Thời sự
Điều chỉnh dự toán ngân sách
Mạnh Bôn - 06/05/2013 06:41
Trước tình hình thu ngân sách khá căng thẳng, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, hoặc là phải kiến nghị điều chỉnh mục tiêu thu - chi, bội chi hoặc là Quốc hội, Chính phủ cần ban hành cơ chế để xử lý.
TIN LIÊN QUAN

Năm 2012, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất lớn, nhưng cuối cùng thu ngân sách vẫn vượt dự toán, mục tiêu bội chi vẫn hoàn thành. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính cập nhật và sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới, thì thu ngân sách năm 2012 đạt 743.190 tỷ đồng, tăng 2.690 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán.

Số tăng thu do tăng thu tiền sử dụng đất 8.109 tỷ đồng, tăng từ thu dầu thô 53.107 tỷ đồng, tăng từ các khoản thu khác do phát sinh từ các khoản chưa dự kiến hoặc dự kiến chưa hết khả năng 11.663 tỷ đồng, tăng thu từ viện trợ không hoàn lại 2.825 tỷ đồng.

Trong khi đó, thu nội địa giảm 35.279 tỷ đồng (7,7%) so với dự toán, thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm 26.072 tỷ đồng (gần 17%) so với dự toán.

Năm 2012, bội chi 140.200 tỷ đồng, đúng là đạt mục tiêu bội chi 4,8% GDP, nhưng nếu tính đúng, tính đủ thì mức bội chi còn lớn hơn, do nhiều khoản đã chi ra chưa được ghi vào cân đối ngân sách vì chưa có nguồn để cân đối. Trong đó, riêng số tiền chi cho hoàn thuế VAT là 89.000 tỷ đồng (chưa tính 14.532 tỷ đồng hoàn thuế năm 2011 không có nguồn thanh toán chuyển sang), nhưng cân đối ngân sách chỉ ghi hoàn thuế 70.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu chi đúng, chi đủ thì chi ngân sách còn tăng thêm 33.532 tỷ đồng nữa.

Dự báo của ông về cân đối ngân sách năm nay?

Nếu không tính 9.311 tỷ đồng khoản lãi dầu, khí phát sinh trong giai đoạn 2006-2011, thì thu ngân sách 4 tháng đầu năm mới đạt 28,8% dự toán, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng thu nội địa, trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 30% dự toán, tăng 2,9%. Còn thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu, sau khi trừ 18.000 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT, thu ngân sách mới đạt 23% dự toán và giảm tới 4,3% so với cùng kỳ năm 2012. Sau khi cân đối thu - chi, bội chi 4 tháng đầu năm đã bằng 36,6% dự toán.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến giảm thu?

Thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng làm giảm thu ngân sách, nhưng không nhiều. Cụ thể, năm 2012 ngân sách chỉ giảm thu 13.300 tỷ đồng, còn 4 tháng đầu năm nay cũng chỉ giảm thu 9.070 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính của giảm thu ngân sách là hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp khó khăn; DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động tăng; số DN không có thu nhập chịu thuế chiếm tỷ trọng khá cao.

Có phải vì vậy, mà tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông đã cho rằng, cần phải xem xét phương án điều chỉnh mục tiêu cân đối thu - chi ngân sách năm 2013?

Muốn bảo đảm mục tiêu thu - chi, bội chi ngân sách như Nghị quyết của Quốc hội, thì thu nội địa bình quân 4 tháng đầu năm phải đạt tối thiểu 45.460 tỷ đồng/tháng, thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu phải đạt tối thiểu 19.800 tỷ đồng/tháng, nhưng trên thực tế thì mỗi tháng hụt thu bình quân lần lượt là 5.350 tỷ đồng và 5.730 tỷ đồng.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần phải mạnh dạn nhìn vào sự thật để trình Quốc hội một trong hai phương án hoặc là Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu cân đối ngân sách hoặc Quốc hội ban hành Nghị quyết về các giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ DN, phát triển thị trường mạnh mẽ hơn.

Vấn đề cốt lõi là phải có giải pháp để giúp DN vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất. “Sức sống” của hơn 300.000 DN hiện nay mới là nền tảng để bảo đảm vững chắc nguồn thu.

Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ DN, phát triển thị trường và trên thực tế, những giải pháp này đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Vậy những giải pháp mới là gì, thưa ông?

Đối với lĩnh vực tài chính, theo tôi, cần tiếp tục xem xét việc giảm thuế có thời hạn, hoặc tiếp tục giãn thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Cũng phải nói thêm rằng, ngân sách giảm thu có sự đóng góp lớn từ việc giảm thu từ các mặt hàng nhập khẩu chịu thuế cao. Năm 2012, chỉ riêng việc giảm nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã làm giảm thu ngân sách 13.370 tỷ đồng; xe máy nguyên chiếc giảm thu 880 tỷ đồng; linh kiện và phụ tùng ô tô giảm thu 5.070 tỷ đồng… Những tháng đầu năm nay, thu ngân sách từ những mặt hàng này đạt thấp là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến ngân sách hụt thu. Vì vậy, cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng chịu thuế nhập khẩu cao kể trên.

Trong khi thu ngân sách gặp khó khăn như vậy, để bảo đảm mức bội chi 4,8% GDP thì cần phải giảm chi. Trong đó có việc hạn chế tối đa việc ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trừ trường hợp thật cấp bách; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa cấp thiết; cắt giảm, thu hồi số vốn, kinh phí đã giao, nhưng đến ngày 30/6, các cơ quan chưa phân bổ hết; tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí đã bố trí chi cho lễ hội, hội nghị…

Tin liên quan
Tin khác