Đầu tư
Điện gió ngoài khơi: Nhiều dự án tỷ đô chờ cơ chế giá
Thanh Hương - 23/08/2021 08:21
Sự đổ bộ của các nhà đầu tư vào làm điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi giá mua điện cố định hiện nay có thể được thay thế bằng giá đấu thầu.
Một dự án điện gió ngoài khơi có vốn đầu tư tới cả tỷ USD và mất nhiều năm để triển khai.

Thận trọng

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, trong cập nhật vào giữa tháng 8/2021 của Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, con số được nhắc tới cho điện gió ngoài khơi là khoảng 2 GW vào năm 2030 và sẽ gia tăng nhiều hơn sau năm 2030. Lý giải về việc tới sau năm 2030 mới có nhiều cơ hội cho điện gió ngoài khơi, một quan chức của Bộ Công thương cho hay, khi đó giá sẽ hấp dẫn hơn.

Lẽ dĩ nhiên, mục tiêu huy động công suất của điện gió ngoài khơi tới năm 2030 được đưa ra khiêm tốn này chưa làm các nhà đầu tư vui mừng. Theo đánh giá của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về điện gió ngoài khơi với 160.000 MW tiềm năng kỹ thuật có thể tận dụng được. Cũng bởi tiềm năng này mà số lượng nhà đầu tư quan tâm tới điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đã lên tới khoảng 20 GW.

Bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của GWEC cho rằng, Việt Nam hoàn toàn đạt được mục tiêu 10 GW trước năm 2030 và nên đặt ra mục tiêu này. “Giá điện gió trên thế giới đã giảm rất nhiều so với trước đây. Chi phí sẽ giảm khi tổng lượng lắp đặt trên thị trường đạt đến một ngưỡng nhất định”, bà Liming Qiao chia sẻ.

Để thúc đẩy mục tiêu đó, GWEC cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã liên tục gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan hữu trách của phía Việt Nam.

Ông Andrew Ho, Giám đốc quan hệ chính phủ và chính sách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) cho biết, khi quan tâm tới một thị trường, các nhà đầu tư quốc tế cần thấy khung khổ chính sách ổn định để đầu tư lâu dài cho thị trường đó. “Chính phủ cần đưa ra các khung pháp lý quan trọng và minh bạch vì điện gió ngoài khơi triển khai không thể nhanh được. Tại nhiều quốc gia, họ đã lập ra một đầu mối liên lạc duy nhất, được nhà nước chỉ định để quản lý vấn đề này. Đó là điều tuyệt vời cho các nhà đầu tư, bởi nhà nước sẽ chia sẻ rủi ro và góp phần giảm giá sản xuất điện. Điều này lợi cho cả hai bên”, ông Andrew Ho nói.

Theo GWEC, một dự án điện gió ngoài khơi muốn có hiệu quả, cần có quy mô ít nhất 400 - 500 MW, vốn đầu tư xấp xỉ cả tỷ USD và khoảng 5 năm triển khai.

Tại Việt Nam, giá mua điện gió ngoài khơi đang là 9,8 UScent/kWh. Đây là giá cố định (FiT) áp dụng trong thời gian 20 năm, đối với những dự án điện gió có ngày vận hành thương mại từ 1/11/2018 đến hết ngày 31/10/2021. Bởi vậy, các nhà đầu tư đã công bố những dự án điện gió tỷ đô thời gian 1 năm trở lại đây đang ngóng chờ động thái giá mới cho giai đoạn tiếp theo từ phía Chính phủ Việt Nam.

Đại diện Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam, chủ đầu tư Dự án Điện gió Phú Cường tại Sóc Trăng cho hay, họ sẵn sàng khởi công giai đoạn I và đầu tư cả tỷ USD nếu FiT được gia hạn hoặc có chính sách rõ ràng từ Chính phủ.

Cũng thấp thỏm chờ đợi còn có Tập đoàn Copenhagen Offshore Partner với Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, công suất lên đến 3,5 GW. Dự án đã khai trương văn phòng tại Bình Thuận từ tháng 3/2021 và ký các hợp đồng khảo sát địa chất với các nhà thầu Việt Nam, như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên môi trường biển.

Đường còn dài

“Việc phát triển 17 GW điện mặt trời với cơ chế giá FiT trong 2 năm qua cũng khiến phải có nhiều điều chỉnh, điều phối và Chính phủ không được hài lòng lắm về cơ chế giá FiT. Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi khác hẳn, cần 3-5 năm để xây dựng, trong khi điện mặt trời chỉ mất 6 tháng. Vì vậy, sẽ khó có chuyện bùng nổ với điện gió ngoài khơi như từng diễn ra với điện mặt trời, nếu có cho hưởng giá FiT”, đại diện GWEC chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

GWEC cũng thừa nhận, “khó thuyết phục một số bên liên quan, nhưng vẫn đang rất cố gắng” bởi cho rằng, thực tế cho thấy, không có nước nào khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi bằng đấu thầu mà thành công cả.

Dẫn chứng cho thực tế này, GWEC đã đưa ra các ví dụ cụ thể về quá trình phát triển điện gió ngoài khơi tại Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và Đài Loan.

Chia sẻ về kinh nghiệm của nước Anh trong phát triển điện gió ngoài khơi từ năm 1999 tới nay, ông Joshua Roebuck, Trưởng ban Chiến lược và Chính sách (Bộ Thương mại, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh) cho hay, với từng cấp quy mô dự án, chúng tôi áp dụng cơ chế khác nhau, trong đó, riêng các dự án quy mô lớn thì sử dụng cơ chế RO (nghĩa vụ khi tham gia sản xuất năng lượng tái tạo) và sau đó là hợp đồng chênh lệch (CfD) và đấu thầu.

Để thực hiện CfD, Chính phủ có cơ chế giá xác định (giá đảm bảo từ Chính phủ). Theo đó, chênh lệch so với giá xác định sẽ được Chính phủ tài trợ khi giá thị trường thấp hơn và doanh nghiệp trả ngược lại cho Chính phủ khi giá thị trường cao hơn. Về quy trình đấu thầu, Anh quốc luôn có hạn mức ngân sách và toàn bộ các dự án nằm trong tổng ngân sách cho phép đều được chấp thuận. Sau một thời gian áp dụng CfD, đã có những dự án có giá thấp mà vẫn thành công.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về cơ chế giá cho các dự án điện gió ngoài khơi từ ngày 1/11/2021, một quan chức của Bộ Công thương cho hay, Luật Đầu tư 2021 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) yêu cầu đấu thầu chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án (theo Điều 29). Theo hình thức này, sẽ khó có thể có giá FiT cho các dự án điện gió ngoài khơi cho giai đoạn từ ngày 1/11/2021 trở đi. Đó là chưa kể, Luật Đầu tư 2021 cũng quy định, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực có giới hạn tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Khuyến nghị của GWEC đối với phát triển điện gió ngoài khơi

Cho phép các dự án điện gió ngoài khơi công suất 4 - 5 GW được hỗ trợ thông qua giá FiT, tạo cơ chế chuyển đổi phù hợp và cho đủ thời gian để đảm bảo Hợp đồng mua bán điện PPA đủ khả năng vay vốn Hỗ trợ chính sách và quy trình.

Thông báo trước tối thiểu 2 năm đối với thay đổi chính sách quan trọng, và đảm bảo tiến hành tham vấn minh bạch ở mức tối đa.

Thiết kế cơ chế đấu thầu. Các gói thầu cần đáp ứng quy mô (2 - 3 GW) đủ để tạo sức thu hút trong thị trường, và thiết kế cần được nghiên cứu sâu để hoàn thiện. Khuyến nghị cho nghiên cứu chuyên sâu.

Nghiên cứu lưới điện, cấp phép, quy hoạch không gian biển cần được tiến hành song song với nghiên cứu chi tiết về thiết kế đấu thầu.
Tin liên quan
Tin khác