Liên tục thay nhân sự cấp cao
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, khác biệt lớn nhất ở Sacombank sau 3 tháng ông nắm quyền là việc thay đổi quy chế, quy trình nội bộ, hàng lang pháp lý, đồng thời, sắp xếp lại nhân sự.
Cũng từ ngày 2/10, Sacombank áp dụng tổ chức quản lý theo bộ máy nhân sự mới. Mặc dù cho biết “không tinh giảm bớt lao động mà chỉ tiến hành sắp xếp trên cơ sở nhân sự hiện có”, nhưng Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng đã chấm dứt hợp đồng lao động với ông Lý Hoài Văn, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối tiền tệ vào ngày 16/10 hay miễn nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao trước đó.
. |
Việc thay đổi nhân sự một số vị trí cũng đã được triển khai. Đơn cử như hoán đổi vị trí giữa Trưởng ban kiểm toán nội bộ và Phó tổng giám đốc hay tuyển dụng thêm Phó tổng giám đốc. Trước đó, vào cuối tháng 7/2017, Sacombank cũng đã thay hàng loạt nhân sự, trong đó có nhiều lãnh đạo trước đây chuyển sang từ Southern Bank.
Sacombank cũng đã “thay máu” hàng loạt lãnh đạo cấp cao tại Sacombank Lào, Campuchia và Công ty Kiều hối Sacombank (SBR). Trước khi có các quyết định liên quan nhân sự ở các công ty con, Sacombank cũng đã có hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự ở ngân hàng mẹ, trong đó có việc thay Chủ tịch HĐQT, thay Tổng giám đốc, miễn nhiệm một loạt phó tổng giám đốc vốn là người của Southern Bank chuyển sang.
Lợi nhuận đột biến
Mặc dù được xem là một trong những ngân hàng có tổng nợ xấu lớn nhất sau thương vụ mua bán - sáp nhập, nhưng với trợ lực từ Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hoạt động của Sacombank đang dần cải thiện với nhiều chỉ số tốt.
Tính đến ngày 22/9/2017, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 360.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với hồi đầu năm. Tổng tín dụng và nguồn vốn huy động lần lượt đạt gần 221.000 tỷ đồng và hơn 330.700 tỷ đồng, tăng 13,4% và 9,2% so với đầu năm, giúp nâng cao nguồn thu chính của ngân hàng.
Theo công bố, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 của Sacombank ước đạt 900 tỷ đồng, còn lợi nhuận hợp nhất là 1.100 tỷ đồng.
Cũng theo ông Minh, năm nay, Sacombank phấn đấu xử lý 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Cụ thể, từ đầu năm tới nay đã xử lý được 6.000 tỷ đồng. Mới đây, Sacombank và VAMC đã ký hợp đồng mua bán 3 khoản nợ theo giá thị trường với tổng dư nợ hơn 2.580 tỷ đồng.
Đổi mã chứng khoán, chuyển sàn
Một ấn tượng khác của Sacombank chính là việc đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM và chuyển sàn niêm yết từ Hose sang HNX với kế hoạch hoàn tất trong năm nay.
Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, mã chứng khoán STB hiện có hai vấn đề. Về mặt phong thủy, STB có nghĩa là “Sao Thái Bạch” và theo phong thủy đây là sao rất xấu, để thoát khỏi quan niệm này Sacombank quyết định đổi mã chứng khoán. Mặt khác, mã STB này cũng gần với mã SBT của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh của Tập đoàn Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ, do vậy cũng dễ gây nhầm lẫn.
Việc chọn mã SCM được ông Minh lý giải mang ý nghĩa “Sacombank - Công khai - Minh bạch”.
“Hoàn toàn không có yếu tố cá nhân, mà đổi mã chứng khoán vì yếu tố phong thủy để phát triển và đổi mới cho Sacombank”, ông Dương Công Minh khẳng định.
Bên cạnh việc đổi mã chứng khoán, sắp tới, Sacombank cũng sẽ thay đổi logo, nhận diện thương hiệu nhưng vẫn giữ nguyên slogan “đồng hành cùng phát triển”.
Đối với câu chuyện chuyển từ sàn Hose (được xem là có tiêu chuẩn niêm yết cao hơn) sang HNX (có tiêu chuẩn niêm yết thấp hơn) đang khiến dư luận đặt câu hỏi cũng được ông Minh cho rằng, đó là bởi Sacombank muốn làm mới mình. Mặt khác, theo dự kiến sàn Hose và HNX sẽ được sáp nhập trong thời gian tới nên dù niêm yết trên sàn nào, nhà đầu tư cũng có thể ngồi tại nhà giao dịch.