Nhiều doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà đang gặp khó về cơ chế. |
Vướng mắc
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà theo chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về các chính sách khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Thế nhưng, mới đây, 28 nhà đầu tư điện mặt trời áp mái tại tỉnh Bình Dương đã phải gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công thương, UBND tỉnh Bình Dương, Sở Công thương Bình Dương và Công ty Điện lực tỉnh, khẩn khoản mong tháo gỡ khó khăn cho dự án điện mặt trời áp mái, do không được thanh toán tiền điện từ ngày 31/3/2022.
Theo trình bày của các nhà đầu tư này, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổng công ty điện, họ đã đầu tư các hệ thống điện mặt trời mái nhà trước và trong năm 2020. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến thi công, cùng tình trạng khan hiếm vật tư, nhân công…, nhưng các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để hoàn thành đúng tiến độ. Hiện nay các hệ thống đều hoạt động ổn định, tạo ra sản lượng điện sạch cho đất nước.
Song, bất ngờ là Công ty Điện lực Bình Dương đã có thông báo về việc tạm ngừng thanh toán cho các chủ đầu tư do hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa bổ sung hồ sơ còn thiếu, gồm hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ. Theo đó, EVN sẽ dừng thanh toán tiền điện đối với phần sản lượng phát sinh từ ngày 1/3/2022, đồng thời báo cáo UBND tỉnh Bình Dương dừng mua điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà thiếu hồ sơ pháp lý.
“Nếu EVN ngừng thanh toán sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, vì doanh nghiệp khi xây dựng dự án đã có những khoản vay lớn. Nếu dừng thanh toán, dẫn đến doanh nghiệp sẽ chịu chi phí lãi vay tăng cao do lãi suất phạt quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn, khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng, gia tăng nợ quá hạn và nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, lãng phí nguồn lực lớn của xã hội đã đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời”, các doanh nghiệp lo lắng.
Ông Đào Du Dương, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP.HCM cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp tự đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà thì khả năng thu hồi vốn rất khó khăn, do chưa có cơ chế, quy định pháp lý cụ thể nên hiện EVN tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng này và chờ hướng dẫn từ Bộ Công thương.
Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị tăng cao, khiến việc tự đầu tư dự án gặp nhiều rủi ro. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất đến từ những bất cập về chính sách đang gây bất lợi cho doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà.
“Lợi ích của điện mặt trời đã khá rõ ràng, tuy nhiên, trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc như các quy định điều kiện lắp đặt cho điện mặt trời vẫn chưa rõ ràng, thiếu tính nhất quán. Rồi vấn đề phòng cháy chữa cháy, vấn đề nghiệm thu cũng chưa có hướng dẫn rõ”, ông Dương chia sẻ.
Cần sớm hoàn thiện cơ chế
Để thúc đẩy mô hình điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp sản xuất, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp sử dụng điện tái tạo nhằm tạo động lực chuyển đổi mạnh hơn nữa mô hình này ở doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp để triển khai và phải tuân thủ giải pháp trong từng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo…
Phát biểu tại Tọa đàm "Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển", vừa được tổ chức tại TP.HCM, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến cho rằng, mô hình này cần được Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích mạnh mẽ và thủ tục thông thoáng để phát triển, góp phần giải quyết an ninh năng lượng cho mỗi doanh nghiệp và an ninh năng lượng cho đất nước.
Ông Tiến đề xuất 4 giải pháp phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà cho các doanh nghiệp tự sử dụng.
Một là, bãi bỏ các cơ chế “xin - cho”, việc xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng không cần thiết có thỏa thuận đấu nối.
Hai là, Bộ Công thương cần ban hành cụ thể tiêu chuẩn Inverter, vì đây là thiết bị chủ yếu kết nối với lưới điện và ảnh hưởng các yếu tố của lưới điện như tần số, dòng điện, điện áp, chất lượng điện năng.
Ba là, các công ty điện lực sẽ kiểm tra mọi tiêu chuẩn ở giai đoạn kiểm soát đóng điện.
Bốn là, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quy trình phát triển.
Ngoài ra, ông Phan Công Tiến cũng kiến nghị Nhà nước nên yêu cầu EVN mua một phần điện từ các hệ thống điện này trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng còn dư để tránh lãng phí, tăng thêm hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp, đồng thời giúp giảm giá thành bán lẻ điện.