. |
Cộng đồng kinh doanh trong nước và nước ngoài đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng. Họ muốn không chỉ là một phần của nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ là bộ phận sẽ tận dụng tối đa những cơ hội mà Chính phủ hành động đang kiến tạo, mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế Việt Nam.
Đây là lý do nhiều ý kiến, khuyến nghị của cộng đồng kinh doanh tiếp tục đeo bám các đề xuất thúc đẩy mạnh hơn các cải cách thể chế, pháp lý, tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số, để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực tế, nhiều nội dung trên chính là những cam kết mà Chính phủ đã đưa ra tại VBF 2018 (diễn ra vào tháng 12/2018) và trong nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ cũng cam kết tạo lập môi trường kinh doanh rộng mở, công bằng và chi phí thấp, tạo thuận lợi thương mại hơn nữa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cũng như điện tử hóa các thủ tục hành chính...
Tuy vậy, tốc độ và chất lượng các nỗ lực cải thiện tiếp tục là điều mà cộng đồng kinh doanh muốn đẩy nhanh hơn, có kết quả thực chất hơn.
Phải thẳng thắn, sự thành công hay thất bại, hiệu quả thấp hay cao, thậm chí là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ít hay nhiều, doanh nghiệp chọn cách kinh doanh chộp giật hay dài hạn... phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh.
Sau hơn 30 đổi mới, Việt Nam đang là nơi đặt chân của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia. Sự hiện diện của Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike và hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam, như Viettel, Vietcombank, BRG, T&T, Hòa Phát, Vietjet... cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Đặc biệt, trong xu thế phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội đi nhanh, vượt qua các giới hạn truyền thống, để không chỉ tham gia, mà còn thiết lập các chuỗi giá trị sản xuất mới.
Chính sự lớn mạnh, phát triển đa dạng của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam đang là điều kiện cần để kinh tế Việt Nam có thể đi nhanh, thậm chí vượt qua các giới hạn tăng trưởng hiện tại để bứt phá trong những năm tới.
Nhưng, điều kiện đủ vẫn là môi trường thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh. Một thể chế thuận lợi cho sự phát triển đồng bộ của các loại thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; một thể chế nguồn lực được phân bổ theo thị trường; một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, an toàn cho kinh doanh sẽ là nền tảng cho doanh nghiệp chọn con đường phát triển bền vững, chọn khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo là trục chính cho sự phát triển.
Và ngược lại, một thể chế xin - cho, môi trường kinh doanh khó tiên liệu, không minh bạch, không công bằng, nhiều rào cản... sẽ tạo ra những doanh nghiệp sống dựa vào các mối quan hệ, lớn lên nhờ các nguồn lực có được nhờ xin và được cho. Trong môi trường này, không có một cơ hội nào cho các kế hoạch đầu tư đổi mới, sáng tạo...
Như vậy, khi giới kinh doanh muốn nhấn mạnh vai trò của mình, muốn cộng hưởng trách nhiệm cùng Chính phủ trong nỗ lực đưa nền kinh tế phát triển nhanh gắn với bền vững, họ cũng đang đặt áp lực cải cách mạnh mẽ hơn cho Chính phủ.