Trong các “câu lạc bộ” xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, có “câu lạc bộ mặt hàng xuất khẩu”, “câu lạc bộ địa bàn xuất khẩu”, “câu lạc bộ các thị trường xuất khẩu”. Thấy gì từ các “câu lạc bộ” này?
Dệt may đứng thứ hai trong “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên |
Mặt hàng xuất khẩu: có thể thêm 2 mặt hàng nữa
“Câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên năm 2013 có 22 mặt hàng, trong đó có 3 mặt hàng (điện thoại, dệt may, máy tính) đạt trên 10 tỷ USD, đặc biệt, lần đầu tiên, Việt Nam có một mặt hàng vượt qua mốc 20 tỷ USD là điện thoại. Năm 2014, mới qua 8 tháng rưỡi, Việt Nam đã có 21 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Từ danh sách mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, có thể có một số nhận diện về “câu lạc bộ” này như sau:
Thứ nhất, số lượng mặt hàng đã có xu hướng cao lên. Cả năm trước có 22 mặt hàng. Năm nay mới qua 2/3 thời gian, số mặt hàng đã đạt 21 mặt hàng; khả năng cả năm sẽ có có thể thêm 2 mặt hàng nữa.
Thứ hai, tổng kim ngạch xuất khẩu của các thành viên này đạt 86,55 tỷ USD, chiếm 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng. Điều đó cho thấy, một mặt cần có nhiều mặt hàng để khai thác thế mạnh về lao động, nguyên vật liệu ở các vùng, miền tăng kim ngạch xuất khẩu; mặt khác cần tập trung vào các mặt hàng chủ lực, bởi “câu lạc bộ” này tăng 1% sẽ có giá trị bằng mức tăng 5% của nhóm các mặt hàng còn lại.
Thứ ba, trong 21 mặt hàng này, có 8 mặt hàng là nông, lâm, thủy sản; 13 mặt hàng là công nghiệp, trong đó 1 mặt hàng là nguyên liệu khai thác, còn 12 mặt hàng chế biến. Trong các mặt hàng chế biến, ngoài các mặt hàng sử dụng nhiều lao động (dệt may, giày dép, xơ sợi, sản phẩm chất dẻo, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù...), còn có các mặt hàng có kỹ thuật - công nghiệp hiện đại hoặc tương đối hiện đại.
Thứ tư, thứ bậc các thành viên trong “câu lạc bộ” có sự thay đổi. Ngoài 10 mặt hàng giữ thứ bậc như năm 2013, một số mặt hàng đã vượt bậc: giày dép từ thứ 4 năm trước đã vượt qua máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vươn lên đứng thứ 3; cà phê từ thứ 11 vượt qua gạo lên đứng thứ 10; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù từ thứ 14 vượt qua xơ sợi, cao su lên đứng thứ 12...; riêng hạt tiêu năm trước không là thành viên (và đứng thứ 25) nay đã tham gia và vượt lên đứng thứ 21.
Thứ năm, kết quả 8 tháng rưỡi qua là tín hiệu khả quan để cả năm Việt Nam sẽ có 2 mặt hàng có kim ngạch vượt mốc 20 tỷ USD là điện thoại và dệt may.
Địa bàn xuất khẩu: 2 ngôi sao lớn
Về địa bàn xuất khẩu, tất cả 63 tỉnh/thành phố của cả nước đều có kim ngạch xuất khẩu với quy mô khác nhau. Do vậy, cần phải mở rộng các địa bàn xuất khẩu để khai thác các nguồn lực tại chỗ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hạn chế việc di dân tự do.
Năm 2013 có 19 địa bàn tham gia “câu lạc bộ” các địa bàn có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 4 địa bàn đạt trên 10 tỷ USD, đặc biệt có 2 địa bàn là TP.HCM và Bắc Ninh đã vượt mốc 25 tỷ USD. Năm 2014, mới qua 8 tháng đã có 15 địa bàn đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Kim ngạch của 15 địa bàn này đã đạt 81,74 tỷ USD, chiếm 84,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vì thế, cần tập trung cho các địa bàn trọng điểm này, bởi 1% tăng lên của câu lạc bộ tương đương hơn 5% tăng lên của tất cả các địa bàn còn lại. Chỉ 2 địa bàn TP.HCM và Bắc Ninh mới qua 8 tháng đã có kim ngạch lớn hơn tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cả năm từ 2005 trở về trước.
Các địa bàn trên đều là những nơi thu hút và khẩn trương đưa các dự án đầu tư nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nên vừa chuyển dịch được cơ cấu kinh tế, vừa đạt được quy mô xuất khẩu lớn. Trong các địa bàn trên, đáng lưu ý có 2 địa bàn nhờ thu hút dự án đầu tư sản xuất điện thoại, sớm đưa vào sản xuất, xuất khẩu và có thị trường rộng lớn, nên đã nhanh chóng vượt lên: Bắc Ninh vượt lên đứng thứ 2, Thái Nguyên năm trước đứng thứ 36 vượt lên đứng thứ 6 cả nước.
Trong các vùng của cả nước, số địa bàn đạt kim ngạch xuất khẩu lớn tập trung nhiều ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có hai địa bàn là Thái Nguyên và Bắc Giang. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung năm trước có Đà Nẵng, Khánh Hòa, 8 tháng nay chưa có. Vùng Tây Nguyên chưa có tỉnh nào.
Những địa bàn có lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn, nhưng hoặc là dự án chưa hoàn thành, đưa vào sản xuất, xuất khẩu, hoặc là sản phẩm tiêu thụ trong nước nhiều, nên chưa tham gia “câu lạc bộ”, như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Kiên Giang.
Thị trường xuất khẩu: Hoa Kỳ vượt mốc 23 tỷ USD
Năm 2013 có 27 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 3 thị trường vượt mốc 13 tỷ USD, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ vượt trên 23 tỷ USD. Năm 2014, mới qua 8 tháng, đã có 25 thị trường đạt từ 1 tỷ USD.
Chỉ với 25 thị trường trên, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 84,19 tỷ USD, chiếm 86,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ra tất cả các thị trường, lớn hơn kim ngạch cả năm của cả nước từ 2010 trở về trước. Do vậy, một mặt cần mở rộng các thị trường, mặt khác cần quan tâm đến các thị trường trọng điểm đến từ “câu lạc bộ” này, bởi vì chỉ 1% tăng lên của “câu lạc bộ” đã tương đương với trên 5% tăng lên của các thành viên chưa tham gia “câu lạc bộ”.
Năm ngoái là lần thứ nhất và khả năng cả năm nay là lần thứ hai, Việt Nam có một thị trường vượt mốc 23 tỷ USD là Hoa Kỳ. Việt Nam đứng thứ gần 30 trong các nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu vào Hoa Kỳ, song cần mở rộng các mặt hàng để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, dễ gặp các rào cản kỹ thuật.
Trong 84 thị trường xuất/nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam, có 59 thị trường Việt Nam ở vị thế xuất siêu, 25 thị trường ở vị thế nhập siêu. Các thị trường xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD) là Hoa Kỳ 14,15 tỷ USD, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất 2,92 tỷ USD, Hồng Kông 2,23 tỷ USD, Hà Lan 1,99 tỷ USD, Anh 1,98 tỷ USD... Các thị trường nhập siêu lớn nhất (trên 1 tỷ USD) là Trung Quốc 17,33 tỷ USD, Hàn Quốc 9,39 tỷ USD, Đài Loan 5,62 tỷ USD, Singapore 2,91 tỷ USD, Thái Lan 2,11 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là cần ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cơ cấu lại thị trường nhập khẩu...
Xuất khẩu gỗ: Ngưỡng 10 tỷ USD nằm trong tầm tay () Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, với sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ sớm đạt ngưỡng 10 tỷ USD/năm. |
Cận cảnh 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu tỷ USD () Tổng giá trị xuất khẩu của 10 mặt hàng này là khoảng 40 tỷ USD, chiếm hơn 35% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế trong tháng 5 đầu năm nay. |
Năm 2014, xuất khẩu sẽ cán đích 145 tỷ USD (Baodautu.vn) Năm 2014, mục tiêu của Việt Nam cán đích 145 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, thị trường trong nước đạt mức tăng trưởng từ 14-15% so với năm 2013. Nhắm tới mục tiêu đó, tham tán thương mại sẽ tiếp tục là "cầu nối" đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Sắp tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại 2013 |
Minh Nhung