên thị trường đất đai và tín dụng; tách biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp được cổ phần hóa với cơ quan quản lý; giám sắt chặt chẽ hơn và thực thi nghiêm các quy định về hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Thứ ba là thực thi trách nhiệm giải trình vởi người dân, áp dụng Chính phủ điện tử và truyền thông xã hội để tăng cường minh bạch và sự tham gia của người dân trong việc ra quyết định của nhà nước.

 
09/19/2019 11:05

Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam rất khó thực hiện do bộ máy hành chính rất kém

Phiên 1 của Diễn đàn bước vào phần thảo luận.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam không phải mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mà cũng chẳng phải mô hình nhà nước điều chỉnh.

“Trên thực tế, Việt Nam là nhà nước sở hữu, kiểm soát và thương mại hóa. Đó là thực tế của nhà nước. Dù cải cách môi trường kinh doanh thế nào đi nữa, thì như ta thấy, vẫn là nhà nước sở hữu, kiểm soát va thương mại hóa”, ông Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung, hai mô hình nhà nước mà TS. Nguyễn Sĩ Dũng đưa ra đều “tuyệt vời so với thực tế hiện nay”. Ông nói mô hình nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam rất khó thực hiện do bộ máy hành chính rất kém.

“Nhà nước muốn kiến tạo thì năng lực bộ máy phải cực kỳ tốt. Do đó, nếu nhà nước yếu kém thì nhà nước nên tập trung vào cái cốt lõi mà nhà nước phải làm, không nên làm lan man. Tôi cho đó là điều hiện thực hơn”, ông Cung nói.

Nguyên Viện trưởng CIEM cũng cho rằng Việt Nam khó lòng bắt chước Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguyên do là hai quốc gia này đều đã thống nhất với nhau về những nguyên tắc cơ bản để xây dựng kinh tế thị trường, còn Việt Nam thì chưa.

“Ta khác xa với họ, vì thế ta khó lựa chọn một thứ gì như nơi khác đã có”, ông Cung nói.

Phần thảo luận Phiên 1 (Ảnh: Đức Thanh)
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM tham gia ý kiến với Diễn đàn (Ảnh: Đức Thanh)
PGS-TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển đặt câu hỏi với các diễn giả (Ảnh: Đức Thanh)
 
09/19/2019 11:11

Diễn đàn bước vào phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề "Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình"

Chủ tọa của phiên thảo luận là GS.TS. Dương Nguyên Vũ, Giảng viên Trường Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không Vũ trụ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý không lưu, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Diễn giả là bà Mari Elka Pangetsu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo của Indonesia.

Các diễn giả tham gia thảo luận gồm GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST), Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc; Ông Dave Sivaprasad, GĐ Điều hành và Thành viên hợp danh của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), Trưởng văn phòng BCG tại Kuala Lumpur; ThS. Thạch Lê Anh, Người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV); GS. Massimo Piccardi, Trưởng khoa Xử lý và Phân tích tín hiệu, Trường Kỹ thuật điện và dữ liệu (SEDE), Đại học Công nghệ Sydney (UTS).

Phiên thảo luận thứ hai của VRDF (Ảnh: Đức Thanh)
 
09/19/2019 11:28

FDI vẫn là kênh để Việt Nam hấp thụ công nghệ tiến bộ

Là diễn giả chính của phiên số 2, bà Mari Elka Pangestu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo của Indonesia cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên phát triển 1 số lĩnh vực, gồm công nghiệp chế tạo trong đó chú trọng hỗ trợ những doanh nghiệp ở tầng thấp (doanh nghiệp vừa và nhỏ), dịch vụ, số hóa. Việt Nam, Indonesia và Maylaysia có mức số hóa khá tương đồng. Mức số hóa lớn tạo tiềm năng để Việt Nam phát triển các ngành dịch vụ liên quan.

Bà Mari Elka Pangetsu (Ảnh: Đức Thanh)

Tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục dựa vào FDI, đây vẫn là kênh để Việt Nam hấp thụ công nghệ tiến bộ từ các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, để hấp thụ được những công nghệ tiên tiến, Việt Nam cần có sự chuẩn bị về mặt nhân lực để đáp ứng nhu cầu các ngành, doanh nghiệp, trong đó cần gắn kế hoạch phát triển nhân lực vào kế hoạch phát triển chung.

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Mari Elka Pangestu khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, tăng cường liên kết trong các chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung về phát triển mật độ công nghiệp, thu hút nhân tài nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, hợp tác kết nối giữa cơ sở nghiên cứu và cơ sở giáo dục… hướng đến tăng năng suất.

Việt Nam cũng như Indonesia có nhiều điểm tương đồng về trình độ phát triển, chúng ta cần tham vọng có tương tác giữa người và máy móc, nhất là trong công nghệ sinh học. Đồng thời chúng ta cũng từng bước máy móc hóa hoạt động sản xuất. Indonesia cũng gặp phải vấn đề năng suất như Việt Nam.

Trung Quốc và Đài Loan đã khá thành công trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực ra chúng ta có thể đạt được bước nhảy vọt trong sản xuất, ví dụ Việt Nam có thể tập trung phát triển xe điện trong bối cảnh hiện nay, đồng thời tận dụng cơ hội từ trí tuệ nhân tạo, công nghệ để giúp phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ nên kiến tạo hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bằng cách đề ra những chính sách thể chế giúp doanh nghiệp phát triển, bà đề xuất.

 
19/09/2019 11:35

Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua xây dựng nền kinh tế CNTT

Theo GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST), Hàn Quốc từng là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới với GNP bình quân đầu người là 82 USD, chủ yếu dựa vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 60% việc làm...

Giáo sư Sungchul Chung (Ảnh: Đức Thanh)

Trong những năm 1970 nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng bình quân hàng năm cao 10,1%, nhưng thập niên 1980 tăng trưởng còn 8,6% và thập niên 1990 là 7,7%. Nhận thấy tăng trưởng theo chiều hướng đi xuống, Hàn Quốc quyết định chuyển hướng tăng trưởng dựa vào công nghệ thông tin.

Đầu những năm 80, Hàn Quốc rất quan tâm phát triển công nghệ thông tin vì đây là ngành tận dụng được tri thức và không tốn nhiều lao động. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh công tác R&D dựa trên khu vực tư nhân.

"Chúng tôi sớm nhắm vào mục tiêu ưu tiên những công nghệ có tiềm năng thương mại lớn hơn, những dự án lớn có thể hợp tác liên bộ... Qua đó, đưa Hàn Quốc là “đối thủ” lớn về CNTT trên toàn cầu", Giáo sư Chung chia sẻ.

Theo Giáo sư, nguồn nhân lực là chìa khóa để hiện thực hóa nền kinh tế CNTT. Trong nền kinh tế CNTT, chúng ta cần “lực lượng lao động tri thức” chứ không phải “lực lượng lao động công nghiệp”. Một quốc gia phải được chuẩn bị về mặt công nghệ để thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế CNTT. Tính sẵn sàng về công nghệ chỉ có thể có được thông qua R&D và học hỏi, điều này đòi hỏi năng lực và đầu tư hấp thụ công nghệ lớn.

Để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế CNTT, chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ trong quá trình thiết kế chính sách mà cả khi xây dựng cơ sở hạ tầng.

Kinh nghiệm Hàn Quốc chứng minh rằng cạnh tranh cũng mang lại hiệu quả trên thị trường dịch vụ truyền thông. Đồng thời, nên khuyến khích tư nhân hóa và tự do hóa các ngành thông tin và truyền thông, Giáo sư nói.

 
09/19/2019 12:00

Chính phủ nên đầu tư vào start-up thông qua các quỹ đầu tư

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới về đầu tư mạo hiểm, bà Thạch Lê Anh, Nhà sáng lập của Vietnam Silicon Valley cho rằng, đây là động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo.

Bà Thạch Lê Anh (Ảnh: Đức Thanh)

Dẫn chứng cho điều này, bà Thạch Lê Anh cho biết, tại Mỹ, tổng đầu tư mạo hiểm cho start-up năm 2016 là 69,1 tỷ USD, tương đương 0,37% GDP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được đầu tư bởi quỹ đầu tư mạo hiểm tạo ra 11% việc làm ở khu vực tư nhân và đóng góp 21% GDP của Mỹ. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, bà Lê Anh chia sẻ về câu chuyện của 1 nhà đầu tư ngoại đã đợi 1 năm nay vẫn chưa xin được giấy phép thành lập quỹ đầu tư cho start-up. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về start-up, nhưng số tiền thực sự vào Việt Nam chỉ chiếm 1%. Got It nhận 12 triệu USD nhưng tại Mỹ, Lozi được định giá hơn 30 triệu USD nhưng cũng nhận vốn từ Singapore chứ không phải Việt Nam, bà Lê Anh cho hay.

Theo bà Lê Anh, Việt Nam thường lo lắng về những rủi ro khi đầu tư, "nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm như các quốc gia khác vì chúng ta có những accelerator và công ty quản lý quỹ", bà nói.

Bà gợi ý, Chính phủ thay vì tăng ngân sách thông qua thu thuế, tại sao không có các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, từ đó nâng cao ngân sách mà còn là "vốn mồi" thu hút tư nhân đầu tư.

Bà Lê Anh cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài chai sẻ với bà rằng nếu Việt Nam có 30% vốn đầu tư từ Chính phủ thì họ có 70% đầu tư từ khối tư nhân đầu tư cùng.

"Chúng ta nên xem xét lại thi Chính phủ nên đầu tư vào start-up, nhưng không đầu tư trực tiếp mà thông qua các quỹ tư nhân. Bên cạnh đó, Việt Nam nên có bộ luật về đầu tư mạo hiểm, như vậy mới “cover” được mọi vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm", bà nói.

 
09/19/2019 12:20

Nói về vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI), theo GS. Massimo Piccardi, AI có một số kỳ vọng thổi phồng nhưng không thể phủ nhận, bởi nó mang lại nhiều sự chuyển đổi to lớn về năng lực.

GS. Massimo Piccardi (Ảnh: Đức Thanh)

AI được các phương tiện truyền thông xã hội sử dụng để nhận diện khuôn mặt, giọng nói, phân tích dữ liệu từ dữ liệu lớn để biết được sở thích, xu hướng trên mạng xã  hội.

Thứ hai là chẩn đoán trong y tế, ví dụ như bệnh võng mạc tiểu đường. Đây là ứng dụng mới, tiên tiến của AI và sẽ được ứng dụng trong nhiều nữa, ví dụ chẩn đoán ung thư.

Ngày nay, AI và robot tự trị có thể xây dựng cả ngôi nhà.

AI có thể chỉnh sửa hàng loạt (batch size one), xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tóm tắt văn bản, tự động trả lợi, thậm chí nói chuyện khi bạn cảm thấy cần trò chuyện.

Theo ông Massimo Piccardi, AI đang rất phát triển tại Việt Nam và ứng dụng trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ…Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn phải cải thiện nhiều. Một số vấn đề có thể nêu như số lượng kỹ sư có trình độ cao còn ít, cơ sở hạ tầng dữ liệu và chất lượng dữ liệu còn hạn chế, doanh nghiệp chưa có động lực đầu tư vào AI để tự động hóa vì chi phí lao động còn thấp.

 
09/19/2019 13:00

Nền kinh tế đổi mới sáng tạo sẽ giúp chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình

Trả lời câu hỏi của GS.TS. Dương Nguyên Vũ, Giáo sư Sungchul Chung cho biết, Hàn Quốc trong thập niên 80 quyết định phải có chuyển đổi về cấu trúc vì giai đoạn đó đã chậm về tăng trưởng. Quyết định là chiến lược, buộc phải đưa ra vào thời điểm đó. Vì sao là CNTT, vì không cần sử dụng nhiều nguồn lực và phù hợp với Hàn Quốc.

Yếu tố thứ hai là về xã hội, kinh tế. Dựa trên phân tích thời điểm đó, theo OECD, có nhiều tiềm năng kinh tế lớn đến từ công nghệ mới, ví dụ như IT, hàng không, vũ trụ. Sau khi đánh giá, chúng tôi đánh giá IT là phù hợp nhất, xét trên góc độ tiềm năng lao động, tăng trưởng, thay đổi mạnh mẽ…

Thập niên 70, chúng tôi theo đuổi chiến lược phát triển dựa vào cơ giới hóa, dựa vào sản xuất mặt hàng điện tử.

Đối với IT, thập niên 90 chúng tôi đủ sẵn sàng để chuyển sang IT. Đó là tính thời điểm và sự chuẩn bị sẵn sàng trước đó.

Kết luận phiên thảo luận thứ 2, ông Dương Nguyên Vũ cho rằng, các vấn đề đặt ra bao gồm làm sao có thể xây dựng nguồn nhân lực từ bây giờ cho đổi mới sáng tạo. Ông Vũ cho rằng, giáo dục là trách nhiệm không chỉ của nhà nước mà là cả xã hội, trong đó các doanh nghiệp cũng cần tham gia.

Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc. Chúng ta cần làm sao có bước thay đổi hoàn toàn và nền kinh tế đổi mới sáng tạo sẽ giúp chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, ông Vũ khẳng định.

Phát biểu tổng kết và bế mạc Phiên 1 và Phiên 2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ cảm ơn tới các diễn giả, người điều hành các phiên thảo luận. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các ý kiến, nội dung tại 2 phiên thảo luận rất hay và thú vị. Tất cả những ý kiến này sẽ được tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên toàn thể diễn ra chiều nay.

Báo Đầu tư Online sẽ tiếp tục cập nhật các nội dung của Phiên toàn thể Diễn đàn VRDF.

Tin liên quan
Tin khác