Điểm yếu cố hữu: Liên kết nội - ngoại kém
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà VBF giữa kỳ năm 2018 lại chọn chủ đề chính là “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - Hợp tác cùng hướng tới lợi ích chung”. VBF giữa kỳ năm 2017, chủ đề “Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế” cũng đã được tập trung thảo luận.
Các chuyên gia trao đổi bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2017. Ảnh: Đức Thanh |
Việt Nam đang tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và một trong những điểm yếu thường được nhắc đến là sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo. Điều này đã lại một lần nữa được khẳng định trong các cuộc hội thảo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây, để chuẩn bị cho tổng kết 30 năm thu hút FDI, về thu hút và chuyển giao công nghệ, về lao động trong các doanh nghiệp FDI…
Liên kết còn lỏng lẻo, cho dù lũy kế đến nay, có 25.953 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 331,24 tỷ USD. Vì liên kết còn lỏng lẻo, nên chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI sang khu vực nội địa còn chậm, chưa được như kỳ vọng. Vì liên kết còn lỏng lẻo, nên giá trị gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 80,9 tỷ USD trong 6 tháng qua của khu vực FDI không lớn.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng 14% số doanh nghiệp tư nhân trong nước đang có khách hàng là doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam và cũng chỉ có khoảng 27% nguyên liệu, hàng hóa đầu vào của khối FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể là mua từ các doanh nghiệp FDI khác. Điều này hạn chế cơ hội để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn FDI.
“Chúng tôi cho rằng, tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam là yêu cầu hết sức quan trọng để Việt Nam vươn lên nắm giữ những vai trò hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Cũng theo vị đại diện này, trách nhiệm của Chính phủ là đề ra những quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thông thoáng tối đa, trong khi vẫn bảo đảm kỷ cương chặt chẽ.
Cụ thể, theo vị này, phải làm thế nào để hai phía, gồm doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và doanh nghiệp FDI với nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn, tăng cường tiếp cận được các nguồn lực mà doanh nghiệp cần như con người, sản phẩm, vốn.
Hướng tới lợi ích chung
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6, diễn ra trong 2 ngày 2 - 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một mặt nhấn mạnh những thành tựu quan trọng mà nền kinh tế đã đạt được trong nửa đầu năm, với tăng trưởng GDP đạt 7,08% - cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, một mặt vẫn chỉ đạo cần tiếp tục bổ sung động năng mới cho tăng trưởng kinh tế trong 2 quý còn lại của năm 2018.
“Đất nước phát triển nhiều mặt, nhưng GDP tính theo đầu người còn thấp. Phải trăn trở điều này để chúng ta đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp mới”, Thủ tướng nói.
Cũng cần nhắc lại một điều rằng, kể từ sau khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi mà khu vực trong nước gặp nhiều khó khăn, thì khu vực FDI đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Động lực này lớn đến nỗi đã khiến nảy sinh quan điểm phiến diện rằng, khu vực FDI đang “chèn lấn” khu vực trong nước, rằng kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI. Chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu, khu vực FDI đã đóng góp trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những nhận định như vậy là “chưa công bằng”. Bởi lẽ, khu vực kinh tế FDI đã trở thành một thành phần không thế thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng.
“Tư tưởng kìm hãm là rất nguy hiểm. Điều quan trọng là làm sao để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế FDI, tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực, bổ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Như vậy, chúng ta sẽ có một nền kinh tế khỏe mạnh, đi bằng cả hai chân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Một khi nền kinh tế có cả “hai chân” đều khỏe, thì đó chính là câu trả lời cho câu hỏi của Thủ tướng về việc tìm ra những “động năng tăng trưởng mới” của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, cũng phải thấy rằng, dù liên kết chặt chẽ nội - ngoại luôn là mong muốn từ bao lâu nay của không chỉ Chính phủ Việt Nam, mà của cả cộng đồng doanh nghiệp nội - ngoại, nhưng tại sao lại chưa thể làm tốt? Câu trả lời có thể sẽ hé mở tại các phiên thảo luận của VBF hôm nay.