Đầu tư
Diện mạo mới của một Nghi Sơn "mở"
Sĩ Chức - 08/11/2015 08:52
Quyết định số 18/2015/QĐ-TTg, ngày 12/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động và mở rộng Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn đánh dấu bước phát triển mới, đồng thời khẳng định vị thế của KKT Nghi Sơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Nghi Sơn “mở”

Cuối tháng 7/2015, Ban quản lý KKT Nghi Sơn đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng KKT Nghi Sơn và Văn bản chấp thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Trên cơ sở này, KKT Nghi Sơn sẽ có tổng diện tích 106.000 ha, bao gồm 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước, với phần diện tích mở rộng là 47.885,77 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước. Như vậy, diện tích KKT Nghi Sơn sẽ tăng lên gần 6 lần so với trước, bao gồm toàn bộ diện tích thuộc địa giới hành chính của huyện Tĩnh Gia (33 xã và 1 thị trấn, trong đó 12 xã thuộc KKT Nghi Sơn hiện hữu); 3 xã Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính thuộc huyện Nông Cống; 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Lợi thế cảng nước sâu Nghi Sơn góp phần hội tụ các dự án lớn đến với Khu kinh tế Nghi Sơn.

Quyết định của Thủ tướng cũng sửa đổi mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT Nghi Sơn nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý… Mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2025 của KKT Nghi Sơn là “hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi, triển khai một số công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh”. Sau năm 2025, phát triển đồng bộ về công nghiệp, dịch vụ; thương mại; tài chính; văn hóa - xã hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng trong các khu đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn cao; phát triển theo mô hình đô thị xanh và bền vững; phấn đấu trở thành khu vực phát triển năng động và hiện đại.

Nghi Sơn hội tụ

Nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam của đất nước, cách Thủ đô Hà Nội 200 km về phía Nam, KKT Nghi Sơn thuộc vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ được xem là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, Tây Bắc và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Việc tập trung phát triển Nghi Sơn đã trở thành mục tiêu và nhiệm vụ trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006 - 2015. Những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực tài chính cao nhất cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các công trình biển (bến cảng, đê chắn sóng, nạo vét luồng tàu...); đường giao thông, hệ thống cấp nước, cấp điện, các khu tái định cư... đồng loạt được triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng luôn được thực hiện với sự quyết tâm và nỗ lực cao nhất, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư đúng hạn để triển khai dự án đúng tiến độ.

Cùng với đó, việc cụ thể hóa thực hiện mục tiêu này đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, thông qua việc ban hành và áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất của Nhà nước dành cho các dự án đầu tư vào đây. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thấp nhất về thực hiện nghĩa vụ đối với các chính sách cơ bản, như các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; ưu đãi về miễn/giảm tiền thuê đất, được cung cấp các dịch vụ hạ tầng…

Với những tiềm năng và lợi thế vượt trội, năm 2012, KKT Nghi Sơn đã được xếp vào danh mục 5 KKT trọng điểm của cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa tranh thủ được nguồn lực từ Trung ương và cân đối nguồn lực địa phương để đầu tư xây dựng KKT một cách đồng bộ, tạo ra sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

…và Nghi Sơn lan tỏa

Cuối tháng 10/2013, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) góp  25,1% vốn, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPE) góp 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan (IKC) 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui (MCI) 4,7% được khởi công xây dựng. Giai đoạn I của Dự án được xây dựng trên diện tích 358 ha (bao gồm cả 30,2 ha diện tích hành lang tuyến ống dẫn dầu); có công suất 10 triệu tấn/năm (200.000 thùng dầu thô/ngày). Khi đi vào hoạt động sản xuất thương mại, Dự án đảm bảo cung cấp xăng dầu cho toàn bộ miền Bắc, cung cấp ra thị trường 2,3 triệu tấn xăng, 2,9 triệu tấn diesel, 380.000 tấn nhựa polypropylene, 900.000 tấn nhiên liệu cho động cơ phản lực và gần 700.000 tấn sản phẩm hóa dầu khác mỗi năm.

Đây là dự án công nghiệp nặng, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và là dự án trọng điểm của quốc gia, dự kiến hoàn thành việc xây dựng và đi vào vận hành thương mại vào đầu năm 2017. Khi đi vào hoạt động, Dự án góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, dự kiến sẽ đảm bảo khả năng tự cung cấp xăng, dầu của Việt Nam từ 30% hiện nay lên 70%. Với các sản phẩm sau lọc hóa dầu, dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo động lực to lớn, cũng như cơ hội để KKT Nghi Sơn thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, như sản xuất hóa chất, hạt nhựa và cơ khí chế tạo.

Cùng với đó, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 4 tỷ USD, công suất thiết kế 2.400 MW. Hiện tại, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, với công suất 600 MW, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đã phát điện thương mại và hòa lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công suất 1.200 MW, có tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD, do Liên doanh giữa Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tập đoàn Kepco (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng theo hình thức BOT; Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh có công suất 600 MW với tổng mức đầu tư trên 900 triệu USD do Tập đoàn Công Thanh đầu tư đang được chuẩn bị triển khai xây dựng. Sau khi những nhà máy điện này đi vào hoạt động, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn sẽ đáp ứng đủ nguồn cung cấp điện cho sự phát triển ổn định  của KKT Nghi Sơn và cho cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, tại KKT Nghi Sơn, còn có một số dự án công nghiệp nặng, vốn đầu tư lớn, như Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 700 triệu USD, công suất thiết kế 4,3 triệu tấn/năm); Nhà máy Xi măng Công Thanh (tổng vốn đầu tư 600 triệu USD, công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm); Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn (tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, công suất 1 triệu tấn/năm)...

Rồi đây, trong một tương lai gần, Nghi Sơn sẽ được đề nghị công nhận là thành phố. Một diện mạo mới của thành phố công nghiệp đã và đang hình thành, bắt nguồn từ không gian “mở” được hội tụ từ những quyết tâm là những mục tiêu cụ thể và lan tỏa bằng những dự án có định hướng.

Tin liên quan
Tin khác