Nhà đầu tư mong chờ
Hiện tại, mức mua điện gió của các dự án đặt trên đất liền đang áp dụng theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, với tương đương 7,8 UScent/kWh. Cũng đã có hai dự án đã đi vào hoạt động và đang được mua theo mức giá nói trên là Dự án điện gió Phú Lạc và Dự án Phong điện I Bình Thuận, đều nằm tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Với Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, được đầu tư trên biển, mức giá mua điện hiện nay đang tương đương 9,8 UScent/kWh.
Điện gió đang chờ được điều chỉnh giá mua để đảm bảo có lãi. Trong ảnh: Dự án Điện gió Phú Lạc (Bình Thuận) |
Bộ Công thương cũng cho rằng, các dự án trên đều gặp khó khăn khi thực hiện mức giá 7,8 UScent/kWh. Cụ thể là khó thu xếp vốn vay, lợi nhuận thấp, dự án không hiệu quả.
Đơn cử, Dự án Nhà máy Phong điện I Bình Thuận đi vào vận hành từ năm 2011, trước năm 2014 được áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện quy định tại Quyết định 130/2007/Q-TTg về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch, cho phép chủ đầu tư được bù lỗ khi kinh doanh không có lãi theo dự án đầu tư đã được duyệt.
Tuy nhiên, từ năm 2014, Dự án phải áp dụng mức giá mua bán điện theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg. “Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, do Dự án được xây dựng theo cơ chế cho các dự án phát triển sạch tại Quyết định 130/2007/QĐ-TTg, nên việc áp dụng mức giá bán điện 7,8 UScent/kWh khiến Dự án không hiệu quả, không đảm bảo được lợi ích của nhà đầu tư”, Bộ Công thương nhận xét.
Đối với Dự án Điện gió Phú Lạc, công suất 24 MW, đã đi vào vận hành từ tháng 9/2016 và có sử dụng nguồn vốn vay ODA ưu đãi, hiện đã ký hợp đồng mua bán điện ở mức 7,8 UScent/kWh, Bộ Công thương cũng thừa nhận, chủ đầu tư đang đề nghị xem xét tăng giá điện để đảm bảo hiệu quả của Dự án.
Ngay với Dự án Điện gió Bạc Liêu, quy mô 99,2 MW, đã vận hành giai đoạn II từ tháng 6/2016 cũng phải tự đầu tư đường dây 110 kV dài 17 km và 1 trạm biến áp 110 kV.
Đáng chú ý là, hiện có 23 dự án điện gió khác đăng ký và có Báo cáo nghiên cứu khả thi được Bộ Công thương thu thập cũng đều đề nghị điều chỉnh tăng mức giá điện gió để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Ông Bùi Vạn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, chủ đầu tư Dự án Điện gió Phú Lạc cho hay, với giá mua điện gió hiện nay là 7,8 UScent/kWh và chưa nhìn thấy tín hiệu tăng thêm, giai đoạn I của Dự án Phú Lạc có quy mô đầu tư là 1.100 tỷ đồng, tính ra mất ít nhất 14 năm để hoàn vốn đầu tư.
“Doanh thu của Công ty một năm đạt gần 100 tỷ đồng, nhưng mất 80 tỷ đồng để trả nợ vốn vay và lãi. Phần còn lại chỉ đủ để trang trải cho vận hành, bảo dưỡng và trả lương”, ông Thịnh nói.
Được biết, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã đề xuất Bộ Công thương, Chính phủ nâng giá mua điện gió lên 9,5 cent/kWh từ năm 2016.
Mức giá điện gió mới như Bộ Công thương đề xuất sẽ làm tăng thêm không đáng kể chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 0,08 đồng/kWh trong năm 2017 và 0,23 đồng/kWh năm 2019.
Cập kề cơ hội
Tới cuối năm 2016, tại Đan Mạch, trong tổng công suất 5.225 MW điện gió, có 1.271 MW điện gió ngoài khơi. Đây cũng là nước đứng thứ 2 châu Âu về công nghệ điện gió ngoài khơi.
Còn tại Đức, trong tổng công suất điện gió tới năm 2016 là 50.019 MW, có 4.108 MW điện gió ngoài khơi. Tính chung cả châu Âu, tới cuối năm 2016 đã có 12.631 MW công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi.
Bởi vậy, việc có giá mua riêng cho các dự án điện gió ngoài khơi cũng được Bộ Công thương trình lên Chính phủ.
Theo đề xuất này, giá mua điện gió ngoài khơi là 9,97 UScent/kWh. So với mức chi phí điện quy dẫn năm 2015 của các dự án điện gió ngoài khơi trung bình được Ủy ban Năng lượng Thế giới dẫn chứng là 19,6 UScent/kWh thì mức đề xuất của Bộ Công thương cũng bỏ xa.
Ông Bùi Vạn Thịnh cho rằng, đề xuất giá mua điện gió là 8,77 UScent/kWh của Bộ Công thương khiến nhà đầu tư yên tâm hơn để tiếp tục làm điện gió, nhưng cần phải đi kèm với 2 điều kiện nữa là tổng chi phí vay phải nhỏ hơn 4%/năm và thời gian trả nợ phải lớn hơn 13 năm.
Chỉ tính riêng Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, ngoài giai đoạn I đã đi vào vận hành với 12 trụ tua bin, hiện Công ty cũng có kế hoạch triển khai thêm 4 dự án điện gió khác tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lắc và Gia Lai, với tổng quy mô khoảng 500 MW.
Trên cả nước, cũng có tổng cộng 48 doanh nghiệp đăng ký làm điện gió với quy mô lên xấp xỉ 5.000 MW. Đây được xem là con số đáng mơ ước, bởi mục tiêu đặt ra của Tổng sơ đồ điện 7 điều chỉnh là có 800 MW vào năm 2020.
Dẫu vậy, tất cả vẫn còn chờ một quyết định.