Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) ngồi giữa. Ảnh: Đức Thanh. |
Theo ông Kim Han Yong, doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp nhiều vướng mắc do giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt là 4 giờ/tuần, 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm, chỉ với một số ngành nghề cần tập trung nhiều lao động mới được mức 300 giờ/năm.
Trong khi đó, năng suất lao động Việt hiện còn khá thấp, không đảm bảo sản xuất cho các doanh nghiệp có tính thời vụ, phải đảm bảo tiến độ hợp đồng.
“Điều này hạn chế cả với người lao động và người sử dụng lao động”, ông Kim Han Yong nhấn mạnh.
Chủ tịch Kocham cũng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Do đó, để tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư này, cần phải nới rộng giới hạn này thêm.
“Tại Hàn Quốc công nhận số giờ làm thêm khoảng 600 giờ/năm, tức 12 giờ/tuần, trong khi Việt Nam lại áp trần mức 200 giờ/năm”, ông Kim Han Yong chia sẻ.
Cùng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, sửa đổi Luật lao động cần theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ. Đồng thời, không sử dụng hệ thống trả công lũy tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các doanh nghiệp.
Báo cáo của Nhóm công tác Nguồn Nhân lực của VBF 2019 cũng cho thấy, việc nới lỏng mức trần của số giờ làm thêm là đáng hoan nghênh. “Nhưng vẫn cần lưu ý rằng giới hạn này vẫn còn thấp hơn mức trung bình của khu vực".
"Chúng tôi đề xuất các văn bản hướng dẫn thực hiện không cấm nhân viên làm việc thêm giờ vượt quá mức trần này nếu họ có nguyện vọng để tăng thêm thu nhập”, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm công tác Nguồn Nhân lực VBF 2019 cho biết.
Trước đó, năm 2013 khi sửa đổi Bộ luật Lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị phương án nới lỏng số giờ làm thêm 1 năm lên 360 giờ.
Mới đây, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục đưa đề xuất vấn đề này, theo đó nâng mức giới hạn giờ làm thêm lên 300 giờ/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động cho rằng khung giờ làm thêm này chưa đủ bù đắp thiếu hụt về năng suất lao động thấp.