Diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017 với chủ đề từ "Kỳ tích sông Hàn" đến "Kỳ tích sông Hồng" do Bộ Giáo dục Hàn Quốc và Thời báo Kinh tế Hàn Quốc và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự diễn đàn, phía Hàn Quốc có ông Kim Sang-kon, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc; Ông Jaime Jaime Saavedra, Giám đốc cao cấp giáo dục, Ngân hàng thế giới. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và hơn 300 khách mời các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế.
Các bên sẽ cùng nhau xác định rõ những cơ hội và thách thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đề ra những giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ mới và nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.
Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục chia sẻ tầm nhìn và tăng cường phát triển quan hệ đối tác chiến lược trong mọi ngành nghề, đặc biệt là ở lĩnh vực phát triển, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam cũng như trên quy mô quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ vui mừng khi thấy chủ đề Diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017 năm nay là từ "Kỳ tích sông Hàn" đến "Kỳ tích sông Hồng".
Bộ trưởng Nhạ cho biết, mới đây, ngày 11/11/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, tại cuộc gặp song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tin rằng sự chia sẻ của Hàn Quốc về Kỳ tích sông Hàn cùng với sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ, cần cù lao động của nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ mang Việt Nam đến với “Kỳ tích sông Mekong”. Vì vậy, Bộ trưởng Nhạ rất kỳ vọng rằng các bạn Hàn Quốc sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm để Việt Nam đạt được kỳ tích như đất nước của các bạn.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đứng trước nhiều thách thức mới. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ làm thay đổi bản chất một số loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa. Một phần lao động của con người được thay thế bằng máy móc, trí tuệ nhân tạo. Để đáp ứng yêu cầu này, các quốc gia cần phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng nhận thức cơ bản.
Bộ trưởng Nhạ khẳng định, "Việt Nam cũng vậy, chúng tôi luôn coi trọng vai trò và đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực và đang nỗ lực chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây.
Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong đó đặc biệt là Hàn Quốc - đất nước vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, Việt Nam cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại diễn đàn
Theo Bộ trưởng Nhạ, thông qua giáo dục và đào tạo, Việt Nam đang từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng của nhân lực Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới.
"Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế và đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao trong các ngành trọng điểm đạt trình độ của các nước tiên tiến" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Kim Sang-kon hy vọng, Diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017 sẽ là nơi 2 nước Việt Nam Hàn Quốc sẽ tìm ra phương án hợp tác trong GD&ĐT một cách thực tiễn; tăng cường mối hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.