Nông sản Việt đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong nửa đầu năm và có nhiều triển vọng trong 6 tháng cuối năm |
Mừng vì hàng tồn kho giảm
Kinh tế toàn cầu 6 tháng cuối năm vẫn còn khó, tiêu dùng tại nhiều thị trường phục hồi, nhưng chưa đồng đều, tại không ít nước châu Âu, người dân thắt chặt chi tiêu…, nhưng dự báo, một số ngành hàng xuất khẩu của nước ta vẫn có cửa sáng đón đơn hàng. Đó là hàng điện tử (máy tính, điện thoại và linh kiện); gỗ và sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị, phụ tùng và nông sản…
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu điện thoại, máy tính khởi sắc, tăng lần lượt 11,3% và 28,6% so với cùng kỳ năm trước, với tổng kim ngạch hơn 60 tỷ USD. Dự kiến, nếu duy trì được mức tăng như nửa đầu năm, ngành điện tử sẽ tạo ra doanh thu xuất khẩu khoảng 120 - 125 tỷ USD vào cuối năm nay, do cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc cải thiện mạnh mẽ.
Hỗ trợ đáng kể cho mức doanh thu này là giá trị xuất khẩu của Samsung quý I đạt 15 tỷ USD, ước nửa năm đạt 30 tỷ USD. Điện tử, máy tính và linh kiện chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nên ngành hàng này tăng trưởng cao có tác động khá lớn đến tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.
- Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence
Với gỗ và sản phẩm gỗ, nhu cầu tại Mỹ, EU đang phục hồi tốt sau năm 2023 ảm đạm, tạo cơ hội để các doanh nghiệp chốt thêm đơn hàng.
Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 52,3% kế hoạch. Trong đó, các thị trường đạt tăng trưởng cao là Trung Quốc, Mỹ...
Từ đầu năm tới nay, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Mỹ tăng trưởng 27,6%, đạt 4,38 tỷ USD, cho thấy nhu cầu đang phục hồi nhanh. Dự báo, nếu duy trì tốt “phong độ” như hiện tại, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ hoàn toàn có thể chạm mốc 8,7 tỷ USD như năm 2022, giúp ngành này về đích với 16 tỷ USD.
Bộ Công thương đánh giá, tại Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Theo đó, các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam, có nhiều cơ hội hơn.
Tương tự, thị trường EU cũng tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, với kim ngạch 24,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Đà tăng này được dự báo vẫn duy trì trong những tháng tới nhờ đơn hàng về nhiều trong mùa tiêu dùng cuối năm. Xuất khẩu thủy sản sang EU đón sóng phục hồi, kim ngạch đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích: “Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khởi sắc có sự hỗ trợ của một loạt yếu tố như: chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với đó, vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục”.
Nông sản cũng “đắt hàng”, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; thủy sản hồi phục nhưng tốc độ chậm hơn, đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%.
Kết quả tăng trưởng cao của nửa đầu năm là tiền đề để xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp cả năm nay có thể đạt 55 - 56 tỷ USD, theo đúng mục tiêu Chính phủ giao.
Theo Bộ Công thương, thời điểm này, lượng hàng tồn kho tại nhiều thị trường lớn đã giảm, nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại… Điều này hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng điện thoại, máy tính, giày dép, nông thủy sản trong các tháng còn lại của năm 2024, làm cơ sở để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6%, tương ứng 377 tỷ USD.
Nhận diện rủi ro và cơ hội tăng trưởng
Nhận diện thách thức đối với xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải chỉ ra rằng, công suất dư thừa tại Trung Quốc sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Bởi, khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.
“Nhưng trên bình diện chung, năm 2024 vẫn có nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phục hồi”, Bộ Công thương đánh giá.
Mới đây nhất, vào ngày 1/7, S&P Global công bố, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng mạnh, từ 50,3 điểm trong tháng 5, vọt lên 54,7 điểm. Kết quả này không chỉ cho thấy “sức khỏe” ngành sản xuất được cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh khởi sắc đáng kể, đặc biệt, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
Theo khảo sát của S&P Global, lượng đơn đặt hàng của tháng 6 chỉ đứng sau mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 3/2011. Các báo cáo cho thấy, nhu cầu đã cải thiện khi một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng.
Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, ông Andrew Harker đánh giá: “Ngành sản xuất của Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh”.
Trong khi đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 và dự báo quý III do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, có 33,1% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý III; 50,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định; chỉ 16,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Tuy nhiên, để nhanh chóng có đủ vốn cho sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục và điều kiện vay vốn.
Chia sẻ tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại của Bộ Công thương với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức vào ngày 2/7, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada và một số nước châu Âu lưu ý, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, các nhà cung ứng từ Việt Nam cần nắm bắt và chuyển hướng sản xuất theo xu hướng này để tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu không chỉ trước mắt, mà còn trong dài hạn.