Thời sự
Điều chỉnh tiền lương gắn với kinh tế thị trường
Hải Hà - 02/02/2015 08:41
() Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cơ chế, chính sách tiền lương của Việt Nam đang được cải cách mạnh mẽ để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và quá trình hội nhập của nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bộ Tài chính: Tiết kiệm để tăng lương
Chậm lương quá 15 ngày phải trả thêm tiền
Bộ trưởng dành 20% tiền lương để thuê nhà công vụ
Lương lãnh đạo DNNN: Trăm triệu không ai dị nghị
Kiểm tra, công khai thu nhập của lãnh đạo DNNN

Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu đối với doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới được thực hiện theo hướng nào để vừa phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên trong quan hệ lao động?

Trên thực tế, mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2015 vẫn chưa bảo đảm được nhu cầu sống tối thiểu. Vì vậy, thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng dần mức lương tối thiểu vùng.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Chính phủ đã giao Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức thương lượng, thỏa thuận mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ công bố. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu phải được tính toán kỹ theo nguyên tắc kinh tế thị trường dựa trên thương lượng. Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh của DN, tình hình tiền lương, thu nhập, việc làm của người lao động trên thị trường, mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt để xây dựng lộ trình điều chỉnh.

Đâu là những điểm mới trong cơ chế tiền lương và những đổi mới đó đã tác động như thế nào đến DN cũng như người lao động, thưa ông?

Cơ chế tiền lương trong các DN đã có nhiều điểm mới. Cụ thể, DN được quyền chủ động xây dựng thang lương, bảng lương theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định, xếp lương cho người lao động, xác định kế hoạch quỹ tiền lương, quyết toán quỹ tiền lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh và chủ động trả lương cho người lao động theo quy chế trả lương của DN gắn với vị trí công việc.

Với DN nhà nước, tiền lương của viên chức quản lý tương ứng với quy mô của DN. Mức lương cơ bản tối đa đối với chủ tịch tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng, gắn với hiệu quả, sản xuất - kinh doanh, kết quả hoạt động quản lý, điều hành của viên chức quản lý. Nếu hiệu quả kinh doanh tốt thì được hưởng thêm tối đa 0,5 lần mức lương cơ bản, trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định thì hưởng thấp hơn mức lương cơ bản, nếu lỗ thì chỉ được hưởng mức lương chế độ. DN không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả cho viên chức quản lý.

Ngoài ra, DN phải công khai, minh bạch tiền lương, tiền thưởng của người lao động và viên chức quản lý thông qua báo cáo giám sát định kỳ, công khai trên website.

Cơ chế tiền lương đó đã có tác động tích cực, tạo sự chủ động cho DN. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đối với DN có quy mô lớn, hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao thì mức tiền lương mà Nhà nước khống chế ở mức tối đa không quá 1,5 lần mức lương cơ bản là chưa hợp lý, làm giảm động lực đội ngũ quản lý. Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, báo cáo Chính phủ nâng mức tiền lương tối đa đối với viên chức quản lý những DN có quy mô lớn, hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện việc giám sát thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ.

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã được thành lập và đi vào hoạt động được hơn một năm. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng, ông đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của Hội đồng và định hướng hoạt động trong năm 2015?

Sau khi được thành lập, trong năm 2013 và 2014, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tổ chức các cuộc thương lượng trên cơ sở đó có báo cáo khuyến nghị để Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2014.

Nếu như trước đây, mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ ấn định, thì nay, đại diện 3 bên thuộc Hội đồng Tiền lương quốc gia (gồm 5 thành viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 5 thành viên từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và thành viên của 5 tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động ở Trung ương) xác định, thương lượng, thỏa thuận và khuyến nghị mức lương tối thiểu vùng để trình Chính phủ công bố.

Tuy nhiên, do lợi ích khác nhau, nên trong quá trình thương lượng, ý kiến đại diện các bên còn nhiều khác biệt. Bên đại diện người lao động thường đề nghị mức tăng cao để sớm đạt nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, trong khi bên đại diện người sử dụng lao động đề nghị mức tăng thấp do tình hình sản xuất - kinh doanh của DN còn khó khăn. Vì vậy, Hội đồng phải tổ chức rất nhiều cuộc thương lượng để thỏa thuận, thống nhất mức lương tối thiểu, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích.

Năm 2015, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghiên cứu các vấn đề tác động của tiền lương, tiền lương tối thiểu đến việc làm, thất nghiệp và các nội dung khác liên quan làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường.

Tin liên quan
Tin khác