Tài chính - Chứng khoán
Điều chỉnh thuế nhập khẩu để nâng cao sức cạnh tranh
Mạnh Bôn - 10/10/2017 10:18
Nghị định 122/2016/NĐ-CP (Nghị định 122) mới triển khai được hơn một năm, nhưng Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế nghị định này. “Nghị định 122 đã phát huy tác dụng, nhưng vẫn cần phải thay thế nhằm đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất trong nước”, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) lý giải.
TIN LIÊN QUAN

Kết quả triển khai Nghị định 122 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi sau hơn một năm thế nào, thưa bà?

Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 154,5 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2016; thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 134.600 tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán.

.

Đạt được kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ của Nghị định 122 (có hiệu lực từ ngày 1/9/2016), bởi Nghị định đã quy định thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo đúng lộ trình và phù hợp với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các mức thuế suất quy định cụ thể tại Nghị định 122 cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu đặt ra là không vi phạm cam kết WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, ký kết; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước.

Hoạt động xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm. Nhưng vấn đề là Việt Nam vẫn nhập siêu rất lớn từ ASEAN?

Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 16 tỷ USD, tăng hơn 26%; nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 19,7%. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ ASEAN tới 4,6 tỷ USD, trong khi cán cân thương mại tổng thể trong 9 tháng đầu năm chỉ nhập siêu 442 triệu USD.

Đúng là Việt Nam nhập siêu từ ASEAN còn lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu. Điều đáng nói là, trong cơ cấu hàng nhập khẩu từ ASEAN trong 9 tháng đầu năm, mặt hàng xăng dầu; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng mạnh. Đây là đầu vào của nền kinh tế, nếu không nhập khẩu từ ASEAN thì cũng phải nhập khẩu từ thị trường khác. Nếu không nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, thì không thể đẩy mạnh  xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước.

Hiện Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các FTA đối với thuốc lá, rượu bia, xăng dầu... Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) yêu cầu Việt Nam xóa bỏ hạn ngạch và đưa các mặt hàng thuốc lá, xăng dầu vào diện cắt giảm thuế quan. Thực hiện yêu cầu này sẽ tác động ra sao tới hoạt động thương mại Việt Nam - ASEAN, thưa bà?

Hoạt động thương mại dựa trên nguyên tắc có đi có lại, mình mở cửa mặt hàng này thì các đối tác cũng sẽ có đối xử tương ứng. Nếu mình không mạnh dạn mở cửa một số mặt hàng nhạy cảm hiện không cam kết cắt giảm thuế suất (chiếm 5 - 7% số dòng thuế), thì các nước cũng sẽ tìm cách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thể mạnh và đang khuyến khích phát triển. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam sang ASEAN tăng hơn 49%, điện thoại và linh kiện tăng hơn 38%. Nếu Việt Nam mạnh dạn mở cửa hơn nữa, thì xuất khẩu các mặt hàng có thể mạnh của Việt Nam sang ASEAN sẽ thuận lợi hơn.

Năm 2018, phần lớn các FTA bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và xóa bỏ thuế quan. Thực hiện các cam kết này là một trong những lý do cần phải ban hành nghị định thay thế Nghị định 122, cho dù nghị định này đang phát huy hiệu quả.

Thực tế cho thấy, cứ khi nào gặp khó khăn, DN, hiệp hội DN lại kiến nghị Bộ Tài chính tăng hoặc giảm thuế nhập khẩu mặt hàng nào đó. Việc thay thế Nghị định 122 dường như cũng theo hướng này?

Các cơ chế, chính sách liên quan đến thuế đều thực hiện trên tinh thần đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn cho DN. Xây dựng nghị định thay thế Nghị định 122, chúng tôi tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi của DN và thấy kiến nghị nào hợp lý về tăng hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nào đó thì đề nghị Chính phủ tăng thuế hoặc giảm. Nhưng không phải bất cứ kiến nghị nào của DN, hiệp hội DN cũng đều được đáp ứng, mà việc tăng hoặc giảm thuế phải không vi phạm các quy định của WTO và cam kết trong các FTA, không ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và phải tác động tích cực đến sản xuất trong nước.

Tăng hoặc giảm thuế nhập khẩu lĩnh vực này, ngành hàng này được hưởng lợi, thì lĩnh vực khác, ngành hàng khác bị bất lợi, vì vậy, trước khi trình Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể, chúng tôi phải tính toán, cân nhắc, phân tích hết sức cẩn trọng, vì mục tiêu thúc đẩy sản xuất trong nước nói chung, chứ không vì bất cứ DN nào, ngành hàng nào.

Thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng dự kiến sẽ có sự thay đổi tăng/giảm khi Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 122 trên tinh thần bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước. Cụ thể, nhiều mặt hàng trước đây chúng ta chưa sản xuất được, chưa chế biến sâu thì áp mức thuế nhập khẩu thấp, với hàng trong nước đã sản xuất được, thì tăng thuế nhập khẩu nhằm khuyến khích DNtrong nước đầu tư, sản xuất, tăng sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Tin liên quan
Tin khác