Chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) vừa có văn bản trả lời Công ty cổ phần Sản xuất bao bì Bắc Ái, có trụ sở đặt tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) về việc đầu tư điện mặt trời áp mái nhà có công suất dưới 1 MW để phục vụ sản xuất.
Theo đó, doanh nghiệp cần phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị điện lực được EVN ủy quyền để xem xét, thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định của pháp luật về điện lực, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy và chữa cháy, cùng các quy định khác có liên quan.
Bình luận về trả lời này của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Bình, chuyên gia về năng lượng tái tạo cho hay, điện mặt trời mái nhà tự dùng ở các cơ sở sản xuất lớn đang gặp bế tắc trong việc kết nối với hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân là nguồn điện này không ổn định và không sẵn có 24/7, trong khi hoạt động của doanh nghiệp cần phải có điện 24/7, với sản lượng và điện áp ổn định để đảm bảo hoạt động liên tục. Vì thế, việc kết nối với hệ thống điện quốc gia để cân đối, bù trừ nhu cầu tiêu thụ điện là rất cần thiết.
Đáng nói là, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để tự dùng tại chỗ hiện nay là không hề nhỏ. EVN và các đơn vị điện lực đã nhận được không ít kiến nghị về việc được đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng tại chỗ, không bán điện lên lưới điện của ngành điện.
Đó là, Công ty TNHH Norsk Solar Việt Nam, tổ chức được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư và Quỹ phát triển Chính phủ Na Uy và Phần Lan muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại; Công ty TNHH Maruha Chemical Việt Nam thuộc Tập đoàn Toray Nhật Bản đầu tư điện mặt trời mái nhà tại hệ thống nhà máy của Công ty để sử dụng nội bộ; Sở Công thương Tiền Giang đề nghị lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở làm việc của 8 sở, ngành và Trung tâm Hành chính công tỉnh Tiền Giang…
EVN cũng cho hay, do các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị điện lực, nên việc không chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển nguồn điện tái tạo để tự dùng có thể gây phản ứng tiêu cực của các chủ đầu tư và địa phương.
Tuy nhiên, nếu EVN chấp thuận, thì lại chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng.
“Đó là chưa kể, việc không kiểm soát đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng có thể gây khó khăn cho việc lập kế hoạch huy động các nguồn điện hiện hữu khác để đảm bảo cân bằng cung - cầu trong vận hành hệ thống điện quốc gia”, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN nhận xét trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Phía EVN cũng cho rằng, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện tự chịu rủi ro khi hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng bị sự cố và lưới điện không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại cùng thời điểm.
Chia sẻ thực tế này, ông Nguyễn Bình, chuyên gia năng lượng tái tạo cho hay, dù doanh nghiệp có đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng, thì ngành điện vẫn phải đầu tư hạ tầng để dự phòng cho khách hàng và không biết khi nào được huy động. Điều này cũng khiến chi phí sản xuất điện của hệ thống bị đội lên, gây lãng phí trên bình diện chung. Vì vậy, rất cần quy định rõ ràng.
Đợi quy định đến bao giờ
Theo đánh giá của EVN, với dự báo mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện cùng tiến độ triển khai đầu tư các dự án nguồn, lưới điện hiện nay và trong kế hoạch, khu vực miền Bắc có nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào thời điểm cuối mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7) từ năm 2023, nhất là trong trường hợp thời tiết nắng nóng kéo dài.
Mức công suất thiếu hụt có xu hướng tăng dần, từ 1.000 MW năm 2023 lên khoảng 3.100 MW năm 2025, nên sẽ gây khó khăn rất lớn đến cung ứng điện.
Đến ngày 9/12/2022 đã có 23 tỷ kWh điện được phát lên lưới từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới.
Để giảm thiểu việc thiếu công suất đỉnh ở miền Bắc, EVN đã đưa ra hàng loạt giải pháp, như bổ sung nguồn năng lượng tái tạo tại miền Bắc; tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc; bổ sung các nguồn tích trữ (BESS) tại miền Bắc…
EVN cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ.
Tuy nhiên, để huy động được nguồn điện này, EVN đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành các quy trình, quy chuẩn liên quan.
Đó là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điện mặt trời mái nhà và cơ chế xác minh sự tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các thiết bị điện mặt trời mái nhà (các tấm quang điện, bộ inverter, lưu trữ,…) trước khi lưu thông trên trị trường...
Đồng thời, quy định về trình tự, thủ tục lắp đặt, nghiệm thu đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng cho nhu cầu phụ tải tại chỗ cũng cần phải rất cụ thể và đảm bảo an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường.
Việc yêu cầu kỹ thuật kết nối thông tin giám sát, điều khiển hệ thống điện mặt trời mái nhà và trách nhiệm ràng buộc của chủ đầu tư trong phối hợp vận hành, điều chỉnh công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia cũng được đề xuất là phải có.
“Chỉ khi có các quy định rõ ràng từ các cơ quan quản lý nhà nước mới mong các nhà đầu tư chủ động bỏ tiền ra làm điện mặt trời mái nhà tự dùng nhằm đạt mục tiêu dùng nhiều năng lượng xanh trong sản xuất, giúp sản phẩm có lợi thế hơn; giảm ‘nhiệt’ đầu tư của Nhà nước và EVN vào điện mà vẫn đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống điện quốc gia”, ông Nguyễn Bình nhận xét.
Với thực tế chưa biết bao giờ các cơ quan chức năng xây dựng xong các quy trình rõ ràng, có thể thấy, đề nghị của doanh nghiệp bao bì tại Ninh Thuận lẫn các doanh nghiệp nói trên đang đi vào ngõ cụt, đồng nghĩa với dự án năng lượng xanh không phát huy được ưu điểm, dù rất sẵn sàng.