Nhìn chung bức tranh tổng hợp của 6 tháng đầu năm 2022, với tình hình thời tiết thuận lợi, 12 Nhà máy Thủy điện tại các Khu vực Gia Lai, Lâm Đồng và Huế - 81 MW - ghi nhận 98 triệu kWh sản lượng điện, 168 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% cùng kỳ và chiếm 21% sản lượng - 17% doanh thu toàn hệ thống.
5 nhà máy điện mặt trời và 34 hệ thống áp mái tại 14 tỉnh thành - 300 MWp ghi nhận sản lượng 205 triệu kWh, tương đương 439 tỷ đồng doanh thu - chiếm 42% Sản lượng và 44% doanh thu. 3 nhà máy Điện gió 130 MW tại Tiền Giang, Gia Lai và Bến Tre đã đóng góp 181 triệu kWh sản lượng Điện, 390 tỷ đồng doanh thu - chiếm 37% Sản lượng và 39% doanh thu.
Hoạt động từ các nhà máy năng lượng tái tạo đã góp phần giảm phát thải CO2 thêm 408.980 tấn so với dự kiến 845.000 tấn CO2 của năm. Lũy kế từ 2010 đến 6 tháng 2022, GEC đang cung cấp gần 4,5 tỷ kWh sản lượng điện cho lưới điện Quốc gia và giảm phát thải lên đến 9 triệu tấn CO2 - chiếm 0,5% số lượng giảm phát thải CO2 tại Việt Nam và cung ứng điện cho gần 3 triệu hộ gia đình - chiếm 1% thị phần số lượng hộ gia đình tại Việt Nam.
Doanh thu thuần hợp nhất 1.076 tỷ đồng, với sự đóng góp 93% từ doanh thu bán điện, còn lại là doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận gộp đạt 572 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp duy trì tại mức 53%, đạt mức tích cực so với mức 39% trung bình ngành.
Tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu và các chi phí cơ bản khác chiếm khoảng 6%, giảm nhẹ 3% cùng kỳ, ghi nhận việc kiểm soát chi phí hiệu quả hơn từ phía Công ty. Tuy nhiên, Công ty cũng ghi nhận chi phí tài chính tăng.
Tính đến ngày 30/6/2022, Tổng Tài sản đạt 12.673 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, đến từ sự tăng trưởng của tài sản dài hạn dở dang với các dự án đang hoàn thiện.
Tổng nợ vay tính đến cuối tháng 6 ghi nhận 7.204 tỷ đồng, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu đã cải thiện đáng kể khi giảm 4% so với đầu năm. Hệ số Khả năng thanh toán lãi vay duy trì ở mức 2 lần đảm bảo khả năng trả lãi của Công ty.
Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của Công ty nửa đầu năm nay đạt 228 tỷ đồng và 212 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch phấn đấu 2022 lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm Công ty cũng đã hoàn thành 57%.
GEC cũng vừa hoàn tất chi trả cổ tức 6% bằng cổ phiếu và nâng vốn điều lệ lên 3.219 tỷ đồng và dự kiến sẽ đạt 3.614 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Đến nay, GEC tiếp tục tìm kiếm và M&A các dự án từ thuỷ điện, đến năng lượng tái tạo khác, phù hợp với tiêu chí đầu tư, nhằm mở rộng và phát triển danh mục. Trên cơ sở đó, góp phần hưởng ứng chủ trương chung về việc cam kết giảm phát thải khí CO2 trong tương lai.
Trong kỳ cơ cấu tháng 7/2022, cổ phiếu GEG lần thứ 2 liên tiếp - là cổ phiếu duy nhất thuộc Ngành Năng lượng từ khi thành lập Rổ chỉ số VNSI 20 - Chỉ số Phát triển bền vững - được lựa chọn trong danh mục. Rổ bao gồm 20 cổ phiếu thuộc VN100 có tính Phát triển bền vững tốt nhất.
GEG đã vượt qua hơn 100 tiêu chí về ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vốn đang được các Nhà Đầu tư quốc tế quan tâm và cũng là một trong những chỉ tiêu được xem xét trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các tiêu chí này được xây dựng trên nền tảng GRI Standards của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu, các nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD năm 2015, bộ nguyên tắc quản trị Công ty theo thông lệ tốt nhất 2019 và một số quy định pháp luật về Chứng khoán tại Việt Nam.
Chỉ số VNSI được xây dựng với mục tiêu tạo ra công cụ tham khảo hoặc để làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm đầu tư như ETF và phái sinh chỉ số trong tương lai.
VNSI hiện bao gồm các cổ phiếu tiêu biểu thuộc các nhóm Ngành Bất động sản - VIC, tiêu dùng thiết yếu - VNM, tài chính - VPB , xây dựng - CTD, công nghiệp - VJC, tiêu dùng không thiết yếu - PNJ, nguyên vật liệu - HSG và dịch vụ tiện ích - GEG... với tổng vốn hóa lên đến 52 tỷ USD.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các công ty chứng khoán bao gồm HSC, VCSC, VCBS, Yuanta, VNDS, VDSC, Agriseco, PHS đã phát hành cho cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp 14 Báo cáo phân tích về cổ phiếu GEG tập trung chủ yếu là khuyến nghị mua/nắm giữ với 72% là khuyến nghị mua và giới thiệu Công ty đến nhà đầu tư và 28% là khuyến nghị nắm giữ. Trong đó, giá khuyến nghị từ 22.300 đến 30.000 đồng, tăng 3% đến 39% so với thị giá ngày 29/7/2022.
VCBS cho rằng, triển vọng đầu tư vào GEG trong thời gian tới sẽ đến từ các yếu tố: quy hoạch điện VIII dự kiến được phê duyệt với kịch bản ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió đến 2030 và bổ sung điện mặt trời và Pin lưu trữ giai đoạn 2045; GEC hoàn thành xong Dự án điện gió Tân Phú Đông 1; GEC sẽ tiếp tục phát triển các dự án Điện Gió, Điện Mặt trời sau khi có chính sách mới...
Doanh thu dự phóng năm 2022 của GEC đạt 2.037 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông Công ty mẹ đạt 386 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 36% so với cùng kỳ. EPS đạt 1.198 đồng/cổ phiếu và P/E dự phóng ở mức 18,1 lần.