Thời sự
Điện khí LNG Bạc Liêu chờ gỡ nút thắt
Thanh Hương - 04/06/2021 09:22
Chủ đầu tư Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu đã gửi thư tới các cơ quan hữu trách nhờ tháo gỡ các vướng mắc để Dự án có thể tiến nhanh.
Mô hình Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu

Chờ nhấn nút

Được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 16/1/2020, Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu đã nhanh chóng triển khai các thủ tục trong giai đoạn phát triển dự án để đảm bảo tiến độ được quy định tại quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, tổ máy 1 công suất 800 MW phải vận hành và cấp điện lên lưới quốc gia vào năm 2024 và đến năm 2027 đưa toàn bộ công suất thiết kế 3.200 MW vào vận hành.

Trong văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vào tháng 8/2019 (có gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương), DOE khẳng định cam kết giá điện của Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu khoảng 7 UScent/kWh.

Để đạt được mức giá này, theo DOE, là nhờ sáng kiến độc đáo đưa ra giải pháp tích hợp tất cả trong một dự án, từ dây chuyền công nghệ về cung ứng, bên nhập, lưu kho khí LNG, tái hóa khí và đường ống dẫn khí, đến nhà máy phát điện, với sự tham gia trực tiếp của các đối tác chiến lược cam kết trong tổ hợp nhà đầu tư, là những hãng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tương ứng của mỗi bên.

Để có thể triển khai nhanh Dự án với tiến độ gắt gao được quy định trong các cam kết, Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (DOE) - chủ đầu tư dự án đã đồng thời triển khai 2 việc là làm việc với các đối tác ngoài lãnh thổ Việt Nam và hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cho tới nay, DOE đã thực hiện xong các bước đấu thầu chọn tổng thầu thiết kế - mua sắm thiết bị - xây lắp (EPC). Theo đó, Tập đoàn Bechtel sẽ đảm nhiệm các hạng mục nhà máy điện trên bờ và Công ty McDemontt đảm nhiệm các hạng mục khu kho nổi lưu trữ LNG ngoài khơi và đường ống dẫn khí vào bờ. Hai đơn vị này đã hoàn thiện thiết kế cơ sở (Pre FEED) và đang khẩn trương thực hiện thiết kế kỹ thuật cho Dự án đồng thời với công tác chuẩn bị nguồn nhân lực để triển khai xây dựng Dự án như cam kết.

Đối với nguồn LNG cấp cho Dự án, nhà đầu tư đã tiến hành chào thầu quốc tế và nhận được 29 bản chào của các đơn vị cung cấp LNG trên thế giới. Qua vòng đầu tiên, có 9 nhà thầu tiềm năng được chủ đầu tư xác định để bước vào giai đoạn đàm phán hợp đồng mua khí LNG.

Cùng với đó, việc đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế để thu xếp vốn cho Dự án cũng đang được khẩn trương thực hiện. DOE cho hay, đã đàm phán với GE về việc mua tua-bin khí của nhà máy điện. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng phải được thực hiện muộn nhất là vào tháng 8/2021, bởi việc chế tạo tua-bin cần ít nhất 36 tháng.

Vẫn theo DOE, Công ty chỉ có thể đặt hàng chế tạo tua-bin khí sau khi có hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cụ thể, nhà đầu tư cần ít nhất 3 tháng kể từ ngày PPA được ký để hoàn tất các thủ tục ký kết các hợp đồng cần thiết với các đối tác liên quan như bên cho vay, nhà thầu cung cấp thiết bị, xây lắp, nhà cung cấp nhiên liệu…

Với mốc tiến độ trên, DOE cho rằng, PPA cần phải được thương thảo và ký kết muộn nhất là ngày 30/5/2021, đánh dấu mốc kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuyển sang giai đoạn thực hiện Dự án.

Với các hoạt động đầu tư ở trong nước, theo quy định của pháp luật Việt Nam, thủ tục hoàn tất các giấy phép chuẩn bị đầu tư có quan hệ ràng buộc chặt chẽ theo một trình tự nhất định. Đó là để ký được PPA, thì báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (FS) phải được Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt. Hiện FS đã được đệ trình tới Bộ Công thương và đang được đề nghị phê duyệt trong tháng 5/2021.

Vướng đàm phán PPA

Điểm được cho là quan trọng nhất của giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu chính là đàm phán PPA. Tuy nhiên, theo DOE, việc đàm phán PPA đang có vướng mắc liên quan đến chính sách và thẩm quyền của các cơ quan Chính phủ, cần được tập trung tháo gỡ sớm.

Theo đánh giá của chủ đầu tư, các vướng mắc trên là vấn đề chung của tất cả các dự án nhà máy điện độc lập (IPP) trên thế giới, chứ không phải vấn đề riêng của LNG Bạc Liêu. Cụ thể, theo yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn cho vay của thị trường vốn quốc tế cần có 12 nội dung thuộc chức năng quản lý của các bộ, ngành cần tháo gỡ.

Theo đó, Bộ Tư pháp có 3 vấn đề gồm: trường hợp bất khả kháng của Chính phủ, Luật điều chỉnh/thay đổi luật và giải quyết tranh chấp. Ngân hàng Nhà nước có 2 vấn đề là cam kết chuyển đổi ngoại tệ và tỷ giá hối đoái. Bộ Tài chính cũng có 2 vấn đề liên quan là bảo đảm thanh toán chấm dứt hợp đồng và bảo đảm thanh toán nghĩa vụ của bên mua điện.

Bộ Công thương có 3 vấn đề là nghĩa vụ tiếp nhận hoặc trả tiền (take or pay) của EVN, chuyển tiếp giá mua khí LNG sang giá điện và cam kết đấu nối, truyền tải. Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 vấn đề cần tháo gỡ là thế chấp quyền sử dụng mặt nước, mặt biển và quyền tiếp quản dự án, bao gồm cả quyền sử dụng đất của bên cho vay.

DOE cho rằng, các vấn đề trên đều thuộc về Chính phủ và có thể tiến hành sửa đổi, bổ sung, hay giữ nguyên, tùy thuộc vào chính sách phát triển kinh tế của đất nước theo từng thời kỳ. Tại Việt Nam, các vấn đề này đều có tiền lệ và từng được chấp nhận chung trong cam kết đảm bảo đầu tư của Chính phủ (GGU) đối với các nhà máy điện được triển khai theo phương thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) trước đây, nên không có gì xa lạ với các cơ quan của Chính phủ.

Trong khi đó, tại dự án cụ thể, khi thẩm định vốn cho dự án, các bên cho vay rất quan tâm tới 12 vấn đề trên và gọi là rủi ro chủ quyền, cũng như muốn đây phải nhận được các bảo đảm đầu tư của Chính phủ, mà không phân biệt hình thức đầu tư là IPP hay BOT.

Tại Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, hình thức đầu tư được xác định trong các văn bản của cấp có thẩm quyền là IPP, nên việc đàm phán PPA sẽ tuân thủ Thông tư 56/2014/TT-BCT trước đây và Thông tư 57/2021/TT-BCT hiện nay. Tuy nhiên, các thông tư này cũng không quy định về các vấn đề rủi ro chủ quyền nêu trên trong PPA, nên EVN và công ty mua bán điện thuộc EVN đã từ chối đàm phán về các nội dung đảm bảo đầu tư liên quan đến các rủi ro chủ quyền như đã làm với các dự án theo hình thức BOT.

Bên mua điện cũng từ chối đàm phán trên cơ sở các tài liệu bằng tiếng Anh như đã áp dụng với các dự án BOT. “Bộ Công thương thừa nhận, PPA theo các quy định tại hai thông tư này không đủ điều kiện để dự án huy động vốn quốc tế. Từ khi ban hành các thông tư này, chỉ mới có các dự án đầu tư IPP của các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, huy động vốn vay trong nước, chứ chưa có dự án IPP nào huy động được vốn nước ngoài”, DOE nhận xét trong thư gửi tới Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 4/2021 nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán PPA.

DOE cho rằng, các dự án điện BOT trước đây đều trải qua thời gian đàm phán từ 7 đến 11 năm mới ký được PPA và điều này đã làm thoái chí các nhà đầu tư quốc tế. Để mở đường khơi thông cho dòng vốn nước ngoài ở các dự án IPP, nhất là khi sau Điện khí LNG Bạc Liêu, hàng loạt dự án LNG khác cũng ồ ạt đăng ký đầu tư hình thức IPP và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới, DOE đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan và EVN đàm phán với nhà đầu tư để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc 12 vấn đề liên quan đến các rủi ro chủ quyền nói trên, làm cơ sở trình Thủ tướng xem xét và quyết định chính sách đảm bảo đầu tư cho dự án này, nhằm ký PPA trong tháng 5/2021 và khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 9/2021.

Giá điện chưa rõ ràng

Trong quá khứ, khi Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu được đồng ý về chủ trương đầu tư, điều được kỳ vọng nhất chính là Dự án sẽ bán điện ở mức 7 UScent/kWh.

Tại Thông báo số 91/TB-VPCP ngày 12/3/2020 liên quan đến Dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của tỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, không để xảy ra chậm trễ trong xử lý các kiến nghị của địa phương và nhà đầu tư. Tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà đầu tư có đầy đủ năng lực để thực hiện Dự án.

Đối với việc đẩy nhanh tiến độ ký kết PPA, Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu và nhà đầu tư đàm phán hợp đồng mua bán điện theo quy định của pháp luật. Thông báo trên cũng nêu rõ: “Không đưa Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước vào các cam kết, bảo lãnh quốc tế của doanh nghiệp. Phải tuyệt đối không để xảy ra kiện tụng, ảnh hưởng uy tín đất nước và môi trường đầu tư”.

Trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực gửi tới Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6/2020, ở phần liên quan đến Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu nêu rõ: “Đề nghị chủ đầu tư giữ cam kết giá điện của Dự án khoảng 7 UScents/kWh để tiết kiệm thời gian đàm phán hợp đồng mua bán điện”.

Tiếp đó, tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ lại nhắc UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp chặt với các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện Dự án đúng cam  kết về tiến độ và giá bán điện tốt nhất (cạnh tranh nhất).

Bộ Công thương được giao chỉ đạo EVN và nhà đầu tư sớm triển khai đàm phán PPA ngay trong tháng 8/2020 và ký kết PPA vào cuối năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật, để đảm bảo thực hiện theo tiến độ quy hoạch, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho phát triển xã hội của đất nước. Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Bạc Liêu kịp thời báo cáo Thủ tướng giải quyết tháo gỡ các khó khăn vượt thẩm quyền (nếu có), không để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia.

Bình luận về thực tế triển khai khâu chuẩn bị đầu tư của Điện khí LNG Bạc Liêu, các nhà đầu tư khác cho rằng, do Chính phủ khẳng định không cấp bảo lãnh nào, nên chuyện làm dự án IPP đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực bởi dự án cần vài tỷ USD mà tỷ lệ vay tới 80-85% và chủ yếu là vay nước ngoài, lại không có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ thì không dễ thuyết phục các tổ chức tài chính xuống tiền.

Nhận xét về tiến trình của Dự án, ông Nguyễn Bình, chuyên gia tư vấn tại nhiều dự án điện có vốn nước ngoài cho hay, dự án IPP là phải tiến hành chào giá cạnh tranh để bán điện trên thị trường, chứ không phải là được cam kết bao tiêu điện. Như vậy, dòng tiền thu về không ổn định, sẽ khiến các tổ chức tài chính phải cân nhắc khi cho vay với số tiền lớn như dự tính.

“Trong quá khứ, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương cũng chọn mô hình IPP với hình thức đầu tư xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO), nhưng muốn Chính phủ bảo lãnh hết các trách nhiệm cho chủ đầu tư khi thực hiện dự án và đã không được sự ủng hộ của các cơ quan hữu trách, nên không thể triển khai được. Sau đó, Dự án Điện Kiên Lương cũng xin chuyển sang hình thức BOT, nhưng giờ vẫn không đến đâu”, ông Bình nói.

Tin liên quan
Tin khác