Chuyển đổi số - Kinh tế số
Diễn đàn Franconomics 2023: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số
Dương Ngân - 17/10/2023 20:42
Nhân văn số đang ngày càng trở thành một xu hướng nghiên cứu nổi bật trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đòi hỏi sự ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông một cách sâu sắc.

Diễn đàn quốc tế Pháp ngữ Franconomics được tổ chức từ năm 2019, trải qua 5 năm thực hiện, đã trở thành hoạt động thường niên quan trọng trong hoạt động khung của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Tổ chức Đại học Pháp ngữ.

Định hướng đến năm 2030, Đại học quốc gia Hà Nội cơ bản trở thành đại học số.

Đặc biệt, Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ V năm 2023 được tổ chức trong bối cảnh Kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội và cũng là tròn 30 năm thành lập IFI, 30 năm thành lập AUF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Diễn đàn Franconomics-2023 tổ chức ngày 17/10, PGS-TS.Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc thường trực Đại học quốc gia Hà Nội cho hay, nhân văn số đang ngày càng trở thành một xu hướng nghiên cứu nổi bật trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đòi hỏi sự ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông một cách sâu sắc.

Đặc biệt, trong bối cảnh, sự bùng nổ các cuộc cách mạng khoa học công nghệ cùng quá trình toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng trên nhiều phương diện đã tạo nên sự dịch chuyển và liên kết chặt chẽ giữa các khoa học đơn ngành.

Những thách thức lớn ngày nay sẽ không thể được giải quyết chỉ bằng một nguyên tắc duy nhất mà phải bằng việc tích hợp kiến thức, phương pháp và chuyên môn từ các ngành khoa học và kỹ thuật khác nhau.

Nếu như trước đây chúng ta thường nghe nhắc tới các thuật ngữ nghiên cứu đa ngành, liên ngành thì xu hướng nghiên cứu hiện nay lại chuyển dịch sang nghiên cứu xuyên ngành và nghiên cứu hội tụ.

Nghiên cứu đa ngành là sự tiếp cận một vấn đề từ nhận thức của một số ngành, chuyên ngành nhất định, trong đó mỗi chuyên ngành có một đối tượng nghiên cứu riêng và thường giải quyết những vấn đề chuyên biệt của ngành mình, ít có tính liên kết.

Nghiên cứu liên ngành nói đến một hình thái cùng làm việc mang tính hợp tác và định hướng hội nhập giữa các nhà nghiên cứu từ những bộ môn khoa học khác nhau.

Nghiên cứu xuyên ngành là sự kết hợp giữa các ngành khoa học và phi khoa học như văn hóa, đạo đức, lối sống, vượt lên mọi ranh giới giữa các ngành, giữa khoa học và các lĩnh vực xã hội khác.

Nghiên cứu hội tụ là sự kết hợp của nghiên cứu xuyên ngành, bản ngã và AI. Nghiên cứu hội tụ tập trung vào giải quyết các vấn đề phức tạp trong khoa học, kỹ thuật và xã hội, đáp ứng nhu cầu nhận thức thế giới hiện đại với rất nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra.

Có thể nói, hiện nay, AI đang tồn tại như một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. AI có thể giúp con người tăng tốc độ xử lý thông tin và trí tuệ của họ, giúp cho các quyết định được đưa ra nhanh hơn và chính xác hơn.

Thoạt nhìn, sự tối tân, hiện đại do công nghệ tạo ra mang lại cảm giác nhân loại đang phát triển, đi tới; nhưng ngẫm kỹ lại, cũng có thể ta đang đi lùi. Con người đang tiến xa về mặt tiện nghi, năng suất nhưng một bộ phận nhất định lại đang trở nên lười biếng và mất đi dần giá trị trong xã hội.

Trong bối cảnh chuyển đổi số với sự hiện diện đáng kể của ngày càng nhiều các công nghệ hiện đại, khoa học xã hội và nhân văn có nhiều cơ hội phát huy thế mạnh của mình, đặc biệt trong việc giúp kết nối các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thông qua việc ứng dụng công nghệ mới vào các ngành khoa học nhân văn, gìn giữ các nền văn hoá và xa hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.

Giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Nhân văn số không chỉ đơn thuần là việc sử dụng công nghệ, mà còn là việc đảm bảo rằng con người vẫn đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động.

Phó giám đốc thường trực Đại học quốc gia Hà Nội mong rằng, thời gian tới chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận và nêu bật được những giá trị của ICT, phát huy vai trò của con người trong chuyển đổi số.

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, Đại học quốc gia Hà Nội xác định chuyển đổi số vừa là cơ hội, vừa là nhiệm vụ sống còn trên con đường phát triển.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hoàng Hải, định hướng đến năm 2030, Đại học quốc gia Hà Nội cơ bản trở thành đại học số. Chuyển đổi số đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các cấp trong Đại học quốc gia Hà Nội hướng đến hình thành một môi trường số an toàn, hiệu quả phục vụ nhu cầu đạo tạo, nghiên cứu của Đại học quốc gia Hà Nội, xứng đáng với vai trò của một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội luôn coi chuyển đổi số là nền tảng thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, khai thác tư liệu, đánh giá kết quả nghiên cứu.

Đại học quốc gia Hà Nội cũng đã có những hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, tiêu biểu như Dự án Vietnamica của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn là dự án nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) tài trợ.

Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 5 năm, từ 2019 đến 2024 và trên một địa bàn rộng lớn gồm Việt Nam, Pháp và một số quốc gia châu Âu khác.

Đại học quốc gia Hà Nội cũng đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để số hóa dữ liệu văn bản Hán Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tại kho tư liệu của Đại học quốc gia Hà Nội nhằm tạo kho dữ liệu dùng chung cho cộng đồng các nhà nghiên cứu; Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm hỗ trợ biên soạn trong nhiệm vụ “Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu địa chí quốc gia Việt Nam” nhằm tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý tiến độ và hỗ trợ thuận tiện cho công tác biên soạn nội dung Mục.

Ngoài ra, Đại học quốc gia Hà Nội cũng đang triển khai thí điểm đào tạo trực tuyến, trong đó hoàn thiện mô hình, phương thức, phương pháp đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng.

Chính vì vậy chủ đề “nhân văn số” mà Ban tổ chức lựa chọn năm nay là chủ đề không chỉ thiết thực, có tính ứng dụng với Đại học quốc gia Hà Nội mà còn bám sát dòng chảy thời sự, nắm bắt được hơi thở thực tiễn đang đặt ra những vấn đề cấp thiết.

Với những thành công mà Franconomics đã đạt được trong 5 năm qua, lãnh đạo Đại học quốc gia Hà Nội tin tưởng rằng những kết quả mà Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ V năm 2023 mang lại sẽ càng làm tăng uy tín, và tiếp tục khẳng định Franconomics là một thương hiệu không chỉ của IFI, của Đại học quốc gia Hà Nội mà của cả cộng đồng Pháp ngữ.

Tin liên quan
Tin khác