Sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần IX - TP. Cần Thơ 2022 |
Kết nối sản phẩm OCOP
Với chủ đề Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022, Diễn đàn có sự góp mặt của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các sở, ngành, đơn vị cấp huyện của các tỉnh ĐBSCL và một số địa phương khác trên cả nước; các tổ chức xúc tiến thương mại, các đơn vị được giao chủ trì triển khai thực hiện Chương trình OCOP..., với quy mô trên 350 gian hàng.
Lễ khai mạc vào lúc 19 giờ ngày 28/4/2022 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao Đồng Tháp. Diễn đàn chia thành từng khu vực, trong đó có Không gian triển lãm sản phẩm OCOP; chuỗi các sự kiện hội nghị, hội thảo.
Bên cạnh đó là Không gian triển lãm sản phẩm dự thi và tôn vinh sản phẩm đạt giải tại Hội thi Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL năm 2022; Không gian giới thiệu các sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc (do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện); Khu vực ẩm thực (bao gồm hoạt động tổ chức Hội thi ẩm thực); Khu vực gian hàng thương mại; Khu triển lãm sinh vật cảnh; Khu vực biểu diễn nghệ thuật…
Theo Ban Tổ chức, Diễn đàn bao gồm chuỗi sự kiện ấn tượng, nhằm tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSCL, giữa vùng ĐBSCL với các bộ, ngành và với các địa phương khác trên cả nước, làm cơ sở để đẩy mạnh và phát huy tiềm năng về sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL. Quảng bá, giới thiệu và xây dựng hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm OCOP gắn với văn hóa của vùng ĐBSCL nói chung và đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp, nhất là tăng cường quảng bá và giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị văn hóa du lịch ĐBSCL.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn cho biết, là sự kiện thường niên của vùng, Diễn đàn là không gian tăng cường kết nối tiêu thụ - mở rộng thị trường, giao lưu, chia sẻ và hợp tác trong sản xuất, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL với nhau và giữa vùng ĐBSCL với các địa phương, vùng miền khác trên cả nước. Đồng thời, các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn được tổ chức đặc sắc, hình thành hình ảnh đặc trưng, thể hiện giá trị văn hóa của con người ĐBSCL, tạo điều kiện tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch nông thôn giữa các vùng miền trên cả nước…, góp phần quảng bá hình ảnh và con người Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL đến các tỉnh, thành phố, nhằm góp phần thực hiện tốt Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp.
Đặc biệt, Diễn dàn góp phần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng hướng đến mục tiêu sản xuất - tiêu dùng xanh; tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa, khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá đối với Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, chủ thể kinh tế, đơn vị phân phối và người tiêu dùng về sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản của ĐBSCL…
Đáng chú ý, sẽ có 3 hội thảo và 3 hội thi diễn ra trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn. Trong đó, Hội thảo Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP do Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp thực hiện. Hội nghị Kết nối sản phẩm OCOP giữa các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, Hà Nội với hệ thống phân phối, siêu thị và các nhà nhập khẩu bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư Đồng Tháp, Sở Công thương thực hiện.
Bên cạnh đó là hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart..., do Sở Công thương Đồng Tháp chủ trì thực hiện. Hội nghị Xúc tiến thương mại kết nối giao thương - tour tuyến du lịch giữa doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng và doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2022. Hội thi trực tuyến tìm hiểu về sản phẩm OCOP, Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu sản phẩm OCOP. Hội thi Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL năm 2022 do Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp thực hiện...
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thời gian qua đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân, phát triển thương hiệu cho nhiều chủng loại hàng hóa đặc sản của các địa phương, phát triển thị trường.
Phát huy lợi thế tài nguyên bản địa, đến nay, Chương trình OCOP đã đạt được những thành công bước đầu và thể hiện sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018 - 2020 cấp tỉnh, đồng thời xác định những sản phẩm thế mạnh, đặc thù. Nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất, tiêu thụ tốt trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu…
Đặc biệt, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Kế hoạch Thực hiện nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2022, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã; hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa. Theo đó, đặt chỉ tiêu tổ chức 3 lớp tập huấn về thương mại điện tử; hỗ trợ đưa sản phẩm tỉnh Đồng Tháp lên sàn thương mại điện tử trong nước; hỗ trợ 5 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử ngoài nước.
Trong năm 2022, Đồng Tháp phấn đấu hỗ trợ ít nhất 30 đơn vị sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Đồng Tháp (dacsandongthaptxng.vn); tổ chức 4 tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên môi trường trực tuyến. Tập trung hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, hội quán; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản, OCOP tỉnh Đồng Tháp tại Trung tâm Giới thiệu ẩm thực - đặc sản - du lịch Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL (The Mekong Connect) tại Grand World Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); gian giới thiệu và trưng bày đặc sản Đồng Tháp tại Trụ sở Quốc hội, chuỗi siêu thị và qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart, Voso...
Đến nay, nhiều thương hiệu sản phẩm OCOP của ĐBSCL có chất lượng cao chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các tỉnh vùng ĐBSCL tập trung vào việc phát triển các sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu về công bố chất lượng sản phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm, mẫu mã, bao bì đẹp... Mỗi sản phẩm khẳng định được vị trí, uy tín đối với người tiêu dùng, vươn xa đến nhiều thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm đặc thù, hấp dẫn riêng trong quy hoạch chung của cả vùng ĐBSCL.
Đồng Tháp chuẩn bị Lễ hội Sen Đồng Tháp lần I kết nối du lịch ĐBSCL và TP.HCM
Dự kiến, ngày 19/5/2022, nhân dịp 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng Tháp sẽ tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần I và tổ chức Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL lần thứ 2 tại tỉnh Đồng Tháp.
Với chủ đề “Sen ngày mới”, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần I - năm 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 21/5, đúng vào dịp sinh nhật Bác (19/5). Lễ hội nhằm tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch Đồng Tháp; quảng bá thương hiệu Sen Đồng Tháp đến du khách trong và ngoài nước; góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tại Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như trưng bày sản phẩm, tổ chức không gian ẩm thực sen - quà lưu niệm - đặc sản từ sen; xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ sen; Cuộc thi Người đẹp đất Sen hồng; Cuộc thi chụp ảnh đẹp, sáng tác ca khúc về Đồng Tháp; khu trải nghiệm sen đa sắc và trưng bày sen ngày mới; tổ chức famtrip “Một thoáng Đồng Tháp”.
Không gian giới thiệu đặc sản, sản phẩm OCOP, ẩm thực các địa phương sẽ được triển khai trong không gian Lễ hội Sen Đồng Tháp. Đồng thời, tổ chức đoàn famtrip kết hợp với Lễ hội Sen Đồng Tháp lần I đến tham quan, khảo sát một số điểm đến, homestey tại Đồng Tháp vào tháng 5/2022 tới với sự tham dự của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, khách sạn, cơ sở đào tạo, chuyên gia tư vấn du lịch và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, chủ đề sen được thể hiện xuyên suốt trong các sự kiện của Lễ hội, có sự kết nối giữa huyện Tháp Mười - địa danh gắn liền với hoa sen - với các địa phương trong tỉnh, nhằm phát triển các sản phẩm ẩm thực, quà lưu niệm, đặc sản từ sen, nghiên cứu tổ chức tôn vinh người trồng sen, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen và tổ chức các hoạt động thu hút người dân tham gia Lễ hội.