Thời gian thực hiện Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được kéo dài thêm 5 năm. Ảnh: Đức Thanh |
Lại vỡ tiến độ
UBND TP. Hà Nội vừa có Công văn số 3621/UBND-ĐT gửi các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông - Vận tải (GTVT), Xây dựng, Tư pháp, đề nghị cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội. Thời hạn cuối để 5 bộ cho ý kiến là trước ngày 15/11/2022.
Đây là điều kiện rất quan trọng để UBND TP. Hà Nội trong vai trò chủ đầu tư kịp tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, đảm bảo quá trình triển khai Dự án không bị gián đoạn.
Vấn đề này cũng sẽ được đưa vào nội dung hội đàm chính thức giữa Thủ tướng và Chủ tịch Thượng viện Pháp, dự kiến diễn ra vào tháng 12/2022.
Trước đó, vào giữa tháng 9/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 107/TB-VPCP cho biết, Thường trực Chính phủ đã chấp thuận về nguyên tắc việc gia hạn thời gian thực hiện Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội và giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm cả thủ tục thẩm định nội bộ.
Trong Tờ trình số 330/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự vào đầu tháng 10/2022, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ xem xét nới cả đai tiến độ lẫn quy mô tổng mức đầu tư.
Cụ thể, thời gian thực hiện Dự án được kéo dài thêm tới 5 năm (từ 2009 đến 2022 thành từ 2009 đến 2027). Trong đó, UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027; hoàn thanh công tác bảo hành, quyết toán công trình vào năm 2009. Như vậy, đây đã lần nới đai tiến độ thứ tư kể từ khi tuyến đường sắt đô thị thí điểm này được phê duyệt vào năm 2009.
Cũng tại tờ trình trên, UBND TP. Hà Nội đưa ra tổng mức đầu tư mới của Dự án là 34.826 tỷ đồng (tăng 1.916 tỷ đồng), trong đó ngân sách Thành phố tăng 3.895,93 tỷ đồng và giảm vốn vay ODA 1.979,93 tỷ đồng, đồng thời xin gia hạn thời gian các hiệp định vay của Dự án đến hết ngày 31/12/2029 (đến hết thời hạn bảo hành Dự án).
“Trường hợp thủ tục điều chỉnh Dự án không thể hoàn thành trong năm 2022, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án được tiếp tục thực hiện thi công, giải ngân và điều chỉnh các hợp đồng của Dự án để không làm gián đoạn quá trình thực hiện Dự án”, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.
Theo UBND TP. Hà Nội, tính đến đầu tháng 10/2022, có tới 9/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng do đã hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng. Trong số đó, có Hợp đồng CP4 đã kết thúc năm 2015; Hợp đồng xây lắp CP1, CP2 và CP5 cần gia hạn thời gian hoàn thành đoạn trên cao dự kiến đến cuối năm 2022; Hợp đồng cơ điện CP6, CP7, CP8, CP9 cần gia hạn thời gian theo 2 giai đoạn: giai đoạn I hoàn thành đoạn trên cao, giai đoạn II quay trở lại hoàn thành đoạn ngầm; Hợp đồng xây lắp CP3 và Tư vấn thực hiện Dự án PIC cần gia hạn đến hoàn thành toàn bộ dự án sau năm 2022.
Đến nay, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội mới ký kết phụ lục hợp đồng với 5 gói thầu CP1, CP2, CP5, CP7 và PIC (gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến tháng 12/2022) và đang triển khai thương thảo với gói thầu CP6, CPN và CP3.
“Việc điều chỉnh tiến độ dự án và gia hạn các hợp đồng đang hết sức khó khăn, phức tạp do Dự án phải đồng thời tuân thủ cả quy định của các nhà tài trợ và quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, trong khi có nhiều sự khác biệt giữa quy định hợp đồng FIDIC (Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn) với các quy định pháp luật Việt Nam, dẫn đến phát sinh các khiếu kiện, tranh chấp hay tạm dừng công việc với các nhà thầu quốc tế của Dự án”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nói.
Những đường găng khó giải
Cần nói thêm, trong quá trình nghiên cứu xin điều chỉnh tiến độ, chủ đầu tư đã tính đến phương án đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến metro vào năm 2026 (bao gồm cả đoạn đi ngầm), rút ngắn 11,5 tháng so với phương án lựa chọn.
Tuy nhiên, ngoài việc ngốn thêm tới 1.466 tỷ đồng, phương án này tồn tại nhiều rủi ro về địa chất cũng như an toàn trong quá trình thi công do việc thi công đoạn đi ngầm, garage và đường chuyển làn phải đẩy lên tốc độ tới hạn. Bên cạnh đó, còn có thêm rủi ro khiếu nại từ các nhà thầu thiết bị bởi quyền tiếp cận công trường có khác biệt so với hợp đồng.
Tất cả các rủi ro này đều có thể khiến chủ đầu tư phải bổ sung kinh phí lớn, trong khi các hiệp định vay vốn với nhà tài trợ đều đã tới hạn.
Theo các chuyên gia, ngay cả mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao vào cuối năm 2022 và hoàn thành toàn bộ Dự án vào cuối năm 2027 cũng rất căng thẳng do đang phải neo vào khá nhiều điều kiện giả định.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, tiến độ hoàn thành toàn tuyến chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ thực hiện Gói thầu CP03 - Hầm và các ga ngầm, trong khi công tác thi công lại phụ thuộc vào tốc độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng của đoạn trên cao đã hoàn thành và bàn giao cho các nhà thầu. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại khiếu nại kéo dài của 177 hộ dân tại Depot và đường dẫn vào Depot đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, các hộ dân này thường xuyên gửi đơn thư khiếu nại lên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đối với đoạn ngầm, công tác giải phóng mặt bằng đã bị chậm từ 1 đến 6 năm. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đoạn ngầm tuy đã có nhiều tiến triển, nhưng vẫn còn một số “nút thắt” khó nhằn liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư 50 tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm (43 tòa nhà cần tạm cư và 7 tòa nhà cần phá dỡ, đều không phải thu hồi đất).
Mặc dù số lượng không lớn, nhưng rất phức tạp, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do chưa có quy định pháp luật (về chính sách bồi thường hỗ trợ, tạm cư; về hợp đồng thỏa thuận tạm cư; về quy trình thực hiện) và thực tiễn thực hiện ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Gói thầu CP05 - Các công trình kiến trúc Depot (khu trung tâm điền khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đảm nhận đang là một trong những nỗi lo lớn nhất của UBND TP. Hà Nội.
Sau 10 lần ký phụ lục hợp đồng, thời gian thực hiện Gói thầu CP05 được kéo dài đến ngày 11/12/2022 và giá trị hợp đồng đã bị phình thêm gần 280 tỷ đồng.
Mặc dù không quá phức tạp về công nghệ, nhưng nội dung công việc của Gói thầu CP05 rất quan trọng do liên quan trực tiếp đến an toàn vận hành, bảo dưỡng đoàn tàu, hệ thống điện... của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Hiện Gói thầu CP05 đã đạt khoảng 80% giá trị hợp đồng, trong đó, cơ bản hoàn tất các hạng mục thi công kết cấu bê tông cốt thép, kết cấu thép của nhà điều hành và các tòa nhà phục vụ vận hành, bảo trì khác. Tuy nhiên, tiến độ thi công phần cơ điện (MEDF) - yếu tố được coi là “linh hồn” giúp vận hành Depot tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lại triển khai rất chậm.
Được biết, để giảm ảnh hưởng và sự lệ thuộc vào tiến độ Gói thầu CP05, chủ đầu tư đang làm việc với các nhà thầu để tập trung thiết lập nhà điều hành OCC tạm thời tại Nhà ga S02 (phương án B) để đảm bảo hoàn thành, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.
Một điểm sáng mới tại Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội là tính đến giữa tháng 11/2022, tại các đoạn đi ngầm, các hộ dân đã ký biên bản thỏa thuận tạm cư và biên bản cam kết bàn giao mặt bằng. Sản lượng thực hiện tăng 0,44% so với kỳ báo cáo tháng 10/2022 (đoạn trên cao tăng 0,9%, đoạn đi ngầm đang chuẩn bị để thi công trở lại).
“Đến nay, chủ đầu tư đang bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phấn đấu đưa đoạn trên cao vào vận hành trong tháng 12/2022”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT thông tin.
- Tuyến chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài chính tuyến là 12,5 km (8,5 km đoạn đi trên cao và 4 km đoạn đi ngầm).
- Đường sắt khổ đôi 1.435 mm, ray/ghi tiêu chuẩn châu Âu; hệ thống nhà ga gồm 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm); phương tiện vận tải gồm 10 đoàn tàu (chiều dài đoàn tàu khoảng 80 m, với 4 toa); depot tại phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, diện tích 15,05 ha.
- Chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công;
- Năng lực nhà thầu thực hiện Gói thầu CP05 - Công trình kiến trúc Depot hạn chế và chậm trễ thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư;
- Năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư, tư vấn (PIC), sự phối hợp các sở, ngành còn hạn chế; sự chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố chưa sát sao, quyết liệt;
- Các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành;
- Quy định về giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ;
- Các vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị;
- Cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng rất phức tạp;
- Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.