Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực các quốc gia ASEAN trong quản lý y học thảm họa (gọi tắt là Dự án ARCH), hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản - JICA và Viện quốc gia về Y học khẩn cấp của Thái Lan - NIEM với mục tiêu nâng cao cơ chế hợp tác về y tế để ứng phó thảm họa trong khu vực ASEAN.
Diễn tập tình huống |
Phát biểu buổi diễn tập, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị diễn tập quốc tế phối hợp ứng phó y tế trong thảm họa lần 2 năm 2018 tại Đà Nẵng, Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ sẵn sàng phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN trong công tác hỗ trợ, ứng phó y tế trong tình huống xảy ra thảm hoạ tự nhiên ở quy mô khu vực.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng đây là cơ hội quý báu để các đội ứng phó y tế quốc tế và Việt Nam được trao đổi, tăng cường hiểu biết và nâng cao kỹ năng chuyên môn theo tiêu chuẩn khu vực cũng như tăng cường năng lực lập kế hoạch ứng phó với thảm họa tự nhiên trong tương lai.
Sơ cứu người bị nạn |
Trong cuộc diễn tập lần này, các đội được học cách quản lý thông tin, làm thế nào để báo cáo nhằm đảm bảo phối hợp hiệu quả giữa các đội cấp cứu, làm thế nào để hợp tác với các cơ quan trong nước và quốc tế tại khu vực bị ảnh hưởng. Hơn nữa, cuộc diễn tập đã được thiết kế để giúp ban điều hành dự án kiểm tra hiệu quả của các công cụ hợp tác khu vực mà cụ thể là Quy trình Vận hành Chuẩn để Điều phối các đội cấp cứu tại các quốc gia ASEAN và Khung Đánh giá Nhu cầu Y tế đã được xây dựng bởi các Tổ Công tác của Dự án.
Tình huống giả định đưa ra là một cơn bão cường độ mạnh đổ bộ vào khu vực duyên hải miền trung gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Các đội, thành viên tham gia diễn tập |
Các cơ sở y tế bị tàn phá nên không đáp ứng được yêu cầu cứu chữa cho nạn nhân, nhất là những khu vực bị cô lập. Trước tình hình đó, UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa (AHA) kêu gọi sự giúp đỡ của các nước thành viên ASEAN cứu trợ nhân đạo. 10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) của 9 nước thành viên ASEAN và Nhật Bản đến Đà Nẵng và Quảng Nam thông qua cảng hàng không Đà Nẵng và cùng phối hợp với các đội y tế của Đà Nẵng và Quảng Nam thiết lập các cơ sở y tế lưu động, phối hợp cứu chữa những người bị nạn.